Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy hiệu quả 8 chương trình công tác toàn khóa

Quốc Bình| 13/10/2017 10:59

(HNMO) - Tại hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khoá XVI, Ban Thường vụ Thành ủy đã báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện 8 chương trình công tác của Thành ủy (khóa XVI), nhiệm kỳ 2015-2020.

Báo cáo nêu rõ, thông qua việc thực hiện 8 chương trình công tác, Thành ủy Hà Nội và các cấp ủy Đảng thành phố tiếp tục đổi mới phong cách lãnh đạo, chỉ đạo; việc thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu, khâu đột phá bài bản, khoa học, có nhiều sáng tạo. Từ kết quả thực hiện 8 chương trình công tác đã tác động, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, giúp thành phố đạt kết quả toàn diện trên các lĩnh vực.

Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo


Chương trình số 01-CTr/TU, ngày 26-4-2016 về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ; tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) tạo chuyển biến mạnh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng hệ thống chính trị các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh giai đoạn 2016-2020” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong 8 chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy (khóa XVI), là lĩnh vực có tính chất quyết định tới việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của thành phố. Xác định được tầm quan trọng của Chương trình, Thường trực, Ban Thường vụ và Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố đã chỉ đạo nghiên cứu, ban hành, triển khai với nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, theo kịp tình hình, xu thế, yêu cầu công tác lãnh đạo, chỉ đạo; có tính đột phá đã tác động, chi phối trong việc thực hiện toàn diện các chương trình công tác của Đảng bộ.

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội khẳng định, trong triển khai thực hiện chương trình, trách nhiệm và nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, địa phương, cơ quan, đơn vị được đề cao và thể hiện rõ; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên.

Thông qua việc thực hiện Chương trình 01-CTr/TU của Thành ủy, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy và tổ chức Đảng tiếp tục được đổi mới, bảo đảm tính toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, sâu sát cơ sở, gần gũi nhân dân, xử lý kịp thời những vấn đề phức tạp phát sinh. Hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở được củng cố, kiện toàn. Đa số tổ chức cơ sở Đảng đều phát huy được vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, lãnh đạo nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của thành phố, trong đó có nhiều việc lớn, việc khó. Hoạt động của HĐND các cấp có nhiều chuyển biến tiến bộ, nhất là việc nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của HĐND; tập trung vào những vấn đề đông đảo cử tri quan tâm, đề xuất. Sau giám sát, đã kết luận, đề xuất với Ban Thường vụ Thành ủy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; ban hành các nghị quyết để UBND triển khai thực hiện.

Hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của UBND và cơ quan hành chính các cấp được nâng lên. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2017 đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy tích cực vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Đội ngũ cán bộ, công chức được quan tâm, chú trọng xây dựng về cả số lượng và chất lượng, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, từng bước đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Cùng với đó, hiệu quả thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU, ngày 26-4-2016 về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, giai đoạn 2016-2020” đã hỗ trợ tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thiết thực thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII. Nhận thức về công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng lên. Ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, công chức đã có những bước chuyển biến tích cực, tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ được nâng cao. Tình hình tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trên địa bàn thành phố tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn; trên một vài lĩnh vực, tham nhũng, lãng phí đã được đẩy lùi.

Kinh tế xã hội phát triển, nông thôn mới đạt kết quả cao

Mặc dù gặp nhiều khó khăn song thành phố vẫn luôn ưu tiên, quan tâm chỉ đạo, tập trung nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới. Đội ngũ cán bộ từ thành phố đến cơ sở đã cố gắng, nỗ lực tập trung cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và đã đạt kết quả khá toàn diện trên các nội dung Chương trình số 02-CTr/TU ngày 26-4-2016 về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”.

Thành phố có 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì), huyện Hoài Đức đã được Hội đồng thẩm định Trung ương thẩm định và đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2017; toàn thành phố đã có trên 73% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.


Hà Nội đã dồn điền, đổi thửa được 78.748,3/76.281,6 ha (đạt 103,2%), vượt 2.466,7 ha so với kế hoạch. Sau dồn điền, đổi thửa, việc đưa cơ giới vào đồng ruộng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất được tăng cường. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp đã có tiến bộ rõ rệt; cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung quy mô lớn có giá trị kinh tế cao, hình thành một số chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trên cơ sở đó xây dựng thương hiệu sản phẩm có chất lượng như: Chuỗi rau an toàn ở hợp tác xã rau quả sạch Trúc Sơn, Chương Mỹ; chuỗi sản xuất và tiêu thụ gà đồi, chuỗi sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ, chuỗi sản xuất và tiêu thụ hoa nhài Sóc Sơn; chuỗi sản xuất và tiêu thụ lúa chất lượng cao huyện Ứng Hoà; chuỗi sản xuất và tiêu thụ chè an toàn Ba Vì...

Kết quả thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU ngày 29-6-2017 về “Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực hội nhấp quốc tế, phát triển kinh tế thủ đô nhanh và bền vững” đã góp phần giúp kinh tế Thủ đô giữ vững đà tăng trưởng. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp 9 tháng tăng 6,7% so với cùng kỳ; vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tăng 10,2%, tổng mức bán hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 9,6%, kim ngạch xuất khẩu tăng 8,7%; kim ngạch nhập khẩu tăng 22,6%. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, hoạt động du lịch tiếp tục duy trì được nhịp độ phát triển, khách quốc tế lưu trú tại Hà Nội đạt 2,65 triệu lượt khách, tăng 27,6% so cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt trên 146 tỷ đồng, tăng 16,2% so cùng kỳ và đạt 71,5% dự toán. Thị trường chứng khoán phục hồi, có sự tăng trưởng mạnh về khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch...

