(HNMO) - Ngày 25-10, UBND TP Hà Nội phát động cuộc thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức pháp luật dành cho học sinh trung học phổ thông (THPT) trên địa bàn Hà Nội năm 2016.
Phát biểu tại lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết: Cuộc thi nêu trên được tổ chức thí điểm tại tất cả các trường THPT trên địa bàn 3 tỉnh, thành phố: Đồng Tháp, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong năm 2016. Căn cứ vào kết quả thí điểm, liên Bộ Tư pháp và Bộ GD&ĐT sẽ xem xét nhân rộng trong phạm vi cả nước trong những năm tiếp theo và cho các nhóm đối tượng khác, góp phần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hình thức phổ biến giáo dục pháp luật cho các tầng lớp nhân dân, nhất là cho học sinh, sinh viên.
Tại Hà Nội, cuộc thi được tổ chức theo 2 cấp: Cấp trường và cấp tỉnh, thành phố. Tại cấp trường, mỗi trường lựa chọn 3 học sinh đạt điểm số cao nhất theo thứ tự từ cao xuống thấp để trao giải và tham gia dự thi cấp tỉnh, thành phố. Mỗi tỉnh, thành phố chọn 25 học sinh đạt điểm số cao nhất theo thứ tự từ cao xuống thấp để xét trao giải thưởng.
Nội dung thi tập trung vào các kiến thức pháp luật được giảng dạy trong nhà trường theo chương trình THPT, có mở rộng, cập nhật một số kiến thức pháp luật mới phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh THPT bao gồm: quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm, bổn phận của thanh niên, học sinh (theo Luật thanh niên, Luật hôn nhân và gia đình, Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật giáo dục, Luật nghĩa vụ quân sự…); các quyền dân sự cơ bản của công dân, lao động chưa thành niên (theo Bộ luật dân sự, Bộ luật lao động, Luật xử lý vi phạm hành chính). Thí sinh tham dự cũng sẽ nhận diện một số hành vi vi phạm pháp luật thường diễn ra trong nhà trường, đánh giá về hậu quả và trách nhiệm pháp lý trong từng tình huống cụ thể.
Thời gian trả lời mỗi câu hỏi là 30 giây. Số lượng câu hỏi trong một phần thi online từ 30 - 40 câu.
Theo kế hoạch của UBND TP Hà Nội, cuộc thi ở cấp trường sẽ xong trước ngày 15-11-2016. Thành phố sẽ tổ chức tổng kết và trao giải thưởng vào tháng 12-2016. Để cuộc thi đạt kết quả tốt, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị các đơn vị liên quan nghiên cứu nội dung thi bảo đảm sinh động hấp dẫn phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi. Các câu hỏi phải ngắn gọn, thiết thực, gần gũi, có tính giáo dục cao, kết hợp chặt chẽ giữa trang bị kiến thức với rèn luyện và bồi dưỡng tư duy, kỷ năng xử lý các tình huống pháp lý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.