Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy giá trị di sản tư liệu: Lan tỏa trong cộng đồng là cách hiệu quả nhất

Hạ Yến| 22/03/2023 19:24

(HNMCT) - Những câu chuyện, những kỷ vật nếu không được kể ra thì sẽ không được biết đến. Tư liệu quý giá cần được chia sẻ trong cộng đồng và đó là cách hiệu quả nhất để phát huy giá trị di sản.

Ông Phạm Định Phong - Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch):
Bảo vệ di sản tư liệu bằng công cụ pháp lý

Ngày 16-1-2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 01/2023/NĐ-CP về Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong đó có nhiệm vụ quản lý nhà nước về di sản tư liệu. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng Luật di sản văn hóa sửa đổi, dự kiến trình Quốc hội xem xét và thông qua vào năm 2024, trong đó có nội dung về di sản tài liệu. Đây là công cụ pháp lý cao nhất để bảo vệ các tài liệu lưu trữ nói chung, di sản tư liệu nói riêng.

Tài liệu đang được lưu trữ là tài sản của quốc gia, chúng ta không hạn chế khi chia sẻ chúng. Có hai hình thức phát huy giá trị khối tài liệu trong dân. Cục Di sản Văn hóa, cùng với Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, là hai cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp liên quan tới tài liệu lưu trữ, di sản tư liệu, chúng tôi sẽ định hướng chỉ đạo các cơ quan ngành dọc trên cả nước có hoạt động phối hợp để khai thác, sử dụng hiệu quả nhất đối với di sản tài liệu đang lưu trữ trong các bảo tàng, di tích, các cơ quan lưu trữ thông qua các hoạt động như tổ chức trưng bày chuyên đề, giới thiệu danh mục tài liệu lưu trữ..., qua đó thu hút sự tham gia của cộng đồng và tổ chức, cá nhân - cả trên phương diện bổ sung hiện vật bảo tàng, lưu trữ. Hình thức khác là định hướng phát triển các bảo tàng ngoài công lập như bảo tàng gia đình, nhà lưu niệm danh nhân, phối hợp với các đơn vị có kinh nghiệm như Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh... để tổ chức các hoạt động, sự kiện liên quan tới tài liệu lưu trữ để nhân dân đến tham quan, tìm hiểu, khám phá. Đây là hoạt động quan trọng trên tinh thần xã hội hóa hoạt động bảo vệ di sản.

Thời gian tới, Luật Di sản văn hóa sẽ được sửa đổi toàn diện, trong đó, điểm nhấn là vấn đề di sản tư liệu sẽ được đưa vào luật. Trước khi Luật sửa đổi được ban hành, Cục Di sản văn hóa và Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước sẽ chỉ đạo các cơ quan ngành dọc trên cả nước phối hợp khai thác và sử dụng hiệu quả nhất khối tài liệu di sản tư liệu trong các bảo tàng, di tích, trung tâm lưu trữ...

Bà Trần Thị Mai Hương - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I :
Sẵn sàng đón nhận tư liệu từ người dân

Phát huy giá trị di sản luôn là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I từ nhiều năm nay. Khối tài liệu của trung tâm là từ năm 1945 trở về trước, gồm Hán nôm và tiếng Pháp, nhưng chúng tôi thường nói với nhau, tuy ít nhưng mà chất - độc - lạ. Do rào cản về ngôn ngữ nên việc tiếp cận của công chúng đối với những tài liệu của Trung tâm I có nhiều khó khăn, tuy nhiên, bằng nhiều hình thức phát huy khác nhau như viết bài, xuất bản sách, trưng bày triển lãm hay tổ chức tọa đàm, hội thảo, Trung tâm đã nhận được phản hồi tích cực từ công chúng.

Gần đây nhất là cuộc triển lãm “Cầu Long Biên - chứng nhân lịch sử”. Đây là lần đầu tiên Trung tâm I kêu gọi đóng góp từ cộng đồng, từ các tổ chức, cá nhân chia sẻ tư liệu, hình ảnh về cầu Long Biên để kể câu chuyện về cây cầu từ khi được xây dựng ở Hà Nội cho đến hôm nay. Chúng tôi đã dành không gian trong triển lãm để chia sẻ ký ức này và đạt được kết quả ngoài mong đợi. Rất nhiều ảnh, ký ức của từng cá nhân được chia sẻ; nhiều nhà báo, nhiếp ảnh gia, họa sĩ đóng góp những công trình riêng trong không gian triển lãm và đó là một phần đặc biệt quan trọng góp phần làm nên thành công của cuộc triển lãm.