Đáng chú ý, môi trường đầu tư kinh doanh, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế được cải thiện và nâng cao. Thành phố đã bố trí kinh phí hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, hỗ trợ pháp lý, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, kinh phí quản lý vườn ươm doanh nghiệp, hỗ trợ đào tạo, liên kết..., tác động tích cực đến thu hút đầu tư. Đặc biệt, kết quả thực hiện Chương trình 08-CTr/TU ngày 26-4-2017 về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức” càng làm cho môi trường đầu tư thành phố thông thoáng hơn. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong các năm 2016-2017 tại Chương trình số 08-CTr/TU cơ bản đã hoàn thành. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội tăng 10 bậc, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố, cao nhất từ trước tới nay; chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT) luôn đứng trong tốp 3 cả nước. Hà Nội là địa phương đứng đầu toàn quốc về số lượng hồ sơ giao dịch qua mạng và cũng là địa phương duy nhất cung cấp dịch vụ công mức 3 trong lĩnh vực tư pháp đồng bộ tới 100% xã, phường... Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện đã giúp thành phố thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư. 9 tháng qua, thành phố đã tiếp nhận 125 dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách với số vốn đăng ký là 84.120 tỷ đồng; 398 dự án FDI với vốn đăng ký là 2,16 tỷ USD; 22 dự án PPP với tổng vốn đầu tư 60.000 tỷ đồng.

Cùng với kinh tế, sự nghiệp phát triển văn hóa - xã hội Thủ đô cũng đạt nhiều kết quả nổi bật với việc thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU ngày 26-4-2016 về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020”. Thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; duy trì và giữ vững phổ cập giáo dục. Học sinh Thủ đô tiếp tục giành nhiều thành tích ấn tượng trong các cuộc thi quốc gia, quốc tế.... Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được coi trọng, cụ thể hóa bằng cách tăng cường xây dựng các mô hình văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; ban hành, tuyên truyền vận động thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội, Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn; tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật đến người dân.

Thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU ngày 29-6-2017 về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại giai đoạn 2016-2020”, thành phố đã cải thiện điều kiện phát triển kinh tế-xã hội và điều kiện sống của người dân. Trong đó, thành phố đã tập trung giải quyết được 6/41 điểm ùn tắc giao thông. Đặc biệt, thành phố đã thực hiện tốt việc xã hội hóa đầu tư cấp nước sạch nông thôn; dự kiến đến hết năm 2017, có 155 xã (1,4 triệu người được sử dụng nước sạch, nâng tỷ lệ cấp nước sạch nông thôn lên 49,4%). Hệ thống công viên, vườn hoa, cây xanh, hồ nước, chiếu sáng đô thị thường xuyên được chỉnh trang, duy tu, bảo trì; cải tạo môi trường nước của 29 hồ. Thành phố cũng đã khởi công xây dựng mới 7 công viên hiện đại.

Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh

Chương trình 05-CTr/TU, ngày 26-4-2016 về “Tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới, giai đoạn 2016-2020” của Thành ủy được xây dựng và triển khai trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp. Tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn thành phố còn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Thành ủy, các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị đã khẩn trương tổ chức thực hiện Chương trình 05; triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp, tăng cường công tác phối hợp hoạt động, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, yêu cầu đề ra, bảo đảm an ninh - quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

Sau 1 năm triển khai thực hiện Chương trình số 05 của Thành ủy, công tác quốc phòng - an ninh thành phố đạt được một số kết quả:

Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong bảo đảm quốc phòng - an ninh được tăng cường một bước; việc xử lý, giải quyết những tình huống phức tạp về an ninh, trật tự trên địa bàn được thực hiện theo phương châm bốn tại chỗ: “chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”. Các cấp, các ngành đều chú trọng tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc thực hiện công tác quốc phòng - an ninh, phòng chống âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”... Năng lực, khả năng sẵn sàng ứng phó với các tình huống đột xuất, bất ngờ được nâng cao.

Tiềm lực quốc phòng của thành phố được tăng cường, việc chỉ đạo diễn tập khu vực phòng thủ tại các quận, huyện trên địa bàn đạt kết quả; chất lượng đào tạo, huấn luyện chiến đấu cho các lực lượng được nâng lên. An ninh quốc gia trên địa bàn Thủ đô tiếp tục được giữ vững, ổn định, không để xảy ra khủng bố, phá hoại, biểu tình, bạo loạn, không phát sinh “điểm nóng” về an ninh, trật tự... Công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự xã hội, phòng chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn được tăng cường... Những kết quả trên đã tạo ra môi trường an ninh an toàn, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của Thủ đô.

Tiếp tục thực hiện 8 chương trình trong thời gian tới, Ban Thường vụ Thành ủy xác định 6 nhiệm vụ chung, 8 nhiệm vụ cụ thể tương ứng với từng chương trình. Trong đó, thành phố khẳng định, rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu của mỗi chương trình đề ra đến năm 2020; đánh giá những việc làm tốt, những việc làm chưa tốt. Từ đó, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu chưa hoàn thành; duy trì giao ban định kỳ để kiểm điểm tiến độ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; cập nhật đầy đủ, kịp thời nội dung các chỉ thị, nghị quyết mới ban hành của Trung ương và Thành ủy để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Đồng thời, thành phố sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nội dung, kết quả thực hiện chương trình, biểu dương những tập thể, tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp vào kết quả chung; tuyên truyền về cách làm hay, những điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực để nhân rộng trên địa bàn...

Thông qua việc thực hiện 8 chương trình, thành phố quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 khâu đột phá của Đảng bộ thành phố, tạo động lực mới thúc đẩy hoàn thành toàn diện 5 nhiệm vụ chủ yếu mà Đại hội XVI Đảng bộ thành phố đã đề ra.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy hiệu quả 8 chương trình công tác toàn khóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.