Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Thanh Thủy| 17/03/2019 07:40

(HNM) - Sau đợt công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mới đây của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, thành phố Hà Nội đã có thêm 2 di sản được đưa vào danh mục, nâng tổng số Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Thủ đô lên thành 18 địa chỉ.

Đa dạng, phong phú về loại hình, sinh động, giàu bản sắc về nội dung, mỗi Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở Hà Nội đã và đang được áp dụng các giải pháp, sáng kiến khác nhau để gìn giữ, phát huy giá trị một cách hiệu quả.

Trình diễn múa lột rắn là nghi thức quan trọng trong lễ hội làng Trường Lâm (Việt Hưng, Long Biên). Ảnh: Thanh Nhàn


Khơi dậy ý thức, niềm tự hào di sản


Những ngày này, người dân làng Ngọc Trì (Thạch Bàn, Long Biên) đang nô nức chuẩn bị cho lễ hội đền Trấn Vũ được tổ chức vào ngày 6-4 (tức mùng 2 tháng Ba âm lịch). Cũng như mọi năm, hội làng năm nay không thể thiếu màn trình diễn nghi lễ và trò chơi kéo co ngồi, nhưng ý nghĩa hơn rất nhiều vì đây còn là dịp làng đón bằng UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho trò chơi dân gian của đền Trấn Vũ. Cùng với đó, sau lễ hội một tuần, đội kéo co ngồi truyền thống của làng sẽ lên đường sang Hàn Quốc giao lưu, quảng bá di sản, theo lời mời chính thức từ phía bạn.

Ông Ngô Quang Khải, Trưởng ban Quản lý di tích đền Trấn Vũ cho biết: "Sẽ có 30 thành viên tham gia đợt giao lưu lần này. Các thành viên được chọn đều thấy rất vinh dự, tự hào vì được góp một phần vào việc tôn vinh, quảng bá giá trị di sản tới bạn bè quốc tế. Quan điểm của đội là nỗ lực hết mình để tái hiện chính xác, bài bản nghi lễ và trò chơi kéo co ngồi của quê nhà, đồng thời cố gắng giao lưu, học hỏi từ phía bạn cách thức gìn giữ, phát huy di sản để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ này trong thời gian tới".

Giống với làng Ngọc Trì ở Triều Khúc (Tân Triều, Thanh Trì) hay Trường Lâm (Việt Hưng, Long Biên), nhiệt huyết tham gia gìn giữ và phát huy giá trị di sản phi vật thể đang được hun đúc trong nhiều thế hệ người làng. Ông Âu Xuân Kiên, Trưởng ban Quản lý di tích đình, chùa Trường Lâm chia sẻ: "Trình diễn múa lột rắn là nghi thức quan trọng trong lễ hội làng Trường Lâm, không có nghi thức này, lễ hội không trọn vẹn. Tuy nhiên, cũng có thời điểm, người dân địa phương không mấy mặn mà bởi chưa ý thức được hết giá trị. Đến khi các cơ quan, ban, ngành và chính quyền địa phương quan tâm thúc đẩy tuyên truyền, vận động, giáo dục ý nghĩa lễ hội, người dân mới thấy cái hay, cái đẹp, những tri thức sâu sắc và phong phú từ lễ hội để từ đó có ý thức trong việc chung tay gìn giữ di sản...".

Tương tự, lễ hội làng Triều Khúc với điệu múa “Con đĩ đánh Bồng” cũng có thời gian nguy cơ thất truyền do vấp phải những e ngại trong việc nam cải trang nữ để hóa thân vào điệu múa. Nhờ sự kiên trì vận động của địa phương, nhất là khơi dậy ý thức, tự hào về di sản trong lớp trẻ mà đến giờ đội múa Bồng làng Triều Khúc đã có lực lượng thành viên đông đảo, luôn hăng say luyện tập. Nguyễn Văn Chí Hiếu (thành viên đội múa Bồng) cho biết: "Em đã có 5 năm tham gia đội múa Bồng của làng và luôn cảm thấy tự hào, hãnh diện vì được là một trong những người tiếp nối truyền thống tốt đẹp của cha ông”.

Phát huy bền vững giá trị di sản

Với đợt công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mới nhất (tháng 1-2019), Hà Nội đang dẫn đầu cả nước ở danh mục này với 18 di sản, trong đó 2 di sản mới được ghi danh gồm: Lễ hội làng Triều Khúc (huyện Thanh Trì) và nghề Cốm Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm). Do di sản nằm rải rác ở nhiều địa phương lại thuộc nhiều loại hình khác nhau nên ngành Văn hóa Thủ đô đã phối hợp với các địa phương thực hiện nhiều giải pháp khác nhau cho phù hợp với từng di sản. Với di sản hát, múa Ải Lao (Phúc Lợi, Long Biên), Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã làm việc với các chuyên gia, chính quyền và nhân dân địa phương, đồng thời khảo cứu nhiều nguồn tư liệu khoa học để tập hợp, hoàn thiện các bài múa, hát rồi tổ chức truyền dạy, tránh nguy cơ thất truyền. Với di sản Ca trù, liên tục trong nhiều năm qua, ngành Văn hóa Hà Nội đã hỗ trợ tư liệu hóa thể cách, bài bản Ca trù; tổ chức liên hoan, giao lưu Ca trù; hỗ trợ các câu lạc bộ, giáo phường địa điểm biểu diễn…

Cuối năm 2018, với sự hỗ trợ của UNESCO, Hà Nội cũng cho ra mắt cuốn sách “Di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội trong đời sống đương đại” như một tấm bản đồ mô tả kỹ lưỡng từ cách nhận diện, câu chuyện nghệ nhân đến sức sống của di sản trong đời sống hiện nay. Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa Lê Thị Minh Lý, nhiều địa phương đã thực hiện kiểm kê di sản phi vật thể, nhưng thực hiện với một tinh thần tích cực và bài bản thì mới chỉ có Hà Nội làm được, trong đó việc “bản đồ hóa” di sản là sáng kiến của riêng Hà Nội.

Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Phạm Thị Lan Anh cho biết: "Đến thời điểm này, tất cả các Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở Hà Nội đều được bảo tồn hiệu quả. Trong đó, không ít di sản đã trở thành điểm đến du lịch, góp phần phát huy giá trị. Mặc dù vậy, Di sản văn hóa phi vật thể là những di sản “sống” trong đời sống cộng đồng, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến đổi nên vẫn cần có sự nỗ lực hơn nữa từ chính quyền địa phương, sự giám sát, kiểm tra, thường xuyên của ngành Văn hóa để bảo tồn, phát huy bền vững giá trị".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.