Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát hiện gần 30.000 trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm mỗi năm

Thu Trang| 27/04/2023 14:34

(HNMO) - Ngày 27-4, tại Hà Nội, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam phối hợp cùng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia và Công ty cổ phần Công nghệ phẩm Ba Đình tổ chức hội thảo “Giải pháp quản lý nguy cơ an toàn thực phẩm và hưởng ứng Tháng hành động vì an toàn thực phẩm 2023”.

Quang cảnh hội thảo.

Theo thông tin được đưa ra tại hội thảo, trung bình mỗi năm, cả nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và phát hiện gần 30.000 trường hợp vi phạm; đồng thời tiêu hủy sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm phụ gia, thực phẩm hết hạn, không bảo đảm an toàn của gần 4.000 cơ sở, nộp ngân sách nhà nước lên đến 50 tỷ đồng trong giai đoạn 2017-2022.

Các đại biểu tham dự hội thảo cũng cho rằng, qua việc đánh giá tổng thể trong các báo cáo về vệ sinh, an toàn thực phẩm hằng năm của Bộ Y tế, nhìn chung, tình trạng sản xuất thực phẩm không bảo đảm an toàn vẫn diễn biến phức tạp. Việc sản xuất, tiêu thụ thực phẩm “bẩn” không chỉ đe dọa đến sức khỏe cộng đồng mà còn có tác động rất xấu đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cụ thể, việc sản xuất thực phẩm “bẩn” sẽ khiến cho ngành công nghiệp thực phẩm gặp khó khăn, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, gây ra sự bất công đối với các nhà sản xuất uy tín, trách nhiệm…

Muốn ngăn chặn thực trạng này, theo Tiến sĩ Lê Văn Giang, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, cần phải có những giải pháp phù hợp để quản lý. Thời gian qua, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam đã xây dựng các luận cứ, đưa ra các chỉ tiêu kỹ thuật để khẳng định và công bố những sản phẩm thực sự an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng.

“Chúng ta cần phải ứng dụng khoa học kỹ thuật để chỉ ra các mức độ giới hạn an toàn tuyệt đối cho phép của thực phẩm đối với sức khỏe con người. Khoa học kỹ thuật ứng dụng trong thực phẩm phải bước vào các quy trình sản xuất, chế biến của doanh nghiệp, của cơ sở để phòng ngừa, gạt bỏ các mối nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm”, Tiến sĩ Lê Văn Giang nhấn mạnh.

Kiểm tra an toàn thực phẩm tại một nhà hàng trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Trần Cao Sơn, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cũng cho rằng, ngoài các mối nguy ô nhiễm thực phẩm sẵn có như: Vi rút, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng, hóa chất vô tình nhiễm vào thực phẩm hoặc tự sinh ra trong thực phẩm, còn có những hóa chất được bổ sung do quá trình sản xuất gian đối như: Kim loại nặng, thuốc trừ sâu, thuốc thú y, kháng sinh… Đây là mối nguy hại, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Do đó, giải pháp được đưa ra là tăng cường kiểm nghiệm thực phẩm giúp đánh giá chất lượng và loại bỏ những thực phẩm mất an toàn.

Theo các đại biểu tại hội thảo, an toàn vệ sinh thực phẩm là trách nhiệm của mọi người, mọi nhà, do đó cần ngăn chặn các hành động tiếp tay cho thực phẩm “bẩn”, đồng thời tăng cường tuyên truyền cho toàn xã hội, cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm để nâng cao hiểu biết và thực hiện theo các quy định của Nhà nước về an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, ngay trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm. Đồng thời, xây dựng các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát hiện gần 30.000 trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm mỗi năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.