(HNM) - Thời gian qua, hoạt động giám sát của HĐND thành phố Hà Nội ngày càng đi vào thực chất, sát với thực tiễn và yêu cầu phát triển của Thủ đô. Trong đó, những kinh nghiệm hay trong thực hiện giám sát đến cùng các vấn đề cử tri quan tâm tiếp tục được duy trì và phát huy.
Hướng mạnh về cơ sở
Từ đầu năm 2019 đến nay, hoạt động giám sát của Thường trực, các ban, văn phòng, tổ đại biểu HĐND thành phố Hà Nội tập trung hướng mạnh về cơ sở để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhận diện những bất cập trong thực hiện nhiệm vụ của các cấp, ngành.
“Hướng về cơ sở không phải là đến giám sát trực tiếp ở đơn vị cơ sở, mà linh hoạt giám sát theo nhóm các đơn vị tương đồng về chức năng, nhiệm vụ và nội dung. Cách làm này sẽ giảm đầu mối giám sát trực tiếp, tăng giám sát qua báo cáo và mời cơ sở, các đơn vị liên quan đến làm việc tại trụ sở HĐND thành phố để làm rõ các nội dung giám sát”, Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh.
Cụ thể, từ đầu năm 2019 đến nay, các bộ phận thuộc HĐND thành phố Hà Nội đã triển khai 26 cuộc giám sát, khảo sát chuyên đề theo hướng tinh gọn, chất lượng. Nổi bật như các cuộc giám sát, khảo sát chuyên đề: Công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; kết quả xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng; việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đối với các trường công lập và việc đầu tư xây dựng trường học tại các khu đô thị trên địa bàn Thủ đô; công tác quản lý hành nghề y, dược tư nhân… đã được thực hiện.
Đồng tình cao với hoạt động giám sát xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng, cử tri Đỗ Văn Phúc (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông) cho rằng, việc giám sát lĩnh vực này đã góp phần làm giảm tình trạng xây nhà không phép và quản lý lỏng lẻo của chính quyền cơ sở…
Còn theo cử tri Vũ Thị Thu Hương (phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân), các dự án chậm triển khai đã được “chỉ mặt, đặt tên” tại kỳ họp thứ chín HĐND thành phố vừa qua. Song, để đạt hiệu quả cao rất cần tái giám sát việc xử lý các trường hợp vi phạm, tránh lãng phí, thất thoát nguồn lực.
Cùng với các hoạt động của Thường trực và các ban, tổ đại biểu HĐND thành phố tiếp tục duy trì giám sát, khảo sát những vấn đề cử tri bức xúc, phù hợp với thực tiễn địa phương nơi ứng cử.
Trong đó, Tổ đại biểu quận Hoàn Kiếm tái giám sát về quản lý và sử dụng nhà đất thuộc sở hữu nhà nước. Tổ đại biểu quận Hai Bà Trưng giám sát tiến độ các dự án đầu tư do thành phố thực hiện bằng vốn ngân sách và giám sát tình hình sử dụng đất các dự án ngoài ngân sách của các doanh nghiệp được giao đất trên địa bàn. Tổ đại biểu huyện Phúc Thọ giám sát về Chương trình Sữa học đường…
“Giám sát thường xuyên, liên tục giữa hai kỳ họp giúp các tổ và đại biểu HĐND thành phố nắm bắt kịp thời những vấn đề đặt ra tại cơ sở. Từ đó, vừa kịp thời yêu cầu các cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền, vừa có thể làm tư liệu chất vấn về sau”, Bí thư Quận ủy, Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND thành phố quận Hai Bà Trưng Nguyễn Văn Nam chia sẻ.
Nhiều kinh nghiệm hay, bài học quý
Yếu tố quan trọng trong hoạt động giám sát là việc chọn nội dung, đối tượng, thời gian, hình thức và thành phần đoàn giám sát. Trước khi lựa chọn nội dung giám sát, cần xác định rõ mục tiêu của đợt giám sát là để thúc đẩy công việc tốt hơn, phát hiện đơn vị làm tốt thì đề nghị nhân rộng, làm chưa tốt thì chấn chỉnh, gặp khó khăn thì tìm cách tháo gỡ.
“Giám sát là đi sâu vào lĩnh vực chuyên ngành, nên đòi hỏi các thành viên đoàn giám sát phải nghiên cứu, nắm chắc các nội dung; cần thiết có thể mời thêm các chuyên gia, nhà khoa học tham gia đoàn”, đại biểu Nguyễn Nguyên Quân (Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội) cho biết.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Hương (Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội) cho rằng, công tác chuẩn bị nội dung, hình thức, địa bàn, đối tượng càng được chu đáo thì chất lượng giám sát càng cao. Kinh nghiệm là khi địa bàn quận, huyện, thị xã được Thường trực HĐND thành phố chọn giám sát, thì các ban HĐND thành phố không chọn trùng địa phương đó tại cùng thời điểm, nhằm tránh chồng chéo.
Đại biểu HĐND thành phố Phạm Thị Thanh Mai (Bí thư Thị ủy Sơn Tây) nêu, thực tiễn qua một số cuộc giám sát, trong báo cáo của quận, huyện có nhiều số liệu mâu thuẫn với số liệu cấp sở, ngành báo cáo. Trong đó, cũng có những thông tin thiếu khách quan, không chỉ ra được hạn chế yếu kém và sai phạm trong quản lý.
Vì thế, trước khi tiến hành một cuộc giám sát cần yêu cầu cơ quan, đơn vị được giám sát gửi báo cáo, đồng thời phân công các chuyên viên giúp việc tra cứu văn bản pháp lý liên quan, thu thập thông tin, số liệu. Cách làm này giúp đoàn giám sát hoàn toàn chủ động, nắm rõ bản chất của vấn đề khi xuống cơ sở.
Một cuộc giám sát có hiệu quả là đưa ra được những kết luận sát thực, cụ thể, khách quan. Vì thế, thời gian tới, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các bộ phận liên quan theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát.
Nếu đơn vị, cơ quan nào chậm giải quyết, tham mưu văn bản đôn đốc, nhắc nhở; nếu chậm xử lý sẽ báo cáo Thường trực HĐND thành phố đưa vào nội dung chất vấn tại kỳ họp, phiên giải trình của Thường trực HĐND thành phố trong thời gian tới.
Từ nay đến cuối năm 2019, HĐND thành phố Hà Nội sẽ thực hiện 2 cuộc giám sát chuyên đề. Các ban HĐND, Văn phòng HĐND thành phố thực hiện giám sát 15 chuyên đề và các tổ đại biểu HĐND thành phố triển khai 39 cuộc giám sát theo kế hoạch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.