Y tế

Phát hiện mới về tế bào miễn dịch ung thư

Nguyễn Năng Lực 31/08/2023 18:04

Trang bìa Tập san khoa học Sinh hóa Porland Press: Biochemical Sociaty Transactions số tháng 8-2023 của Hội Khoa học Hoàng gia Anh đăng ảnh hai tế bào miễn dịch "vắt ngang" qua ma trận dày đặc của tế bào ung thư di căn, từ đó nêu bật tầm quan trọng của cơ học vật lý tế bào trong việc điều tiết hành vi di căn.

chu-luc-1.jpg
Tiến sĩ trẻ Lê Hoàng Anh trong phòng thí nghiệm của UCL.

Đây là khám phá mới nhất và quan trọng của nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Khoa học Lê Hoàng Anh trong đề tài nghiên cứu tế bào ung thư tại Phòng thí nghiệm thuộc Đại học Tổng hợp Quốc gia London (UCL), Vương quốc Anh.

Ngược thời gian, vào tháng 6-2022, thông tin Việt Nam có một nghiên cứu sinh 25 tuổi bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ Khoa học với đề tài "Cấu trúc và di căn của tế bào ung thư. Vai trò của CYRI-A" tại Viện Nghiên cứu ung thư Beatson, Vương quốc Anh đã gây xôn xao dư luận. Tiến sĩ trẻ đó là Lê Hoàng Anh, cựu học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tiến sĩ Lê Hoàng Anh được Hoàng gia Anh xếp vào danh sách "Tài năng trẻ đặc biệt" và năm 2022 đã được nhận vào làm việc tại UCL. Công trình của Tiến sĩ trẻ đã được đăng trên Tập san khoa học của Đại học Rockefeller (Hoa Kỳ) và Tập san Sinh hóa Hội Khoa học Hoàng gia Anh. Trong nghiên cứu này, Lê Hoàng Anh đã thực hiện hàng ngàn thí nghiệm, quan sát, ghi chép, sao chụp cẩn thận và cuối cùng đã phát hiện ra một loại protein mới và chức năng của nó, có tên là CYRI-A (Fam49A) trong hiện tượng "uống tế bào" (tế bào ung thư nuốt tế bào lành) khi "di chuyển", hay còn gọi là hiện tượng di căn của tế bào ung thư.

chu-luc-2.jpg
Ảnh trên trang bìa Tập san Biochemical Sociaty Transactions số tháng 8-2023.

Cùng với đó, Lê Hoàng Anh còn phát hiện ra một loại protein mới gọi là CYRI-B (Fam49B), cùng họ với CYRI-A. Protein này có vai trò chỉ huy việc "nuốt tế bào" - tế bào ung thư ăn tế bào bình thường của con người - để tạo khối u ung thư mới.

Với đặc điểm "thoắt ẩn thoắt hiện", protein này còn được gọi là hiện tượng "ẩm bào". Cũng vì vậy, trước đây chưa có nhà khoa học nào chú ý đến nó, thậm chí nhiều người còn không nghĩ rằng nó tồn tại.

"Những khám phá quan trọng này có tính bước ngoặt, sẽ giúp giới khoa học tìm cách tiêu diệt loại protein "ẩm bào" và sẽ tiêu diệt tận gốc sự hình thành khối u ung thư cũng như sự di căn của tế bào ung thư", bác sĩ Chuyên khoa II , Phó Giám đốc Bệnh viện Xây dựng Lê Hữu Nghị nhận định.

Với việc phát hiện tế bào miễn dịch trong ma trận tế bào ung thư sau khi tìm ra hai loại protein quy định việc nuốt tế bào (CYRI-B) và việc di căn của tế bào ung thư (CYRI-A), giới khoa học hy vọng sẽ tiến tới việc loại bỏ ung thư, một căn bệnh nan y vô phương cứu chữa của nhân loại.

“Biochemical Sociaty Transactions”, thuộc chuyên ngành Hóa sinh và Sinh học phân tử, là tạp chí khoa học có uy tín (số thứ tự 305 xếp theo bảng chữ cái) trong “Danh mục tạp chí có uy tín” theo Quyết định số 151/QĐ-HĐQL-NAFOSTED ngày 9-8-2019 của Hội đồng Quản lý Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia, gồm 2.277 tạp chí được các Hội đồng Khoa học ngành lựa chọn, đề xuất từ Danh mục SCI do Clarivate Analysis công bố tháng 6-2019.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát hiện mới về tế bào miễn dịch ung thư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.