(HNM) - Sau khi được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản đại diện của nhân loại (ngày 16-11-2010), Hội Gióng tiếp tục được quan tâm đầu tư tuyên truyền, quảng bá; kiểm kê hiện vật, tư liệu hóa nghi lễ, trò diễn dân gian cũng như tăng cường nhiều biện pháp ngăn ngừa biến tướng trong lễ hội. Những hoạt động này đã và đang góp phần bảo tồn và phát huy bền vững giá trị của Hội Gióng trong đời sống đương đại.
Nỗ lực bảo tồn di sản
Là lễ hội truyền thống tôn vinh một trong tứ bất tử của người Việt, Hội Gióng gắn bó mật thiết với đời sống tâm linh của cư dân vùng châu thổ sông Hồng, trong đó có Thăng Long - Hà Nội. Nghi lễ thờ cúng Thánh Gióng được thực hành ở nhiều điểm di tích và tiêu biểu nhất phải kể đến đền Sóc (huyện Sóc Sơn) và đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm).
Với những giá trị nổi bật toàn cầu, như: Vai trò cố kết cộng đồng; được bảo tồn, lưu truyền khá toàn vẹn và liên tục, chứa đựng hàng loạt giá trị văn hóa tiêu biểu…, tháng 11-2010, Hội Gióng đền Sóc và đền Phù Đổng đã được UNESCO ghi danh là Di sản đại diện của nhân loại; đi kèm với đó là những cam kết về việc triển khai các biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Thực hiện những cam kết với UNESCO, hơn 10 năm qua, các ngành chức năng và các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị di sản, như: Chương trình hành động quốc gia bảo tồn và phát huy giá trị của di sản Hội Gióng giai đoạn 2011-2015; Đề án phát huy giá trị không gian Lễ hội Gióng tại Gia Lâm và Sóc Sơn… Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng, huyện đã thành lập Ban Quản lý đền Phù Đổng; đầu tư tu bổ nhiều hạng mục bị xuống cấp, tôn tạo hạ tầng kỹ thuật, trồng cây xanh… với tổng kinh phí gần 72 tỷ đồng. “Để ngăn chặn những biểu hiện biến tướng trong lễ hội, từ năm 2012, nghi thức diễn cảnh Thánh Gióng đánh trận đã được dời địa điểm đến một khu đất trống, ngăn cách giữa người thực hành nghi thức với người xem hội bằng hào nước bao quanh”, ông Nguyễn Đức Hồng thông tin.
Cũng nhằm bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống của lễ hội, từ năm 2018, Hội Gióng ở đền Sóc đã thay đổi hình thức “cướp lộc” bằng nghi thức “phát lộc” kết hợp với đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá giá trị lễ hội. Giám đốc Trung tâm Quản lý khu du lịch - di tích đền Sóc Nguyễn Nam Nho cho biết, việc điều chỉnh cách thức tổ chức không làm ảnh hưởng đến bản sắc văn hóa của lễ hội. Hội Gióng ở đền Sóc vẫn thu hút đông đảo khách thập phương, nhưng không còn xuất hiện hình ảnh phản cảm trong lễ hội.
Gắn với phát triển du lịch bền vững
Cùng với công tác bảo tồn, các địa phương cũng chú trọng phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch bền vững. Nếu như đền Sóc được huyện Sóc Sơn đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch, tăng cường kết nối với các địa danh du lịch cận kề, đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận là điểm du lịch tại Quyết định số 573/QĐ-UBND ngày 29-1-2021, thì huyện Gia Lâm cũng rất chú trọng khai thác tiềm năng bằng việc hoàn thiện hệ thống nhận diện di sản thông qua mã QR code; lắp đặt biển chỉ dẫn di sản, du lịch; tổ chức diễn xướng trích đoạn lễ hội hay triển khai ẩm thực dân gian... Ông Nguyễn Ngọc Trung (ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh) cho biết, ông rất hào hứng với các chương trình du lịch gắn với di sản tại huyện Gia Lâm. Cách làm này không chỉ tăng sức hấp dẫn cho điểm đến, mà còn tôn vinh, quảng bá di sản hiệu quả.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam Nguyễn Văn Huy, sức hấp dẫn của các tour du lịch di sản chính là các chương trình cộng đồng tự giới thiệu về di sản của mình hoặc khách du lịch tương tác với di sản của cộng đồng. Điều này cần được phát huy tại các cộng đồng nắm giữ di sản để du lịch gắn với Hội Gióng có thể thu hút du khách quanh năm thay vì chỉ trong dịp diễn ra lễ hội. Cùng với đó, công tác tuyên truyền quảng bá giá trị Hội Gióng; sưu tầm, nghiên cứu, kiểm kê khoa học; xuất bản các kết quả nghiên cứu, sưu tầm dưới nhiều hình thức (sách, tờ gấp, đĩa DVD...) cũng cần được đẩy mạnh.
Về vấn đề này, Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh cho biết, thời gian qua, thành phố Hà Nội tập trung triển khai Đề án “Phát huy giá trị không gian Lễ hội Gióng tại Gia Lâm và Sóc Sơn”, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch bền vững; bảo tồn di sản hát múa Ải Lao - một trong những nghi lễ đặc trưng của Hội Gióng thông qua Đề án “Nghiên cứu, bảo vệ tập quán xã hội hát và múa Ải Lao”. Hội Gióng ở huyện Gia Lâm, Sóc Sơn và nhiều địa phương khác sẽ tiếp tục được hỗ trợ, tạo điều kiện triển khai các chương trình, hoạt động nhằm nâng cao nhận thức bảo tồn, phát huy giá trị Hội Gióng trong cộng đồng; phát triển du lịch, quảng bá di sản tới bạn bè trong, ngoài nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.