(HNM) - Với tình yêu di sản, khát khao gìn giữ, trao truyền, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống đương đại, những người yêu di sản, trong đó có rất nhiều thanh niên đang hằng ngày nỗ lực khôi phục, bảo tồn tinh hoa văn hóa Việt.
Trải nghiệm vẽ tranh dân gian Kim Hoàng (Vân Canh, Hoài Đức). |
Làm sống dậy các giá trị xưa cũ
Sau nửa thế kỷ vắng bóng, dòng tranh dân gian Kim Hoàng (Vân Canh, Hoài Đức) đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ qua một loạt triển lãm, tọa đàm… được tổ chức nhằm giới thiệu thành quả của nhóm thực hiện Dự án khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng. Ngoài 33 mẫu tranh khắc gỗ, 19 mẫu tranh vẽ tay truyền thống, dự án giới thiệu một số mẫu tranh mới, như tranh nghê (dựa trên nguyên mẫu nghê tại đền Vua Đinh - Vua Lê, Ninh Bình) và các mẫu tranh “Em bé bắn cung”, “Em bé cưỡi phượng”, “Đấu vật”…
Bà Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội, Trưởng nhóm Dự án khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng cho hay: "Chúng tôi sáng tạo mẫu mới cho tranh dân gian nhằm tiếp nối truyền thống, phát huy giá trị di sản bởi quan niệm rằng sức sống của tranh dân gian nằm ở sự tiếp biến, sáng tạo không ngừng chứ không chỉ đóng khung trong những gì đã được cha ông sáng tạo".
Với tư duy ấy, thời gian qua, nhóm thực hiện Dự án khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng không ngừng đưa ra sáng kiến nhằm giúp dòng tranh này gần gũi hơn với đời sống đương đại. Họ đưa tranh Kim Hoàng lên quạt giấy Chàng Sơn, lên sản phẩm gốm sứ Bát Tràng…
Đặc biệt, trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, nhóm đã sáng tạo các mẫu phong bao lì xì, lịch năm mới với họa tiết trang trí phỏng theo dòng tranh truyền thống. Ngoài ra, nhóm còn hợp tác với nghệ nhân làng gốm Biên Hòa (Đồng Nai) cho ra đời mẫu lợn gốm ngộ nghĩnh, phối hợp với nghệ nhân nghề đậu bạc ở làng Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) để làm đồ trang sức theo hình tượng lợn trong tranh dân gian...
Bà Nguyễn Thị Thu Hòa khẳng định: "Việc tạo ra sản phẩm ứng dụng họa tiết, sắc màu tranh dân gian Kim Hoàng không vì mục tiêu kinh doanh, mà nhằm đánh thức khả năng sáng tạo, ứng dụng nét đẹp văn hóa dân gian trong nhiều ngành nghề, đáp ứng nhu cầu của người Việt, qua đó lan tỏa tình yêu di sản trong cộng đồng. Nhóm thực hiện dự án đã và sẽ cung cấp miễn phí những mẫu tranh dân gian cho các nhóm sáng tạo, ứng dụng khác để phát huy giá trị văn hóa truyền thống...".
Lan tỏa tình yêu di sản
Cũng với khát khao gìn giữ, trao truyền, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống đương đại, hôm nay 20-1, Công ty TNHH Hoa văn Đại Việt, tiền thân là nhóm Dự án gây quỹ cộng đồng Hoa văn Đại Việt, sẽ chính thức ra mắt người yêu di sản chương trình nghiên cứu mà nhóm đang theo đuổi: Dự án Việt Nam cổ phục. Trước đó, nhóm đã cho ra đời thư viện “Hoa văn online”, nơi chia sẻ miễn phí những mẫu hoa văn đặc sắc trong kho tàng mỹ thuật truyền thống.
Dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, rất nhiều mẫu sản phẩm ứng dụng hoa văn truyền thống như lịch bàn, móc chìa khóa, sổ tay, huy hiệu, vỏ bảo vệ điện thoại… đã được nhóm giới thiệu tới công chúng, coi đó như một cách quảng bá di sản.
Chủ nhiệm Dự án gây quỹ cộng đồng Hoa văn Đại Việt Cù Minh Khôi cho biết: "Chúng tôi mong muốn dự án không chỉ dừng lại ở việc số hóa hoa văn cổ Việt Nam, mà còn là nơi chia sẻ hoa văn, họa tiết truyền thống, những ý tưởng sáng tạo, ứng dụng hoa văn trong đời sống hiện đại, góp phần khẳng định bản sắc văn hóa truyền thống. Những sản phẩm ứng dụng của nhóm luôn được cộng đồng nồng nhiệt đón nhận, cho thấy việc sử dụng những sản phẩm như thế có ý nghĩa đặc biệt, nhất là trong dịp Tết cổ truyền khi người người, nhà nhà thể hiện mong muốn hướng về cội nguồn".
Cũng như Dự án gây quỹ cộng đồng Hoa văn Đại Việt, nhóm thực hiện Dự án Ỷ Vân Hiên, Họa sắc Việt và rất nhiều nhóm khác trên cả nước đã và đang nỗ lực tìm tòi phương thức bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống đương đại, khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam trên con đường hội nhập quốc tế. Rất nhiều sản phẩm truyền thống như hài, quạt, guốc, gối xếp, áo dài nam... một thời rơi vào quên lãng nay đã trở lại, được cộng đồng đón nhận, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán này.
Chủ nhiệm Dự án Ỷ Vân Hiên Nguyễn Đức Lộc chia sẻ: "Để có được một sản phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa cổ truyền để giới thiệu tới công chúng, trong mỗi thiết kế, từng đường nét, hoa văn đều phải được thực hiện tỉ mỉ dựa trên cơ sở nghiên cứu lịch sử và tham vấn chuyên gia. Hiểu đúng về tinh hoa truyền thống thì mới có thể cách tân, kết hợp yếu tố mới mà không sợ phá vỡ bản sắc. Rất may là những người yêu di sản luôn có được sự khích lệ, hỗ trợ hết lòng của giới nghiên cứu văn hóa, lịch sử, sự đồng hành của các nghệ nhân làng nghề truyền thống".
Nhà nghiên cứu Hán Nôm Trần Quang Đức khẳng định: “Việc tìm về với những giá trị truyền thống là nhu cầu chính đáng của mọi người, luôn cần được cổ vũ, bởi đó là cách hiệu quả để mỗi người, đặc biệt là giới trẻ, tìm hiểu về cội nguồn, gốc gác, sự phát triển của văn hóa dân tộc mình. Khi đã hiểu, họ sẽ thêm yêu và trân trọng những giá trị cốt lõi, để rồi những giá trị ấy sẽ trở thành động lực giúp họ dấn thân, khám phá nhiều hơn”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.