(HNM) - Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn Hà Nội 9 tháng năm 2022 đã thu được kết quả tích cực từ nỗ lực của doanh nghiệp, cùng với các giải pháp của thành phố trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thành phố quyết tâm thúc đẩy sản xuất và lưu thông hàng hóa, đưa sản xuất công nghiệp là nền tảng phát triển kinh tế bền vững.
Trong thời gian qua, phát triển sản xuất công nghiệp được các chính quyền địa phương tập trung đẩy mạnh. Tại huyện Hoài Đức, dù đang sử dụng diện tích hơn 5.000m2 tại Cụm công nghiệp Lai Xá - Kim Chung, nhưng theo Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại và dịch vụ Long Đức Thái Thùy Nhung, công ty vẫn đang đầu tư mở rộng nhà xưởng, gia công sản xuất các chi tiết phụ trợ của ô tô. Công ty đang có 30 lao động với mức lương 6-12 triệu đồng/người/tháng; doanh thu hằng năm đạt 12-15 tỷ đồng.
Tương tự, tại Cụm công nghiệp Phú Thị (huyện Gia Lâm) hiện có hơn 30 doanh nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động với thu nhập bình quân 7-10 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu hằng năm tại cụm đã đạt hơn 500 tỷ đồng. Giám đốc Công ty TNHH Tân Trung Việt Mai Đức Chung cho biết, đơn vị chuyên sản xuất phụ tùng xe đạp điện, xe máy điện. Với sự nỗ lực của doanh nghiệp khi mở rộng sản xuất, tăng cường dây chuyền, cùng với đó là sự hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương nên doanh thu hằng năm của công ty đều tăng. Hiện doanh thu của đơn vị khoảng 60 tỷ đồng.
Thông tin thêm về điều này, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền cho hay, nếu như năm 2004, thu ngân sách huyện mới đạt 36,45 tỷ đồng, thì đến năm 2021 đã đạt 7.136,5 tỷ đồng, tăng 196 lần, góp phần đưa huyện Gia Lâm nằm trong nhóm địa phương có thu ngân sách cao của thành phố. Bình quân mỗi năm, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện đóng góp hơn 1.200 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước. Còn theo Bí thư Huyện ủy Hoài Đức Nguyễn Xuân Đại, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện đã và đang khẳng định vai trò của mình trong tăng trưởng, góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Thống kê của Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích theo quy hoạch là 1.686ha. Trong đó, có 1.392ha đã đầu tư xây dựng hạ tầng, hoạt động ổn định, thu hút gần 3.900 hộ, doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh với hơn 60.000 lao động, nộp ngân sách bình quân hằng năm khoảng 1.100 tỷ đồng. Đáng chú ý, tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp này rất cao, hầu hết đều đạt 100% diện tích.
Còn theo báo cáo của Ban Quản lý Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, 9 tháng năm 2022, Ban đã thu hút được 6 dự án mới với vốn đăng ký là 5,5 triệu USD và 450 tỷ đồng; 15 dự án đầu tư mở rộng với vốn đăng ký là 152,7 triệu USD và 403 tỷ đồng. Doanh thu 9 tháng đạt gần 7 tỷ USD, nộp ngân sách đạt 245 triệu USD.
Thời gian tới, để phát huy hiệu quả hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn, thành phố cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp. Nhấn mạnh về điều này, Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Lê Anh Quân cho biết, huyện sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp làng nghề Đình Xuyên, mở rộng Cụm công nghiệp Phú Thị và tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh tại các cụm công nghiệp khác…
Về vấn đề này, thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát lại toàn bộ các dự án đầu tư khu công nghiệp, thường xuyên kiểm tra, giám sát dự án và kiểm điểm tiến độ thi công. Các quận, huyện, thị xã tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào khu công nghiệp... Bên cạnh đó, các chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp phải cam kết bảo đảm tập trung nguồn lực để dự án hoàn thành đúng tiến độ; ưu tiên các nhà đầu tư, dự án sử dụng công nghệ mới, kỹ thuật cao, hài hòa giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường.
Trong giai đoạn 2021-2025, thành phố phấn đấu thành lập thêm từ 2 đến 5 khu công nghiệp mới; đẩy nhanh tiến độ triển khai các khu công nghiệp đã có chủ đầu tư như: Khu công nghiệp Quang Minh I, huyện Mê Linh; Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội, quận Bắc Từ Liêm; rà soát, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (giai đoạn 2). Việc thành lập và hoàn thiện các khu công nghiệp này nhằm thu hút đầu tư và phát triển sản xuất công nghiệp, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.