Theo dõi Báo Hànộimới trên

Pháp đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên EU: Kỳ vọng tạo ''bước ngoặt'' của châu Âu

Minh Hiếu| 04/01/2022 06:18

(HNM) - Đầu năm 2022, Pháp đã tiếp quản vai trò Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) kéo dài 6 tháng cùng một chương trình nghị sự đầy tham vọng với kỳ vọng tạo “bước ngoặt” của châu Âu. Đây cũng là thời điểm có ý nghĩa quan trọng đối với cả Pháp và châu Âu trong việc triển khai các kế hoạch lớn, đặt trong những thách thức từ sự lây lan của đại dịch Covid-19.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo kế hoạch cho nhiệm kỳ Chủ tịch EU của Pháp tại một cuộc họp báo ở thủ đô Paris vào tháng 12-2021.

Chào đón lần thứ 13 Pháp đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên EU, trên khắp thủ đô Paris, các công trình biểu tượng như tháp Eiffel, Khải Hoàn Môn hay Điện Elysee đều được thắp sáng bằng màu xanh của lá cờ EU. Theo kênh France24, mỗi quốc gia EU đều được giữ chức Chủ tịch luân phiên của hội đồng, điều này mang lại cho quốc gia thành viên cơ hội thiết lập chương trình nghị sự chính thức và tổ chức các cuộc họp của các bộ trưởng. Trang Euronews đánh giá, trong 6 tháng này, Pháp sẽ có ảnh hưởng đáng kể để thúc đẩy một số vấn đề nhất định và tìm kiếm sự thỏa hiệp của 27 quốc gia.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kỳ vọng: “Năm 2022 phải là năm đánh dấu một bước ngoặt của châu Âu”. Với phương châm "phục hồi, mạnh mẽ, tương hỗ", Tổng thống Pháp đã công bố những định hướng trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên, bao gồm: Chủ quyền, tăng trưởng, sinh thái, nhà nước pháp quyền...

Theo trang DW, nhiệm kỳ Chủ tịch EU của Pháp đến vào thời điểm có lợi cho Tổng thống E.Macron về mặt chính trị, bởi đây là cơ hội để ông chủ Điện Elysee thể hiện vai trò của Pháp như một cường quốc châu Âu, phù hợp với các mục tiêu và thông điệp truyền tải đến cử tri trong nước khi có khả năng cao chính trị gia này sẽ tuyên bố việc tái tranh cử trong ít ngày tới.

Theo Euronews, với vai trò Chủ tịch EU, Pháp đã đề ra các lĩnh vực ưu tiên: Xây dựng mức lương tối thiểu trên toàn EU; thúc đẩy các quy định nhằm kiểm soát tốt hơn các tập đoàn công nghệ khổng lồ; tạo ra thuế carbon đối với các sản phẩm nhập khẩu vào châu Âu theo tác động môi trường của chúng. Tổng thống E.Macron cũng ủng hộ một cuộc cải cách để bảo vệ biên giới của châu Âu tốt hơn trước các cuộc khủng hoảng di cư, một chủ đề cũng sẽ là trọng tâm của chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp. Đây là những tham vọng mà ông đã không ngừng thể hiện kể từ khi đắc cử vào năm 2017. Một làn sóng lây lan Covid-19 thứ năm đang tấn công EU cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nhiệm kỳ Chủ tịch này. 

Đặc biệt, Pháp sẽ chịu trách nhiệm tổ chức các cuộc họp của Hội đồng EU, thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia thành viên và xử lý các mối quan hệ của hội đồng với Ủy ban và Nghị viện châu Âu. Vai trò Chủ tịch Hội đồng EU của Pháp sẽ góp phần đạt được những thỏa hiệp trong một số lĩnh vực chính như: Chuyển đổi kỹ thuật số và sinh thái, bảo vệ và thích ứng với mô hình xã hội của châu Âu, bảo vệ tốt hơn các biên giới và tái khẳng định tầm quan trọng của các giá trị của châu Âu. Để giải quyết những ưu tiên này, một số sự kiện và các cuộc họp đang được Pháp tổ chức trên khắp cả nước, cũng như ở Brussels (Bỉ) và Luxembourg - nơi sẽ tổ chức các cuộc họp chính thức của hội đồng.

Theo trang Brusselstimes, nhiệm kỳ Chủ tịch của Pháp theo sau nhiệm kỳ của Slovenia, tiếp đến sẽ là nhiệm kỳ của Cộng hòa Séc và Thụy Điển. Bộ ba quốc gia - Pháp, Cộng hòa Séc và Thụy Điển - đã soạn thảo một chương trình kéo dài 18 tháng nhằm bảo đảm quá trình chuyển đổi suôn sẻ từ nhiệm kỳ Chủ tịch này sang nhiệm kỳ Chủ tịch khác, nhưng mỗi quốc gia cũng đã nêu rõ những vấn đề cần giải quyết trong nhiệm kỳ của mình. Trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Slovenia, nhiều nỗ lực thúc đẩy các chính sách đã được thực hiện, đặc biệt là trong việc phê duyệt và thông qua các kế hoạch phục hồi cho các quốc gia thành viên.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Pháp đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên EU: Kỳ vọng tạo ''bước ngoặt'' của châu Âu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.