(HNM) - Nhằm chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, ngày 2-12, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin tuyên bố, nước này sẽ triển khai một loạt biện pháp "quy mô lớn và chưa từng có tiền lệ”. Đây được cho là bước đi quyết liệt của Chính phủ Tổng thống Emmanuel Macron để đẩy mạnh cuộc chiến chống lại “kẻ thù bên trong”.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp G.Darmanin cho biết, các biện pháp trên bao gồm kế hoạch điều tra hoạt động của 76 nhà thờ Hồi giáo. Tùy theo kết quả điều tra, nếu phát hiện chứa chấp phần tử Hồi giáo cực đoan, nhà thờ có thể sẽ phải đóng cửa. Trước đó, lực lượng an ninh đã đột kích nơi ở của hàng chục đối tượng tình nghi là phần tử Hồi giáo cực đoan với thông điệp rằng, nước Pháp sẽ không dung túng cho những đối tượng gây tổn hại đến an ninh quốc gia. Cùng với đó, nhà chức trách Pháp đã mở hàng chục cuộc điều tra, bắt giữ nhiều đối tượng khả nghi.
Các chuyên gia an ninh nhận định, bản chất các mối đe dọa an ninh tại Pháp đã thay đổi. Thay vì chủ yếu liên quan đến các tổ chức khủng bố nước ngoài, các mối đe dọa hiện nay xuất phát từ những phần tử bị tiêm nhiễm các tư tưởng tôn giáo cực đoan và thực hiện tấn công theo kiểu “sói đơn độc” ở trong nước. Theo thống kê, trong giai đoạn từ năm 2013 đến nay, nước Pháp đã hứng chịu 14 vụ tấn công. Gần đây nhất là vụ khủng bố bằng dao bên ngoài Tòa soạn của Báo Charlie Hebdo, tại nhà thờ Notre-Dame ở thành phố Nice hay vụ một giáo viên dạy lịch sử bị sát hại dã man ở thủ đô Paris. Đến nay, đất nước hình lục lăng vẫn đang duy trì tình trạng báo động an ninh ở mức cao nhất.
Những sự vụ gây chấn động dư luận này vẫn là nỗi ám ảnh đối với nước Pháp như một vết thương chưa lành. Điều đó tác động không nhỏ tới chính trị - xã hội của nước Pháp và là một áp lực khiến Tổng thống E.Macron phải đưa ra những hành động mạnh mẽ. Đứng đầu một quốc gia có cộng đồng người theo đạo Hồi đông đảo nhất ở châu Âu, ông chủ Điện Elysee phải nhanh chóng lên kế hoạch sắp xếp lại những chính sách liên quan đến mối quan hệ giữa đạo Hồi với các tôn giáo khác và giữa người theo các tôn giáo khác với người theo đạo Hồi ở nước Pháp. Ở tầm bao quát hơn, Tổng thống E.Macron mong muốn đưa đất nước hình lục lăng đi tiên phong ở châu Âu trong việc chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan theo hướng tách bạch đạo Hồi với chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, không để cho các thế lực, tổ chức hay phần tử có tư tưởng cực đoan lợi dụng, làm ảnh hưởng tới hình ảnh của đạo Hồi ở nước Pháp và châu Âu.
Theo các nhà bình luận, để chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan một cách có hiệu quả, nước Pháp cần phải được “vũ trang” lại toàn bộ, từ suy nghĩ đến hệ thống pháp luật, bao gồm chính sách nhập cư, quyền tị nạn, quyền của trẻ vị thành niên… Quan trọng hơn, chính phủ phải đưa ra những hành động thực tế thì nước Pháp mới có thể chiến thắng được những kẻ cuồng tín.
Yếu tố khó khăn nhất hiện nay được cho là sự khác biệt về văn hóa. Các nước phương Tây vốn đề cao tự do ngôn luận cũng như nguyên tắc phi tôn giáo trong giáo dục và hành chính công. Điều đó dẫn tới sự xuất hiện của những hành động như vẽ tranh biếm họa các lãnh tụ tôn giáo, chính trị hay cấm thể hiện các dấu hiệu tôn giáo nơi công cộng. Tuy nhiên, thực tế này đối với một số cộng đồng Hồi giáo là không thể chấp nhận và họ xem đó là sự phỉ báng, xúc phạm, từ đó dẫn đến các hành động phản kháng mạnh mẽ.
Do vậy, không chỉ với riêng nước Pháp mà với cả các quốc gia trên thế giới, việc chống lại chủ nghĩa cực đoan sẽ là một cuộc chiến lâu dài và đầy thách thức. Tuy nhiên, cách tiếp cận quyết liệt nhưng ôn hòa trong hành động nhằm tạo ra những thay đổi tích cực là cần thiết để cuộc chiến khó khăn này tới đích.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.