Trong quá trình thực hiện khảo sát, các nhà địa chất Hong Kong tìm thấy vị trí một siêu núi lửa ở khu vực này.
Siêu núi lửa mới phát hiện. Ảnh: Xinhua
Đây là lần đầu tiên một siêu núi lửa ở miền đông nam Trung Quốc được phát hiện. Lần phun trào cuối cùng của nó diễn ra cách đây 140 triệu năm và tạo ra khoảng hơn 1,4 nghìn tỷ m3 tro bụi, theo Xinhua.
Cục Phát triển và Công trình Dân sự cho biết, siêu núi lửa có độ nghiêng 30 độ, đường kính chân núi khoảng 18 km. Giới khoa học cho biết, núi lửa mới phát hiện là High Land cùng loại với siêu núi lửa Philippines, hay các ngọn núi lửa ở Tambora và Krakatau ở Indonesia, nhưng kích thước lớn hơn nhiều lần. Theo kỹ sư địa chất Denise Tang, khám phá trên có ý nghĩa quan trọng. Hiện trên thế giới có khoảng 50 siêu núi lửa cùng loại này.
Nhiều vụ phun trào núi lửa trong quá khứ từng gây nên hậu quả khủng khiếp trên phạm vi toàn cầu. Một vụ phun trào núi lửa từng gây nên thảm họa diệt chủng hàng loạt trên diện rộng cách đây hàng trăm triệu năm. Vì thế một số người dự đoán một siêu núi lửa sẽ “tỉnh giấc” vào năm nay và hủy diệt sự sống khắp thế giới theo đúng “lời tiên tri” về ngày tận thế của dân tộc Maya cổ đại.
Tuy nhiên, giới khoa học khẳng định, khả năng xảy ra siêu núi lửa nào đó hoạt động trong tương lai gần hoặc trong suốt cuộc đời con người là rất nhỏ. Một ngọn núi lửa được xếp vào loại siêu núi lửa kií nó có khả năng phun trào hơn 1.000 km3 khối tro bụi cho mỗi lần thức dậy.
Siêu núi lửa có khả năng giải phóng lượng dung nham và tro lớn gấp hàng nghìn lần so với những núi lửa thông thường. Một vụ phun trào của siêu núi lửa có thể gây nên những hậu quả tương đương với sự va chạm giữa trái đất và một thiên thạch có đường kính hơn 1.600 m. Điều đó có nghĩa là nó có thể giết hàng triệu người. Do tro từ núi lửa cản ánh sáng mặt trời nên nhiệt độ trên bề mặt trái đất sẽ giảm khiến các hệ sinh thái và khí hậu bị xáo trộn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.