Sáng 4/8, thông tin từ Bảo tàng Hà Tĩnh cho biết, cơ quan này vừa phát hiện một chiếc ấn đồng cổ chạm rồng tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh). Chiếc ấn đồng cổ có chiều cao 18cm, nặng 1,3 kg, được chia làm hai phần.
Phần đầu ấn (núm ấn) chạm nổi một con rồng lớn, đầu rồng cao 3cm, miệng há lưỡi dài 5cm, mắt rồng lộ to, mũi kiểu sư tử, đuôi rồng có 5 nhánh, tất cả toát lên thần thái rất oai nghiêm hùng dũng. Mặt trước ấn chạm nổi hai con rồng nhỏ hơn ở tư thế "lưỡng long triều nhật", vảy rồng tỉa đều, nét dài chắc khỏe, bố cục đều đặn, thân rồng uốn lượn mềm mại uyển chuyển ra phía sau, kết hợp hai đuôi rồng nhỏ với đuôi rồng lớn tạo nên sự đăng đối hài hòa cân xứng.
Đây là chiếc ấn đồng cổ thuộc loại độc đáo và đặc sắc nhất
từ trước đến nay ở Hà Tĩnh (Ảnh: Võ Đình Thi)
Phần thân ấn hình vuông, kích thước mỗi cạnh dài 6cm, các mặt đều được khắc chữ Hán theo lối chữ Triện. Mặt trước khắc chữ “Long”, mặt sau khắc chữ “ Hổ”. Mặt bên trái có 4 dòng khắc nổi 16 chữ, hiện mới đọc được một số chữ như “Ngọc ấn”, “Thăng quan phát tài”, “Kim ngọc mạn đường” (vàng ngọc đầy nhà). Mặt bên phải khắc hai con dơi ngậm đồng tiền và hai dòng chữ Hán đối nhau, dòng thứ nhất “ Biển bức hiến kim tiền” (Con dơi dâng tiền vàng), dòng thứ hai chỉ đọc được hai chữ đầu “Phát tài”. Đáy ấn khắc chữ “Phúc Lộc chi ấn” (ấn của Phúc Lộc).
Theo một số nhà nghiên cứu, chiếc ấn này được chạm trổ theo thể thức của ấn triện thời Nguyễn.
Hiện các nhà nghiên cứu đang tiếp tục tìm hiểu thêm về niên đại và phiên âm, dịch nghĩa các chữ Hán trên chiếc ấn cổ chạm rồng này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.