(HNMO) - Các tham luận tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Phát huy dân chủ nhằm tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn Thủ đô Hà Nội” do Thành ủy Hà Nội và Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp tổ chức sáng 15-12, khẳng định tầm quan trọng của việc phát huy dân chủ ở cơ sở, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Vụ trưởng, Trưởng ban Xây dựng Đảng, Tạp chí Cộng sản, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu:
Nêu cao vai trò của người đứng đầu trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước; bảo đảm công khai, minh bạch thông tin, quyền được thông tin và cơ hội tiếp cận thông tin của mọi tầng lớp nhân dân. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở lần đầu được xem xét thông qua cũng tạo nên dấu ấn của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Những năm qua, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở luôn được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố Hà Nội quan tâm triển khai tổ chức thực hiện tốt và xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo và quyền làm chủ thực sự của người dân.
Thực tế cho thấy, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã góp phần đổi mới phương thức, nội dung hoạt động của cả hệ thống chính trị, từ thành phố đến cơ sở theo hướng “trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân”.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế cũng cho thấy, việc thực hiện phát huy dân chủ ở cơ sở, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Đảng bộ thành phố Hà Nội vẫn gặp một số khó khăn, hạn chế. Việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng ở một số cấp ủy, tổ chức Đảng có việc còn chưa nghiêm. Tính chiến đấu, tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình ở một số nơi còn hạn chế…
Để phát huy dân chủ tại cơ sở, trong thời gian tới, thành phố Hà Nội cần nêu cao vai trò của người đứng đầu các cấp trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; gắn việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở với thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ quan, đơn vị và chú trọng phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền; tăng cường công tác nắm tình hình về tư tưởng của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện các quy định của pháp luật…
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản:
Tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân
Thời gian qua, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, nền nếp việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân Thủ đô.
Đây là giải pháp căn cơ, đạt hiệu quả cao trong tuyên truyền, tạo đồng thuận, vận động nhân dân thực hiện tốt hơn các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo, điều hành của địa phương; nhất là đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân khi triển khai những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Ban Thường vụ Thành ủy cũng đã ban hành Quyết định số 2200-QĐ/TU, ngày 25-5-2017 về “Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội”; tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc trong toàn Đảng bộ thành phố, với phương châm: Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; phát huy dân chủ trong Đảng và trong xã hội gắn liền với kỷ cương, gắn bó mật thiết, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng.
Sau 5 năm thực hiện, Quyết định số 2200-QĐ/TU đã thực sự đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng thiết thực; góp phần tăng cường và đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy Đảng, hoạt động quản lý điều hành của chính quyền, bảo đảm tính dân chủ, công khai, khách quan, minh bạch.
Việc tổ chức các hội nghị đối thoại thể hiện sự chủ động của cấp ủy, chính quyền trong nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, dự báo chính xác tình hình, nhất là xác định trước các nguy cơ tiềm ẩn phức tạp, để đối thoại, tháo gỡ, không để phát sinh “điểm nóng”, đi trước một bước trong công tác tuyên truyền, vận động, tạo đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và nhân dân trước những vấn đề quan trọng tại địa phương.
Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh:
Phát huy dân chủ để nhân dân được quyền tham gia và hưởng thụ lợi ích trực tiếp
Phát huy dân chủ, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong thực tiễn đời sống xã hội luôn là vấn đề cấp thiết, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của cuộc sống, của các địa phương. Thực tế cho thấy, phát huy quyền làm chủ của nhân dân có thể được tiếp cận bởi nhiều khía cạnh, nhưng nhân dân được quyền tham gia và hưởng thụ lợi ích trực tiếp thì nhân dân rất chủ động và tích cực.
Với tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để nhân dân hưởng thụ, UBND huyện đã xây dựng Đề án triển khai bê tông hóa các đường ngõ, xóm. Quá trình triển khai đề án, nhân dân trực tiếp được tham gia xây dựng phương án làm đường, kiểm tra, giám sát thi công; huyện và xã hỗ trợ kinh phí làm mặt đường, nhân dân đóng góp ngày công, hiến đất và kinh phí để làm nền và hệ thống thoát nước. Nhờ thấy được lợi ích từ việc đường làm, ngõ xóm khang trang, sạch đẹp; lại được trực tiếp tham gia vào quá trình thi công, đảm bảo dân chủ, công khai nên Đề án đã đi vào cuộc sống, 100% đường ngõ, xóm trên địa bàn huyện đến năm 2020 đã được bê tông hóa, nguồn lực huy động từ nhân dân là rất lớn.
Việc thực hành dân chủ ở cơ sở, thông qua “cầu nối” là mặt trận và các đoàn thể, nhân dân được chủ động, trực tiếp tham gia bàn bạc, góp ý kiến, giám sát để đảm bảo tính minh bạch, công khai sẽ tạo được sự đồng thuận, niềm tin trong cộng đồng dân cư. Đó là tiền đề, cơ sở của quá trình huy động nguồn lực xã hội hóa trong xây dựng nông thôn mới.
Bí thư Quận ủy Hà Đông Nguyễn Thanh Xuân:
Phát huy dân chủ trong xây dựng mô hình chính quyền đô thị
Nhận thức rõ tầm quan trọng của quận nội thành trong việc xây dựng phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô theo mô hình chính quyền đô thị và việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, Đảng bộ quận Hà Đông đã tập trung lãnh đạo, quán triệt, cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Chính phủ bằng các chương trình, kế hoạch, đề án để tổ chức thực hiện.
Để thực hiện việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị, không tổ chức HĐND tại phường, Ban Thường vụ Quận ủy Hà Đông chỉ đạo, thực hiện bài bản, thận trọng, đúng quy định; công tác quán triệt, phổ biến, tuyên truyền các văn bản quy định của Trung ương, thành phố và của quận được các cấp ủy và cả hệ thống chính trị từ quận đến cơ sở triển khai nghiêm túc, sâu rộng.
