(HNM) - Việt Nam hiện xếp thứ 14 trong số 20 nước có số người mắc bệnh lao cao nhất thế giới. Cuộc chiến chống lao ở nước ta còn nhiều thách thức và vấn đề đặt ra là làm sao phát hiện bệnh sớm, điều trị.
Điều trị bệnh nhân lao tại BV Phổi Hà Nội. |
Bộ phận cơ thể nào cũng có thể nhiễm lao
Theo Giám đốc Bệnh viện (BV) Phổi Hà Nội Phạm Hữu Thường, riêng trong năm 2015, BV Phổi Hà Nội đã tiếp nhận 2.650 người mắc bệnh lao các thể. Bộ phận nào trong cơ thể cũng có thể bị lao, trong đó, lao phổi chiếm tỷ lệ cao (hơn 80% số ca mắc lao) so với lao ổ bụng, lao màng não, lao cột sống… Trước đây, do chưa có thuốc chữa, chưa có thông tin đầy đủ nên việc điều trị cho bệnh nhân mắc lao kéo dài. Đặc biệt, việc điều trị lao kháng thuốc, siêu kháng thuốc vô cùng khó khăn.
Tuy vậy, hiện nay, bệnh nhân lao đã có cơ hội điều trị theo phương pháp mới, mang lại hiệu quả cao, kể cả với bệnh lao siêu kháng thuốc. Với phác đồ và thuốc điều trị mới, việc điều trị bệnh lao thông thường chỉ diễn ra trong vòng 6 tháng, điều trị lao đa kháng thuốc diễn ra trong khoảng 18 tháng. Từ tháng 12-2015, BV Phổi Hà Nội đã tiến hành điều trị thí điểm cho 30 bệnh nhân mắc lao siêu kháng thuốc. Bệnh nhân đầu tiên được điều trị thí điểm là Nguyễn A.T. (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) - được phát hiện mắc lao cách đây hơn 3 năm, bệnh ngày càng nặng do bệnh nhân này không tuân thủ yêu cầu của bác sĩ. Thậm chí gia đình bệnh nhân đã nghĩ đến tình huống xấu nhất. Thế nhưng, sau hơn 3 tháng được áp dụng phương pháp điều trị lao siêu kháng thuốc, sức khỏe của A.T. đã có tiến triển tốt, tăng cân và tinh thần lạc quan hơn.
Cũng theo ông Phạm Hữu Thường, quá trình điều trị đòi hỏi phải kiểm soát tốt nguy cơ nhiễm khuẩn để tránh lây lan, nhất là đối với việc điều trị lao kháng thuốc. Chính vì vậy, thời gian qua, BV đã tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, bảo đảm phòng bệnh thông thoáng tự nhiên, bệnh nhân lao kháng thuốc phải có lối đi riêng để tránh lây sang người khác… Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn bảo đảm làm tốt công tác khử khuẩn, tiệt khuẩn, tập trung dụng cụ y tế đúng quy trình.
Phát hiện sớm, điều trị kịp thời
Không chỉ đáp ứng đầy đủ yêu cầu khắt khe trong quá trình điều trị, BV Phổi Hà Nội đã làm chủ quy trình xét nghiệm đờm tìm vi khuẩn lao, nuôi cấy, định danh vi khuẩn để phục vụ chẩn đoán và điều trị, hỗ trợ chẩn đoán cho tuyến y tế quận, huyện. Mặt khác, BV đã áp dụng kỹ thuật phát hiện vi khuẩn lao nhanh trên hệ thống MGIT/BACTEC 960, GeneXpert, hỗ trợ rất nhiều cho một số BV tuyến trung ương và thành phố. BV cũng đã xây dựng màng lưới chống lao hoạt động hiệu quả trên địa bàn, trực tiếp chỉ đạo thực hiện chương trình quốc gia về phòng chống lao tại 16 quận, huyện, 257 xã, phường. Trong năm 2015, tại 16 quận, huyện, các bác sĩ đã khám cho hơn 41.000 người nghi nhiễm lao.
Trong thời gian qua, BV Phổi Hà Nội đã tập trung đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Chị Uông Mai Loan, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Tổ trưởng Tổ quản lý chất lượng BV cho biết, khoa Khám bệnh được coi như bộ mặt của BV, phải đặc biệt chú trọng về trình độ chuyên môn cũng như giao tiếp, ứng xử. Trong năm 2015, BV đã làm tốt công tác nâng cao chất lượng phục vụ tại khoa Khám bệnh, xây dựng nội quy, quy trình khám chữa bệnh hợp lý và niêm yết để người bệnh biết; tổ chức tốt công tác tiếp đón, hướng dẫn nên người bệnh không phải chờ đợi lâu, mọi thắc mắc đều được giải quyết thỏa đáng…
Theo ông Phạm Hữu Thường, việc phát hiện bệnh sớm sẽ khiến quá trình điều trị dễ dàng hơn. Khi thấy có các triệu chứng như ho, khạc đờm kéo dài hơn 2 tuần, nhất là trong trường hợp sử dụng kháng sinh điều trị viêm phổi, viêm họng mà không khỏi, thì cần nghĩ ngay đến bệnh lao. Biểu hiện bệnh thường rõ ràng hơn khi bệnh nhân sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi trộm, kém ăn, ho ra máu, gầy, sút cân, đau ngực… "Điều trị bệnh lao là một quá trình kỳ công. Thuốc điều trị bệnh thường gây nhiều tác dụng phụ nhưng đừng bao giờ ngưng uống thuốc giữa chừng vì điều đó sẽ dẫn đến kháng thuốc, làm cho việc điều trị càng khó khăn", ông Phạm Hữu Thường cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.