Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy giá trị truyền thống, xây dựng quê hương giàu đẹp

Nguyễn Doãn Hoàn - Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ| 03/08/2022 06:30

(HNM) - Phúc Thọ nằm ở phía Tây của Thủ đô Hà Nội, là đất thiêng, gắn liền với cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đấu tranh giành độc lập dân tộc buổi đầu Công nguyên. Đây cũng là nơi sông Hồng, sông Đáy, sông Tích, hòa quện tạo nên vùng đất bề dày lịch sử, văn hóa. Trải qua nhiều lần thay đổi địa giới hành chính với nhiều tên gọi khác nhau và địa danh Phúc Thọ đến nay đã tròn 200 năm.

Diện mạo nông thôn mới khang trang, sạch đẹp tại xã Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ). Ảnh: Nguyễn Quang

Đất thiêng giàu truyền thống anh hùng

Thư tịch cổ ghi lại, vào thời Hùng Vương, vùng đất này thuộc địa phận bộ Phúc Lộc - một trong 15 bộ của nước Văn Lang, thời Bắc thuộc thì thuộc huyện Mê Linh, quận Giao Chỉ, bộ Giao Châu. Đến thời kỳ phong kiến độc lập, thời nhà Trần, Phúc Thọ thuộc lộ Quốc Oai, sang thời Lê (Quang Thuận, 1460-1469) có tên là Phúc Lộc và dưới thời Tây Sơn lại đổi thành Phú Lộc. Thời vua Gia Long (nhà Nguyễn), huyện có tên Phúc Lộc và vào năm Minh Mạng thứ ba (1822) đổi tên là Phúc Thọ. Tên gọi Phúc Thọ mang khát vọng về sự tốt đẹp, trường tồn có từ đó.

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Phúc Thọ có 9 tổng gồm Phù Sa, Cam Thịnh, Cựu Đình, Võng Xuyên, Vĩnh Phúc, Xuân Vân, Phú Châu, Phù Long, Phụng Thượng, sau đó có sự thay đổi lớn về địa giới hành chính, các tổng trong huyện đổi thành xã, dưới xã là các thôn, xóm và đến năm 1982 thì có 22 xã. Năm 1994, Chính phủ ban hành Nghị định 107-CP về việc thành lập thị trấn Phúc Thọ trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên, nhân khẩu của hai xã Phúc Hòa và Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ có 22 xã và 1 thị trấn. Năm 2020, thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc thành phố Hà Nội, các xã Sen Chiểu và Phương Độ hợp nhất thành xã Sen Phương; các xã Xuân Phú và Cẩm Đình hợp nhất thành xã Xuân Đình. Từ đó đến nay, huyện Phúc Thọ có 21 đơn vị hành chính cấp xã.

Trong tiến trình lịch sử của dân tộc, đất và người Phúc Thọ đã để lại những dấu ấn đặc biệt. Từ buổi đầu Công nguyên, Hai Bà Trưng đã lựa chọn đất này làm nơi phất cờ khởi nghĩa, đánh tan quân Đông Hán xâm lược. Nhiều người con ưu tú của quê hương Phúc Thọ tham gia dấy binh và trở thành các tướng lĩnh như Hoàng Đạo, Đỗ Năng Tế, Ả Tú, Ả Huyền, Ả Cát... Trong thời phong kiến, cận đại, truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của người dân nơi đây càng được phát huy mạnh mẽ. Vang danh hậu thế là danh tướng Quận Cồ, Đốc Ngữ hay nhà nho yêu nước Phùng Khắc Nhuận - người đã tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp.

Đặc biệt, ngay từ khi Đảng ta mới ra đời, phong trào cách mạng ở Phúc Thọ đã phát triển mạnh mẽ. Tháng 3-1930, tổ chức Hội Học sinh yêu nước Ngọc Tảo (tổ chức quần chúng đầu tiên được thành lập ở tỉnh Sơn Tây) được thành lập. Tháng 9-1940, Chi bộ Thuần Mỹ - chi bộ Cộng sản đầu tiên của huyện Phúc Thọ ra đời tại xã Trạch Mỹ Lộc. Có ánh sáng của Đảng dẫn đường, người dân Phúc Thọ đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, cùng nhân dân cả nước làm nên thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và góp phần vào những chiến công to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ tô thắm truyền thống quê hương anh hùng của một dân tộc anh hùng.

