Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy dân chủ, trí tuệ, đổi mới; xây dựng Thủ đô văn minh - hiện đại

Lê Minh| 26/06/2014 06:29

(HNM) - Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam TP Hà Nội lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2014-2019 được tổ chức trong thời điểm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đang nỗ lực phấn đấu thi đua hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ thành phố đã đề ra; tích cực tổ chức các hoạt động chào mừng các


Với tinh thần: "Phát huy dân chủ, trí tuệ, đổi mới; xây dựng Thủ đô văn minh - hiện đại", Đại hội XVI có nhiệm vụ đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội MTTQ Việt Nam TP Hà Nội lần thứ XV (nhiệm kỳ 2009-2014); định ra phương hướng, nhiệm vụ và chương trình hành động nhiệm kỳ 2014-2019 nhằm phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại.

Các đại biểu trao đổi bên ngoài hội trường ngày làm việc thứ nhất. Ảnh: Bá Hoạt



Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Tiến hành nhiệm vụ tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong tình hình mới; sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội (khóa XII) về mở rộng địa giới hành chính, tình hình chính trị, xã hội Thủ đô ổn định; an ninh - quốc phòng được giữ vững; kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng; đời sống nhân dân từng bước được cải thiện; hội nhập quốc tế được tăng cường và mở rộng, vị thế Thủ đô tiếp tục được nâng cao; tinh thần yêu nước, ý thức tự hào dân tộc, truyền thống đoàn kết trong nhân dân được phát huy. MTTQ các cấp đã thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện và mang tính nhân dân sâu sắc, là hình ảnh tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân.

Không chỉ làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, MTTQ còn thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa kiều bào ta ở nước ngoài với quê hương, đất nước; cùng nhân dân thành phố đóng góp tích cực vì sự phát triển của Thủ đô, giữ gìn hình ảnh Thủ đô Anh hùng, Thành phố vì hòa bình. Tiếp tục củng cố, mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước láng giềng, các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài. Các hoạt động đối ngoại nhân dân đều hướng tới tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè các nước đối với công cuộc đổi mới, tăng thêm sự hiểu biết lẫn nhau, giới thiệu tiềm năng to lớn và những chính sách của Thủ đô trong hợp tác quốc tế và thu hút đầu tư, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, gìn giữ môi trường hòa bình ổn định để phát triển, đồng thời kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của quốc gia.

Công tác dân tộc, tôn giáo được MTTQ và chính quyền các cấp phối hợp quan tâm thực hiện, phát huy vai trò các chức sắc, chức việc, người tiêu biểu trong các tôn giáo để tuyên truyền, vận động đồng bào có đạo tuân thủ pháp luật, thực hiện tốt quyền và trách nhiệm công dân. Thường xuyên quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tổ chức tôn giáo tu sửa, xây mới các cơ sở thờ tự; mở rộng các phong trào thi đua yêu nước, các CVĐ gắn với "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong đồng bào có đạo. Qua đó, tạo bầu không khí phấn khởi, dân chủ, tin tưởng, đoàn kết, không để các thế lực thù địch lợi dụng kích động, lôi kéo, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hằng năm, MTTQ các cấp xác định tiêu chí thi đua của CVĐ "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở KDC'', đẩy mạnh phong trào thi đua, xây dựng khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa. CVĐ đã đi vào nền nếp, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng thực hiện, hình thành phong trào thi đua sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Hà Nội cũng là đơn vị duy nhất cả nước tổ chức Hội nghị đại biểu nhân dân (từ năm 2000 đến nay) bàn những việc liên quan đến nhân dân, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở theo chủ đề của từng năm. Kết quả, việc đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, KDC văn hóa tăng từng năm. 5 năm qua đã có hơn 6,3 triệu lượt gia đình được công nhận là Gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 87,2%; có 10.890 lượt thôn, làng, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa.

CVĐ "Ngày vì người nghèo" tiếp tục huy động được nhiều tấm lòng nhân ái của cả cộng đồng. Trong 5 năm, quỹ "Vì người nghèo" ba cấp đã vận động được 177 tỷ 262 triệu đồng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn thành phố từ 7,52% (năm 2011) xuống còn 2,6% (vào cuối năm 2013). Hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc các gia đình chính sách, người có công… được MTTQ các cấp phối hợp với các sở, ngành, các địa phương thực hiện chu đáo, nghĩa tình, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Trong năm 2014-2015, Ủy ban MTTQ thành phố phối hợp với ngành LĐ,TB&XH thực hiện tổng rà soát việc thực hiện chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng trên địa bàn thành phố.

