(HNMO) - Một nhóm nghiên cứu tìm hiểu thực tế của Liên hợp quốc đã tìm thấy bằng chứng cho thấy, các nhân vật cấp cao nhất của chính phủ Syria phải chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh trong cuộc nội chiến kéo dài ở nước này.
Thông tin trên được hãng tin CNN dẫn nguồn Giám đốc nhân quyền của Liên hợp quốc cho biết hôm qua, 2/12.
Bà Navi Pillay đã không nêu tên Tổng thống Bashar al-Assad, nhưng bà cho biết các bằng chứng mà Ủy ban điều tra của Liên hợp quốc về Syria thu thập được ám chỉ người đứng đầu chế độ.
Các thành viên của nhóm điều tra đã "nêu quan điểm của họ rằng, thực tế cho thấy những tội ác rất nghiêm trọng, tội ác chiến tranh, tội ác chống lại nhân loại", bà Pillay, Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền nói với các phóng viên tại Geneva, Thụy Sĩ.
Tuy nhiên, bà Pillay từ chối cho biết liệu ông al-Assad có tên trong danh sách những người bị tình nghi hay không. Danh sách này là bí mật - không được công bố cho đến khi vấn đề này bước từ giai đoạn tìm hiểu thực tế sang một cuộc điều tra quốc tế chính thức.
Bà Pillay |
Theo bà Pillay, các bằng chứng cũng cho thấy, quân nổi dậy đã phạm tội ác chiến tranh và phần lớn các trường hợp tử vong - hơn 100.000 người kể từ khi cuộc nội chiến bắt đầu vào năm 2011 - là từ các cuộc tấn công bất hợp pháp bằng vũ khí thông thường, không phải từ vũ khí hóa học.
Một nhóm làm việc của Tổ chức cấm vũ khí hoá học và Liên hợp quốc chịu trách nhiệm giám sát việc tiêu hủy vũ khí hóa học ở Syria đã bắt đầu kiểm tra các khu vực từ tháng 10. Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã giao cho nhóm này thiết lập một thời hạn chót là giữa năm 2014 để Syria tiêu hủy các loại vũ khí hóa học của nước này hoặc phải đối mặt với các hậu quả.
Nhưng sự hiện diện của các thanh sát viên vũ khí hóa học không ngăn được dòng vũ khí thông thường tràn vào cuộc nội chiến Syria. Gần đây nhất là tháng 9, các quan chức Mỹ đã xác nhận rằng họ gửi các loại pháo, được mô tả như là vũ khí hạng nhẹ, một số vũ khí chống tăng và đạn dược cho quân nổi dậy Syria. Nga từ lâu cũng đã cung cấp vũ khí cho chính phủ Syria.
Bà Pillay kêu gọi các nước thành viên Liên hợp quốc trình báo cáo này lên Tòa án Hình sự quốc tế, một động thái có thể bị chặn bởi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nơi mà Nga và Trung Quốc cho đến nay vẫn ngăn cản những nỗ lực trừng phạt chế độ của ông Assad.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.