Qua các cuộc kháng chiến, huyện Phúc Thọ có 3.385 liệt sĩ, 1.005 thương binh, 413 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Huyện Phúc Thọ và 13 xã, thị trấn, 7 cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Để khát vọng trở thành hiện thực

Kế thừa, phát huy truyền thống của một vùng quê có bề dày lịch sử văn hóa, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phúc Thọ luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực, sáng tạo, đổi mới, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt 9%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; hệ thống kết cấu hạ tầng được tăng cường; quốc phòng an ninh được bảo đảm; xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; giáo dục, đào tạo có nhiều đổi mới; việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, cách mạng được quan tâm và chỉ đạo toàn diện; công cuộc xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả, năm 2020, huyện đã được Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, năm 2021, thu nhập bình quân đạt 62 triệu đồng/người...

Những đổi thay trên quê hương Phúc Thọ là minh chứng sống động của việc phát huy truyền thống quê hương và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Với khát vọng xây dựng Phúc Thọ giàu đẹp, văn minh, hiện đại, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI đã xác định 15 chỉ tiêu để phấn đấu trong nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt 9,0%; thu nhập bình quân đến năm 2025 đạt 85 triệu đồng/người/năm; phấn đấu có 7 xã đạt nông thôn mới nâng cao; tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ hàng năm đạt 80% trở lên…

Trong thời gian tới, bên cạnh những thuận lợi, thì vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Để tranh thủ, phát huy vận hội mới, trước mắt cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI; trong đó đặc biệt quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ. Thứ nhất, giữ ổn định phát triển kinh tế, đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị cạnh tranh của sản phẩm. Chỉ đạo quyết liệt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung. Thực hiện hiệu quả chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Tiếp tục thu hút, mời gọi các tập đoàn kinh tế lớn, các doanh nghiệp đầu tư vào huyện theo hướng sạch, an toàn, thân thiện môi trường nhằm phát triển nhanh, bền vững. Quan tâm phát triển ngành du lịch sinh thái, tâm linh gắn với làng nghề.

Thứ hai, nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt cuộc vận động “Ba sạch”; chăm lo đời sống của nông dân. Huy động tối đa mọi nguồn lực để xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện đầy đủ, hiệu quả chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công và công tác giảm nghèo bền vững. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các nhà trường. Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh, bảo tồn và bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, tăng cường các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Thực hiện tốt Đề án Phát huy giá trị tinh thần cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, trở thành nguồn lực nội sinh, động lực quan trọng để phát triển huyện.

Thứ tư, tập trung lãnh đạo giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định để phát triển.

Duy trì xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, sẵn sàng chiến đấu cao.

Thứ năm, làm tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Đặc biệt là quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các Nghị quyết của Trung ương, Thành ủy về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chú trọng việc phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong thực hiện các nhiệm vụ.

Với tinh thần đoàn kết, dân chủ, sáng tạo, đổi mới, với những giải pháp quyết liệt, toàn diện, Đảng bộ, chính quyền và người dân huyện Phúc Thọ nhất định sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, xây huyện nông thôn mới giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với lịch sử, truyền thống của quê hương đóng góp tích cực vào sự phát triển của Thủ đô trong chặng đường mới.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, huyện Phúc Thọ và 13 xã, thị trấn, 7 cá nhân đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; nhiều tập thể, cá nhân, cán bộ, chiến sĩ, gia đình đã được tặng thưởng Huân, Huy chương và các phần thưởng cao quý. Đặc biệt, có 2 nữ du kích là đồng chí Cao Thị Nấm và Khuất Thị Tình đã được Bác Hồ gửi thư khen…

Trong những năm gần đây, huyện Phúc Thọ tiếp tục nhận được nhiều bằng khen, danh hiệu thi đua của Trung ương và thành phố. Năm 2011 và 2014, huyện đã nhận được Huân chương Lao động hạng Nhất và hạng Nhì của Chủ tịch nước. Ngày 26-11-2021, huyện tiếp tục được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba do có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy giá trị truyền thống, xây dựng quê hương giàu đẹp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.