Là địa phương đi đầu trong CVĐ: "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam'', trải qua 5 năm thực hiện, với nhiều hình thức tuyên truyền, vận động phong phú: Qua các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng phụ san, phụ trương, biên soạn tài liệu, biên soạn sổ tay người tiêu dùng; tổ chức các hội thảo, tọa đàm, tập huấn, bình chọn trực tuyến… đã khơi dậy được ý thức tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc.

Góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền

Phát huy vai trò của MTTQ trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, nhiệm kỳ qua, MTTQ các cấp, các tổ chức thành viên ở Hà Nội đã đẩy mạnh phát huy dân chủ, động viên nhân dân tích cực tham gia góp ý xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, các quy định của địa phương; quan tâm củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của các Ban Thanh tra nhân dân (TTND), Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ). 5 năm qua, các Ban TTND đã tham gia giám sát được 31.822 cuộc, phát hiện 16.369 vụ việc vi phạm; Ban GSĐTCCĐ giám sát được 21.840 cuộc, phát hiện 6.318 vụ việc sai phạm, góp phần hạn chế những vi phạm trong quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở.

Đặc biệt, là địa phương đi đầu cả nước về phản biện xã hội (PBXH), ngày 29-4-2010, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thành phố đã tiến hành ký kết "Quy chế phối hợp tổ chức PBXH" làm bản lề cho công tác PBXH trên toàn thành phố.

Ba năm qua (2011-2014), MTTQ các cấp đã tổ chức thành công 46 hội nghị PBXH tham gia đóng góp vào các đề án, tờ trình, báo cáo của UBND thành phố và các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, trên nhiều lĩnh vực đời sống kinh tế - văn hóa. Phối hợp cùng các tổ chức thành viên tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo lấy ý kiến nhân dân tham gia đóng góp vào dự thảo báo cáo chính trị trình đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2010-2015; đóng góp vào Hiến pháp (sửa đổi) năm 2013 và Luật Đất đai (sửa đổi) năm 1993… 16/30 quận, huyện đã tiến hành hoạt động PBXH. Thông qua PBXH đã khẳng định vị trí, vai trò, trách nhiệm của MTTQ và các tổ chức thành viên và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Vừa qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố cũng đã tổ chức hội nghị quán triệt Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị về Quy chế giám sát, PBXH và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hệ thống MTTQ Việt Nam với nhiệm vụ giám sát, PBXH và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Với những thành tích thực sự ấn tượng, 5 năm qua, MTTQ Việt Nam các cấp TP Hà Nội đã được Đảng, Nhà nước trao tặng 25 huân chương các loại; 888 cờ, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, Thành ủy, UBND thành phố… Nhân Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam TP Hà Nội nhiệm kỳ 2014-2019, Ủy ban MTTQ thành phố đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Những thành tựu sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố, cùng với truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố là những thuận lợi cơ bản, tạo tiền đề cho Thủ đô Hà Nội tiếp tục có những bước phát triển mới.

Tăng cường củng cố, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân

Đánh giá cao kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2009-2014, hy vọng Đại hội lần thứ XVI, MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đề ra được những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò của MTTQ, các tổ chức thành viên, tăng cường củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh… Đó là chia sẻ của các đại biểu với Báo Hànộimới bên lề Đại hội, ngày 25-6.

Đại biểu Nguyễn Thị Đức Hiền (đoàn đại biểu quận Tây Hồ): Tập hợp sức mạnh toàn dân tộc, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc

MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã thể hiện vị trí, vai trò quan trọng trong việc tập hợp các tầng lớp nhân dân trong xã hội; đại diện cho khối đại đoàn kết toàn dân; đồng thời khẳng định vai trò quan trọng trong việc tập hợp trí và lực của toàn xã hội vào công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô. Đại hội lần thứ XVI diễn ra trong bối cảnh tình hình Biển Đông diễn biến căng thẳng, vấn đề chủ quyền của dân tộc bị đe dọa. Hơn bao giờ hết, MTTQ cần tiếp tục tập hợp tất cả sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đại biểu Thích Minh Hiền, Trưởng ban Văn hóa Thành hội Phật giáo Hà Nội: Phát huy vai trò chức sắc, chức việc,người tiêu biểu trong các tôn giáo

