(HNM) - Một triển lãm về nghệ thuật thị giác gây chú ý đang diễn ra tại Viện Goethe Hà Nội (56-58 Nguyễn Thái Học), đến hết ngày 13-12.
“Nở” - Tác phẩm sắp đặt của Phạm Hồng. |
Sáu nữ nghệ sĩ trẻ gồm Nguyễn Thị Hoài Thơ, Phạm Thu Thủy, Hường By Nguyễn, Phạm Hồng, Võ Ngọc Huế và Hà Thị Hồng Ngân đã làm việc cùng giám tuyển Trần Lương trong một thời gian dài để cho ra triển lãm mang tên rất gợi - "Phập phồng". Trình diễn trong buổi khai mạc triển lãm, Hà Thị Hồng Ngân đã hướng người xem tới những cảm giác về hạnh phúc mong manh thông qua tác phẩm trình diễn "Hạnh phúc". Ngân dùng khối băng đúc thành chiếc khăn của cô dâu trong ngày cưới đội lên đầu, còn tay cô lại cầm một đóa hoa trắng bằng băng đá. "Cô dâu" Hồng Ngân rất xinh đẹp, tươi cười khi bắt đầu trình diễn, nhưng cứ mỗi phút giây qua đi, khối băng đá tan dần, tỏa hơi lạnh giữa mùa đông càng khiến tác giả thêm giá buốt. Cô gồng mình chống đỡ, bật khóc và cuối cùng phải buông khối băng đội đầu và bông hoa băng cầm tay đã tan chảy. Phải chăng, khi bước chân lên xe hoa làm cô dâu, hạnh phúc bắt đầu, hay đó là khởi nguồn cho khổ đau, gồng mình, tuyệt vọng?
Cũng là tác phẩm trình diễn, Võ Ngọc Huế gửi tới người xem thông điệp về bình đẳng giới thông qua tác phẩm "Chuyện của mẹ". Chị dùng những viên gạch đỏ, dây ren và cơ thể mình để diễn tả những nỗi cực nhọc, truân chuyên mà một người mẹ trong xã hội còn nhiều tàn tích phong kiến phải gánh chịu.
Trong khi đó, hai tác phẩm sắp đặt của Phạm Hồng và Hường By Nguyễn lại khá nhạy cảm. Phạm Hồng mang tới mô hình lớn một chiếc áo dài bằng thép gai tua tủa, giống như cách "xù lông" để tự vệ, nó cũng là trạng thái ghê rợn, sợ hãi. Nhưng bên trong lại là bí mật về sự gợi cảm rất nữ tính và duyên dáng, đúng như người phụ nữ vậy! "Cổng vạn tuế" của Hường By Nguyễn là một sắp đặt lớn, tác giả dùng rất nhiều bóng bay và hoa hồng kết thành một cái cổng cao 3m, rộng 1,9m, là cổng dẫn vào triển lãm. Có thể đó là một cái cổng dẫn vào một bữa tiệc, một đám cưới, hay cổng vào thiên đường…
Gây tranh cãi nhất là tác phẩm "Chiến" của Hà Thị Hồng Ngân. Tác giả dùng lưới inox cuộn thành những ống tròn, dài và vây thành một khung hình vuông nhiều tầng bậc. Bên trong những ống thép đó là những chú mèo và bên trong mỗi ống lưới thép lại là một ống lưới thép nhỏ nhốt con chuột. Ý nghĩa của tác phẩm giống như là một sự thừa nhận bản năng "săn mồi" của phụ nữ, vừa mềm mại, uyển chuyển, lười biếng và lả lướt, nhưng cũng luôn sẵn sàng quyết chiến, hận thù và trả mọi giá cho miếng ăn. Tại buổi trò chuyện với nghệ sĩ trong khuôn khổ triển lãm, rất nhiều ý kiến trái chiều đã đưa ra về việc nghệ sĩ dùng những con mèo nhốt lại để phục vụ cho mục đích nghệ thuật như vậy có là hành động xâm hại thế giới tự nhiên hay không. Nhiều ý kiến chỉ trích vật liệu làm nên tác phẩm của Hồng Ngân, nhưng cũng nhiều ý kiến bảo vệ, khi cho rằng hằng ngày, ngoài việc nhốt lũ mèo, Hồng Ngân vẫn chăm sóc mèo và chuột đầy đủ. Dưới sức ép của những ý kiến trái chiều, Hồng Ngân đã quyết định mỗi ngày triển lãm sẽ thả ra một con mèo. Và, cũng giống như vụ tranh luận về cái cây - một sắp đặt của nghệ sĩ Phương Linh tại Nhà sàn Studio năm ngoái, sắp đặt của Hồng Ngân và vấn đề dùng thế giới tự nhiên trong nghệ thuật đương đại lần này vẫn chưa đi tới hồi ngã ngũ.
Tiếng nói nữ quyền dường như đang mạnh lên và táo bạo. Đó như chính con tim của người phụ nữ, luôn "phập phồng" tạo sức sống và sắc vẻ cho cuộc đời dù khổ đau, vất vả nhưng cũng đầy thi vị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.