Trung tâm luôn lắng nghe và sẵn sàng đón nhận tư liệu, hình ảnh, câu chuyện mà các cá nhân, gia đình chia sẻ để tăng thêm tính hấp dẫn cho các cuộc triển lãm của chúng tôi trong tương lai. Tôi rất vui, rất tự hào khi công tác phát huy giá trị di sản tư liệu của chúng tôi với nhiều hình thức khác nhau đã được công chúng đón nhận, lan tỏa được giá trị của tài liệu lưu trữ vào đời sống xã hội, qua đó góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản của cha ông để lại.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam:
Còn nhiều tư liệu di sản nằm rải rác trong cộng đồng

Tài liệu trong kho lưu trữ của các cơ quan nhà nước chỉ chiếm một phần, còn cơ bản là nằm rải rác trong cộng đồng. Do đó, việc vận động cộng đồng chia sẻ tư liệu, ký ức, câu chuyện là vô cùng quan trọng. Nhiều khi cộng đồng không nhận thức được giá trị của ký ức, tư liệu mà họ nắm giữ nên sẵn sàng bán, vứt bỏ những tấm ảnh, bức tranh, lá thư... Việc chia sẻ ký ức là vô cùng quan trọng, giúp nâng cao hiểu biết của người dân về lịch sử, về văn hóa, và khi các trung tâm lưu trữ thường xuyên tổ chức những cuộc trưng bày thì đó chính là những cuộc tổng kiểm kê di sản.

Làm thế nào để thu hút sự tham gia chia sẻ của người dân? Đầu những năm 2000, Bảo tàng Dân tộc học đã tổ chức khá thành công một số cuộc trưng bày với phương thức chia sẻ như “100 năm đám cưới Việt Nam”, “Cuộc sống Hà Nội thời bao cấp”... Mười lăm năm qua, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam được thành lập và đến nay đã thu hút gần 4.000 nhà khoa học Việt Nam tham gia. Kinh nghiệm của chúng tôi đối với công tác lưu trữ bảo tàng là, trước hết, bất cứ vấn đề gì khi đưa ra cũng phải đáp ứng được nhu cầu quan tâm của cộng đồng; cần biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến, những câu chuyện của cá nhân; trong quá trình chia sẻ với cộng đồng, luôn phải giữ được chữ tín, giữ được niềm tin. Làm được 3 điều này thì khối tư liệu nằm rải rác trong cộng đồng sẽ xuất lộ ngày một nhiều hơn, được chia sẻ nhiều hơn.

Thầy giáo Lại Quý Dương, người trao tặng bộ sưu tập 800 tấm bản đồ cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia I:
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Đối với tôi, quyết định trao tặng bộ sưu tập di sản tài liệu bản đồ cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia I là hết sức đúng đắn, bởi ở đó thì tư liệu mới phát huy tối đa giá trị của nó. Tuy nhiên, hiện nay, mọi người mới quan tâm nhiều đến di sản tư liệu được sưu tầm, trong khi một khối lượng di sản tư liệu cực kỳ quý giá nữa đang nằm rải rác trong các hộ gia đình mà chính người dân lại không biết, không hiểu tầm quan trọng của những tư liệu mà mình đang có. Trong quá trình sưu tầm bản đồ, tôi biết chuyện về một bác lưu giữ được nhiều tư liệu rất quý, nhưng khi tôi tìm đến nơi thì bác đã mất và gia đình nghĩ “đó là những tài liệu ông rất yêu quý nên khi ông mất đi thì hóa cho ông mang theo”. Bởi vậy, nên chăng, cần khuyến khích, hỗ trợ người dân kê khai di sản tư liệu, đăng ký bảo hộ, như xưa kia Viện Viễn Đông Bác cổ từng thực hiện?

Liên quan đến phát huy giá trị di sản, tôi cho rằng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và tạo điều kiện để người dân có thể tìm tư liệu trực tuyến, bởi hiện nay người dân chưa có nhiều điều kiện tiếp cận tư liệu, đặc biệt là ở các vùng xa, các địa bàn còn khó khăn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát huy giá trị di sản tư liệu: Lan tỏa trong cộng đồng là cách hiệu quả nhất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.