Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khai mạc hội Gióng - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Nguyễn Thanh| 25/05/2023 21:18

(HNMO) - Tối 25-5, tại di tích quốc gia đặc biệt đền Phủ Đổng, UBND huyện Gia Lâm long trọng tổ chức lễ khai mạc hội Gióng năm 2023; đón nhận quyết định công nhận xã Phù Đổng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Trình diễn nghệ thuật dân gian tại hội Gióng.

Huyện Gia Lâm nằm phía Đông Bắc Thủ đô Hà Nội, từ lâu đã được biết đến là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, nơi giao thoa của hai dòng văn hóa Thăng Long và Kinh Bắc, quê hương của Đức thánh Gióng - Phù Đổng Thiên Vương - một trong “Tứ bất tử” trong tín ngưỡng  dân gian, biểu tượng của tinh thần yêu nước và ý chí quyết tâm đánh đuổi giặc ngoại bang, giữ gìn non sông bờ cõi của người Việt.

Tương truyền, xã Phù Đổng xưa là chiếc nôi sinh dưỡng cậu bé làng Gióng, người có công đánh đuổi giặc Ân xâm lược ra khỏi đất nước. Để ghi nhớ công ơn, triều đình đã phong cậu là “Phù Đổng Thiên Vương”, cho lập đền thờ tại quê nhà, chính là đền Phù Đổng ngày nay, vẫn lưu giữ nguyên vẹn quy mô kiến trúc, cùng các mảng chạm khắc nghệ thuật mang đậm phong cách của vùng châu thổ Bắc Bộ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng phát biểu tại lễ khai mạc hội Gióng.

Phát biểu tại sự kiện, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng khẳng định: Từ ngàn đời nay, hội Gióng đền Phù Đổng đã được cộng đồng lưu giữ, bảo vệ như một phần máu thịt. Hội Gióng còn là một “hội trận” tiêu biểu, thu hút sự tham gia của đông đảo dân cư, với hệ thống nghi thức mang tính biểu tượng, đậm bản sắc văn hóa Việt, chứa đựng những sáng tạo, thể hiện khát vọng về một cuộc sống thịnh vượng cho mỗi gia đình, về một nền hòa bình cho quốc gia và thế giới.

"Cùng với hội Gióng đền Sóc ở huyện Sóc Sơn, hội Gióng đền Phù Đổng ở huyện Gia Lâm đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc - UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Gia Lâm, đồng thời là sự nhắc nhở sâu sắc về ý thức trách nhiệm lớn lao trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn”, ông Nguyễn Đức Hồng nhấn mạnh.

Hội Gióng đền Phù Đổng diễn ra trong 3 ngày, từ 25 đến 27-5 (tức từ mùng 7 đến mùng 9 tháng Tư âm lịch), tại đền Phù Đổng và nhiều địa điểm liên quan.

Các hoạt động được tổ chức trong dịp lễ hội, gồm: Lễ tế Thánh, dâng hương, rước khám đường, rước cỗ và hội trận truyền thống... Bên cạnh phần lễ là phần hội với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống, góp phần quảng bá, giới thiệu du lịch Gia Lâm, du lịch Hà Nội, như: Thi đấu vật dân tộc, cờ tướng, hát tuồng, hát quan họ, văn nghệ quần chúng...

Xã Phù Đổng nhận quyết định công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Nhân dịp này, UBND huyện Gia Lâm tổ chức đón nhận quyết định công nhận xã Phù Đổng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai mạc hội Gióng - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.