Nhờ vậy, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về sự cần thiết phải thực hiện mô hình chính quyền đô thị được nâng lên; cán bộ, công chức các phường phấn khởi và thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Chính quyền hoạt động theo hướng gọn nhẹ vừa tăng tính chủ động điều hành, quyết định nhanh những vấn đề cấp bách trên địa bàn, vừa hướng đến phục vụ người dân tốt hơn.
Trên cơ sở những kết quả bước đầu về thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại địa bàn quận, Ban Thường vụ Quận ủy Hà Đông nhận thấy, để có những bước đột phá, thay đổi nhanh và tích cực thì phải nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng bằng việc tăng cường chỉ đạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của cấp ủy các cấp nhằm tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Để có dân chủ rộng rãi trong Đảng, mọi đảng viên phải được quyền bàn bạc, thảo luận và quyết định mọi công việc của Đảng, đảng viên có quyền tranh luận, nêu ý kiến của riêng mình và có quyền bảo lưu ý kiến. Nhưng khi đã thành nghị quyết của tập thể thì mọi đảng viên phải tôn trọng, nói và làm theo nghị quyết. Bên cạnh đó, cấp ủy Đảng phải thực sự lắng nghe ý kiến của cấp dưới và đảng viên, biết tổng hợp trí tuệ và sáng kiến, kinh nghiệm công tác phong phú của đảng viên.
Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn:
Nắm chắc thông tin từ cơ sở, giải quyết hiệu quả những bức xúc của người dân
Việc triển khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn thị xã nhận được sự đồng thuận từ nhân dân và cả hệ thống chính trị từ thị xã đến phường. Có được những kết quả như trên là do thị xã đã chú trọng phát huy dân chủ ở cơ sở trong từng bước thực hiện mô hình.
Để tạo sự thống nhất trong triển khai thực hiện, thị xã đã tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản của trung ương, kế hoạch thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thị xã Sơn Tây đến các cán bộ chủ chốt. Đảng ủy, UBND các phường thực hiện nghiêm Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ và UBND phường khi thực hiện thí điểm tổ chức mô hình này.
Để tăng cường thực hiện dân chủ ở cơ sở, UBND các phường chú trọng đổi mới các hình thức công khai, thông tin đến nhân dân. Ngoài các hình thức thông tin truyền thống qua loa truyền thanh, niêm yết tại trụ sở cơ quan, nhà văn hóa, qua các cuộc họp, hội nghị thì hình thức công khai qua mạng xã hội đã được các đơn vị sử dụng nhiều và cho thấy hiệu quả tốt hơn, số lượng người được tiếp cận với thông tin nhiều hơn, đồng thời, lại có tính tương tác trực tiếp, người dân có thể dễ dàng đặt câu hỏi, phản ánh, kiến nghị với đảng ủy, chính quyền cơ sở.
Theo mô hình chính quyền đô thị, mặc dù không tổ chức HĐND cấp phường nhưng quyền dân chủ và giám sát của người dân vẫn được bảo đảm thông qua hoạt động giám sát của HĐND thị xã; giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; giám sát trực tiếp của nhân dân thông qua việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, thông qua báo chí, các kênh thông tin, truyền thông, mạng xã hội, tiếp dân, đối thoại trực tiếp với nhân dân...
Việc thực hiện và phát huy dân chủ ở cơ sở đã giúp cho người đứng đầu cấp ủy, chính quyền nắm chắc thông tin từ cơ sở, trực tiếp giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc của người dân trên địa bàn; đồng thời, giải thích để người dân hiểu rõ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, chia sẻ của nhân dân trong thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại thị xã Sơn Tây.
Bí thư Đảng ủy phường Thụy Khuê (quận Tây Hồ) Võ Bích Thủy:
Xây dựng chính quyền của dân, do dân, vì dân
Trong quá trình đô thị hóa, xuất phát từ đặc điểm địa lý, tình hình kinh tế - xã hội, dân cư của phường, Đảng ủy phường Thụy Khuê đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Quy chế dân chủ trong công tác quản lý trật tự xây dựng, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình công cộng trên địa bàn phường.
Đảng ủy xác định trước tiên phải làm tốt công tác tuyên truyền, công khai thông tin liên quan đến đông đảo người dân, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả thực hiện.
Đảng ủy phường đã chỉ đạo UBND phường thực hiện công khai các văn bản pháp luật của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; quy trình, thủ tục tiếp nhận hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng; công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch triển khai các dự án xây dựng, xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn, hồ sơ quy hoạch chi tiết khu dân cư và điều chỉnh quy hoạch chi tiết trên địa bàn phường; công khai giấy phép xây dựng, tên và địa chỉ liên hệ của chủ đầu tư xây dựng công trình, ngày khởi công, ngày hoàn thành… và thông tin các trường hợp vi phạm tới khu dân cư, tổ dân phố để tăng cường công tác vận động, tuyên truyền người dân chấp hành đúng pháp luật về đất đai và trật tự xây dựng.
Việc triển khai thực hiện tốt Quy chế dân chủ trong công tác quản lý trật tự xây dựng và đô thị đã thu được kết quả tích cực. Công tác trật tự xây dựng trên địa bàn phường đã dần đi vào ổn định, kiểm soát được 100% công trình xây dựng.
Việc tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã góp phần phát huy quyền làm chủ của người dân, người dân được biết, được bàn và được tham gia trực tiếp và gián tiếp (thông qua Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội; Ban thanh tra nhân dân…) về các nội dung trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn phường, qua đó góp phần xây dựng chính quyền của dân, do dân và vì dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.