(HNM) - Tỷ giá USD/VND tăng cao khiến giá nhiều loại hàng hóa
Lãi suất tín dụng VNĐ hấp dẫn kéo lượng khách hàng tới gửi tiền tiết kiệm. Ảnh: Đàm Duy |
Mặc dù niêm yết công khai mức lãi suất huy động VND cao nhất chỉ 14%/năm, song trên thực tế, lãi suất đã được nhiều NH đẩy lên mức cao hơn ngay từ trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Mão. Có NH thêm lãi suất bằng quà tặng, phần thưởng theo các chương trình khuyến mãi, nhưng cũng có NH ký thỏa thuận "ngầm" với khách hàng. Tức là ngoài mức lãi suất huy động nhận được trên sổ tiết kiệm, khách hàng và NH có thêm một biên bản thỏa thuận cộng thêm lãi suất 1-2%/năm, tức là lãi suất thực mà khách hàng nhận được sẽ là 15-16%/năm.
Tháng 12-2010, lãi suất đã được các NH "phá rào", đỉnh điểm là Techcombank công khai áp dụng lãi suất 17%/năm, chưa kể mức lãi suất cộng thưởng tương ứng có thể lên đến 0,6%/năm. Sau Techcombank, nhiều NH khác tiếp tục tăng lãi suất, làm thị trường tiền tệ rơi vào cảnh hỗn loạn, lãi suất lên cao nhất đã tới 18%/năm. Tuy nhiên, cơ quan chức năng đã kịp thời vào cuộc, giúp lãi suất trở lại ổn định. Thống đốc NHNN có buổi làm việc với tổng giám đốc các NHTM, Hiệp hội NH mà tại đó các NHTM đều cho rằng mức lãi suất áp dụng thời điểm đó là quá cao, các hình thức lãi suất thưởng tiền, vàng làm cho lãi suất thị trường không minh bạch. Mặt khác, do mức đầu vào quá cao, đương nhiên lãi suất cho vay phải cao, DN không chịu được, làm kìm hãm hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tại cuộc họp đó, các NHTM đã nhất trí đưa mặt bằng lãi suất xuống cho phù hợp với tình hình thực tế và phải giữ ổn định lãi suất, thị trường tiền tệ theo chỉ đạo của Chính phủ, nhằm bảo đảm an toàn hệ thống NH. Mức lãi suất huy động mà các NHTM cam kết, gồm cả khoản chi khuyến mãi dưới mọi hình thức không vượt quá 14%/năm, được thực hiện từ ngày 15-12-2010 và sẽ được điều chỉnh giảm cho phù hợp với tình hình cung - cầu vốn trên thị trường. NHNN khẳng định sẽ giám sát và xử lý nghiêm những NHTM vi phạm cam kết.
Tuy nhiên, chỉ sau đó không lâu, các NH lại đua nhau kéo lãi suất lên cao. Không rầm rộ công khai, một số NH "kéo" khách hàng "ruột" bằng cách "chào" lãi suất huy động cộng thêm lớn. Không chỉ với VND, ngay cả lãi suất huy động USD cũng được làm theo cách này. Cuộc đua "ngầm" cứ thế diễn ra cho đến thời điểm sau Tết Nguyên đán. Đại diện một NH cổ phần ở Hà Nội lý giải, những dự báo thiếu lạc quan về lạm phát, cùng với mức điều chỉnh tỷ giá USD/VND lên cao của NHNN đã khiến đồng VND giảm uy tín. Do vậy, thay vì tích trữ, gửi tiết kiệm bằng VND, nhiều người lại gom USD vì sợ tỷ giá có thể sẽ tăng cao. Để kéo khách hàng trở lại với kênh gửi tiết kiệm VND, NH không còn cách nào khác là tăng lãi suất huy động VND lên mức hấp dẫn hơn. Trong khi chờ những thông tin chính thức từ NHNN về việc cho phép các NHTM huy động VND với lãi suất cao hơn, NH đành phải tìm cách "lách" bằng những cam kết không công khai, bởi nhu cầu vay vốn của DN và người dân vẫn rất lớn…
Tăng lãi suất huy động, người gửi tiền sẽ được lợi, song lại đẩy DN vào chỗ khó. Khi lãi suất huy động đã "leo thang" lên đến 15-16%/năm, để có thể duy trì hoạt động, NH sẽ phải cho vay với lãi suất 18-19%/năm, thậm chí 20-21%/năm. Với mức lãi suất này, khó có DN nào gánh nổi trong bối cảnh giá của nhiều loại hàng hóa chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, cũng như tác động của việc điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng. Lãi suất vay tăng, cộng với chi phí hàng hóa bị đội lên, DN sẽ buộc phải tăng giá thành sản phẩm để bù lỗ. Những người có nhu cầu vay tiêu dùng cũng phải tính toán lại, vì lãi suất cho vay của các NH đã được đẩy lên tới 21%/năm, có NH nước ngoài còn áp dụng lãi suất 24%/năm cho khách hàng vay tín chấp, với tổng số tiền vay gấp 10 lần thu nhập. Lãi suất 24%/năm được áp dụng trong suốt thời gian vay.
Đã đến lúc cơ quan quản lý cần điều hành chính sách tiền tệ phù hợp hơn để hài hòa lợi ích 3 bên: NH - DN - người dân, đồng thời giúp thị trường tiền tệ hoạt động lành mạnh, an toàn hơn, chấm dứt những hoạt động không minh bạch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.