(HNM) - Khu lều trại tị nạn
Động thái này thể hiện sự quyết tâm của Paris trong giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư khi trại tị nạn này là một nguyên nhân gây bất đồng trong quan hệ giữa Anh và Pháp cũng như gây căng thẳng với người dân địa phương ở Calais.
Dòng người tị nạn xếp hàng đăng ký chỗ ở mới. |
Kể từ năm 1994, khi đường hầm xuyên eo biển Manche khai trương, Calais trở thành điểm thu hút người di cư. Năm 1999, để giải tỏa các trại tị nạn trong thành phố, chính quyền đã mở một khu do Hội Chữ thập đỏ giám sát bên trong một nhà máy của Tập đoàn Eurotunnel gần với đường hầm. Cảnh sát đã phải mất tới 3 năm để đóng cửa trại.
Lịch sử lặp lại khi các trại trái phép bắt đầu mọc ra tại Calais cùng thời điểm với cuộc khủng hoảng di cư bùng phát tại Châu Âu khiến chính quyền phải dồn những người di cư vào khu nhà bên trong một boongke bỏ hoang của quân đội Đức và một bãi rác không sử dụng của thành phố.
Chỉ trong vài tuần, một thành phố thu nhỏ toàn lều bạt đã được hình thành. Điều này một mặt được cho là đã tạo ra hình ảnh vô cùng xấu xí cho nước Pháp, mặt khác mang đến những nguy cơ về cuộc khủng hoảng nhân đạo bởi những người tị nạn ở đây sống trong điều kiện không điện, nước, y tế, giáo dục và thường xuyên xảy ra bạo lực.
Quan trọng hơn, sự tồn tại của trại “Jungle” từ nhiều năm nay gây tác động nghiêm trọng đến đời sống xã hội, kinh tế của địa phương. Tiếp đến là vấn đề bạo lực và an ninh khi những người tị nạn tìm mọi cách xâm nhập vào đường hầm Eurotunnel để trốn sang Anh, nơi được cho là thiên đường của người di cư chứ không chịu xin tị nạn ngay trên đất Pháp.
Vượt hàng nghìn dặm để tới Calais, những cư dân của trại này hy vọng sẽ trốn được vào một chiếc xe tải nào đó đang đi tới Anh, nơi họ có người thân và tin rằng tương lai sẽ rộng mở hơn. Hằng đêm, người nhập cư thường cố vượt qua cảnh sát để trèo lên các xe tải đang trên đường ra cảng. Hành động liều mạng này gây ra cái chết cho hầu hết trong số 33 vụ người nhập cư bị thiệt mạng tại khu vực Calais kể từ năm 2015.
Do vậy, chính quyền Pháp không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc giải tán trại Calais, trong khi không thể trông chờ vào nỗ lực trợ giúp chung của cả Châu Âu, đặc biệt là Anh. Dư luận Pháp gần như ủng hộ tuyệt đối các quyết định này của chính phủ bởi nhiều người Pháp đã quá mệt mỏi vì khu trại Calais thời gian qua. Sự phản đối chỉ đến từ một vài hiệp hội dân sự và từ chính những người tị nạn không muốn rời nơi này để nuôi niềm hy vọng tìm đường sang Anh.
Nhiều người lo ngại rằng, việc gấp rút dỡ bỏ trại tị nạn Calais sẽ tác động tiêu cực tới tái sắp xếp nơi ở mới cũng như gây ra những bất ổn an ninh tại Pháp. Tuy nhiên, chính quyền Calais khẳng định, quá trình đóng cửa trại tị nạn chỉ diễn ra khi chắc chắn tất cả những người nhập cư có nơi định cư mới. Quá trình dỡ bỏ lều trại được thực hiện theo hình thức nhân đạo. Chính quyền Pháp cho người tị nạn hai sự lựa chọn: Hoặc là chuyển tới khu nhà tạm và các trung tâm tị nạn khác trên lãnh thổ Pháp, hai là quay trở về quê hương.
Trẻ nhỏ không có cha mẹ đi kèm có thể được chuyển tới Anh. Các em sẽ được các nhà chức trách người Anh và Pháp phỏng vấn để xem liệu rằng có thể đến quốc đảo hay không. Trong khi đó, Bộ Nội vụ Anh đã hoan nghênh quyết định của Pháp giải tán trại tạm cư Calais và cho rằng hành động quyết liệt này sẽ góp phần giải quyết tình trạng những đối tượng buôn người tìm cách trục lợi bằng việc đưa người tị nạn trái phép từ Calais sang Anh trong bối cảnh cả hai chính phủ đều chưa có biện pháp đối phó với tình trạng này.
Đối với hàng nghìn người di cư, Calais là trạm dừng chân cuối cùng trước khi đến Anh của hành trình đầy hiểm nguy mà họ mạo hiểm tính mạng để vượt qua. Thế nhưng, Calais cũng là một thách thức cho Chính phủ Pháp khi đối phó với cuộc khủng hoảng người nhập cư. Sự kiện khu lán trại được xem như niềm hy vọng của những người tị nạn nghèo khó bị dỡ bỏ có thể giúp Paris giảm áp lực trong đối phó với người di cư.
Tuy nhiên, liệu động thái dứt khoát này có giúp giải quyết đáng kể tình trạng di cư ồ ạt đến Châu Âu hay không vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp khi lục địa này vẫn là miền đất hứa của hàng triệu người nhập cư.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.