Trong nhiệm kỳ 2009-2014, MTTQ các cấp phối hợp với chính quyền tổ chức thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo; phát huy vai trò các chức sắc, chức việc, người tiêu biểu trong các tôn giáo để tuyên truyền, vận động đồng bào có đạo tuân thủ pháp luật, thực hiện quyền và trách nhiệm công dân... Các phong trào, các cuộc vận động do MTTQ các cấp phát động nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân. Trong đó, nổi bật là phong trào xây dựng nông thôn mới. Bộ mặt nông thôn ngày càng có nhiều đổi thay, cầu, đường, trường, trạm, … được quan tâm đầu tư xây dựng khang trang.


Đại biểu Bùi Long Hòa, Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Đống Đa: Nâng cao chất lượng công tác phản biện xã hội

Có thể nói, trong 5 năm qua, MTTQ TP Hà Nội là đơn vị đi đầu cả nước về công tác phản biện xã hội, tham gia đóng góp ý kiến vào các đề án, tờ trình, báo cáo của UBND thành phố và các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã trên các lĩnh vực. Qua công tác phản biện, góp phần bổ sung thiếu sót, hoàn thiện các chương trình, đề án… của các cơ quan chức năng, bảo đảm tính khả thi khi đưa vào cuộc sống. Với việc Bộ Chính trị ban hành Quyết định 217, 218-QĐ/TƯ về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, chắc chắn công tác phản biện xã hội sẽ được tổ chức thực hiện tốt hơn; góp phần khẳng định vai trò của MTTQ các cấp.


Đại biểu Dương Thị Thanh (đoàn đại biểu huyện Ba Vì): Cần chú trọng hơn nữa đến công tác dân tộc

Thời gian qua, với sự quan tâm của thành phố, MTTQ các cấp…, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn thành phố đã được cải thiện đáng kể. Cơ sở hạ tầng đường giao thông, điện, trường học, trạm y tế, nhà ở, nhà văn hóa được đầu tư; các hộ đồng bào dân tộc được giao đất, giao rừng, được hỗ trợ cây giống, vật nuôi... Hiện tại không còn hộ đói, các tập tục lạc hậu từng bước được xóa bỏ. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào các dân tộc vẫn còn cao. Vì vậy, tôi hy vọng, trong nhiệm kỳ tới, MTTQ thành phố sẽ chú trọng hơn nữa đến công tác dân tộc để tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào các dân tộc, đồng thời phát huy và động viên đồng bào tích cực tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.


nh Yên - Nguyên Hoa


Những thành tựu nổi bật của MTTQ TP Hà Nội nhiệm kỳ 2009-2014

- Quỹ "Vì người nghèo" ba cấp đã vận động được hơn 177 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, các địa phương đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa gần 15 nghìn nhà; hỗ trợ vốn sản xuất cho hơn 15 nghìn gia đình; hỗ trợ khám chữa bệnh cho hơn 6,2 nghìn lượt người; hỗ trợ hơn 20 nghìn lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn… Quỹ "Vì người nghèo" cùng với nguồn quỹ an sinh xã hội của các tổ chức thành viên và sự chăm lo của chính quyền đã kịp thời hỗ trợ cho người nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 7,52% đầu năm 2011 xuống còn 2,6% vào năm 2013.

- Hưởng ứng cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", 5 năm qua có hơn 6,3 triệu lượt gia đình được công nhận gia đình văn hóa; gần 11 nghìn lượt thôn, làng, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa…

- Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên cùng với chính quyền đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện hiến hơn 4,2 triệu mét vuông đất để xây dựng nông thôn mới, đưa Hà Nội là địa phương đi đầu trong toàn quốc về thực hiện phong trào này.

- MTTQ các cấp TP Hà Nội đã tổ chức 46 hội nghị phản biện xã hội tham gia đóng góp ý kiến vào các đề án, tờ trình, báo cáo của UBND thành phố và các sở, ngành, quận, huyện, thị xã trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng.

- Ban thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở cơ sở đã giám sát hơn 53 nghìn cuộc, kiến nghị thu hơn 64 tỷ đồng và hơn 1 triệu mét vuông đất.


Nguyên Hoa


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy dân chủ, trí tuệ, đổi mới; xây dựng Thủ đô văn minh - hiện đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.