Du lịch

Pháo đài Amer: Dấu tích của một thời huy hoàng

Thái Thịnh 24/03/2024 - 14:54

Nổi bật trong vô số pháo đài đồ sộ tại Ấn Độ, pháo đài Amer (hay Amber, thuộc bang Rajasthan) - Di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận - là sự kết hợp hoàn hảo giữa tính năng phòng thủ với sự cầu kỳ và lộng lẫy biểu trưng cho những ngày huy hoàng nhất trong lịch sử Ấn Độ.

638460294021754901-7.jpg
Thành phố Amer nhìn từ pháo đài.

Vào đầu thiên niên kỷ trước, cả một vùng rộng lớn ở tây bắc Ấn Độ bị chia rẽ thành các tiểu vương quốc khác nhau do những bộ lạc thuộc dân tộc Meena cai trị. Amer là một trong các tiểu vương quốc đó, và ngay từ thế kỷ XI ở đây đã tồn tại một pháo đài cùng tên. Sau nhiều biến chuyển lịch sử, Amer rơi vào tay đế chế Mughal và được cai trị bởi các vị Maharaja (tiểu vương). Man Singh I, vị Maharaja thứ 24 đã cho xây dựng pháo đài Amer mới trên đống đổ nát của pháo đài cũ. Pháo đài mở cửa vào năm 1599, vừa là nơi ở của gia đình Maharaja vừa là trụ sở bộ máy chính quyền của tiểu vương quốc.

Pháo đài Amer nằm trên ngọn đồi Cheel ka Teela ở ngoại ô thành phố Amer, cách thủ phủ bang Rajasthan là Jaipur khoảng 10km. Cứ 10 phút lại có một chuyến xe buýt đi từ Jaipur đến thành phố Amer và ngược lại. Du khách xuống xe buýt có thể lên taxi, xích lô hay cưỡi voi đến pháo đài. Một con voi đưa hai vị khách đến trước cổng pháo đài Amer có giá thuê khoảng 1.100 rupee (khoảng hơn 300 nghìn đồng).

Ngay từ thoáng nhìn đầu tiên, nhiều du khách đã “phải lòng” pháo đài Amer. Khu di tích là sự kết hợp hoàn hảo giữa lối kiến trúc Ấn - Hồi thịnh hành dưới thời Mughal với các yếu tố thẩm mỹ ngoại lai từ Ba Tư, Trung Đông, xứ Baltic và Tây Âu. Trong khi đó, những tảng sa thạch và cẩm thạch dùng để xây pháo đài đều do thợ địa phương đẽo gọt. Các công trình xây bằng sa thạch và cẩm thạch là biểu tượng của bang Rajasthan, và pháo đài Amer không phải ngoại lệ.

Pháo đài này được gọi là “Amer” hoặc “Amber”. Cả hai cái tên có chung xuất xứ từ chữ “Amba” - một danh xưng của nữ thần Kali. Trong pháo đài Amer có đền thờ Kali. Đền Shila Devi nằm ở bên phải cổng Suraj Pol, nổi bật vì có tượng hai con sư tử bằng bạc được chạm công phu trước cổng đền. Truyền thuyết kể rằng, Maharaja Man Singh I nằm mơ thấy thần Kali bảo ông hãy tìm một bức tượng nữ thần trôi dạt trên biển Bengal mà vớt lên thờ cúng. Man Singh I làm đúng như vậy. Từ đó, ông dẫn quân đến đâu thắng trận đến đó. Vị tiểu vương bèn xây ngôi đền thờ để cảm tạ sự che chở của nữ thần.

Pháo đài Amer bao quanh bốn quảng trường khác nhau. Du khách bước qua cổng chính Suraj Pol là tới quảng trường đầu tiên: Jalep Chowk. Xung quanh Jalep Chowk là những dãy nhà 2 - 3 tầng, vốn là nơi thiết triều, nơi ở của các vị Maharaja cũng như chỗ duyệt binh của binh lính canh giữ pháo đài. Du khách chỉ cần ngắm nhìn những hàng cột bằng đá cẩm thạch, những bức phù điêu chạm ngà voi, những căn phòng lát gạch vàng rực rỡ sẽ hiểu vì sao việc xây dựng Jalep Chowk lại kéo dài tới 25 năm.

Du khách từ Jalep Chowk leo cầu thang lên đồi sẽ đến quảng trường thứ hai. Công trình đáng chú ý nhất ở đây là Diwan-i-Aam. Đây là nơi các thế hệ Maharaja gặp gỡ người dân và xét xử kẻ có tội. Diwan-i-Aam thực ra là một ngôi nhà dài nằm trên 27 cây cột đôi. Bốn cây cột ở bốn góc tòa nhà được chạm khắc hình thần voi Ganesha. Thần Ganesha trong đạo Hindu là biểu tượng của trí tuệ và sự phá bỏ mọi chướng ngại, đem lại những điều thuận lợi cho tín đồ.

Khu quảng trường thứ ba là nơi ở của gia đình Maharaja. Ở đây có hai tòa nhà chính nằm đối diện nhau quanh một khu vườn xây theo lối Mughal. Tòa nhà bên trái mang tên Jai Mandir, dân địa phương gọi là Sheesh Mahal (cung điện Gương). Cái tên kỳ lạ này xuất phát từ hàng trăm bức phù điêu và cửa sổ kính màu trang hoàng cho công trình. Đặc biệt, số kính trên đều được nhập khẩu từ Bỉ. Jai Mandir vốn được xây dựng làm nơi ở cho hoàng tộc vào mùa đông. Một tòa nhà bình thường sẽ thoát nhiệt qua việc bức xạ, nhưng những mẩu kính trên tường ở Jai Mandir sẽ tập trung bức xạ vào trung tâm công trình, giữ cho nơi đây ấm áp ngay cả vào mùa đông.

Đối diện với Jai Mandir là tòa nhà Sukh Niwas, gồm một gian chính và hai cánh phụ. Điểm đặc biệt nhất của Sukh Niwas là những rãnh nước chạy quanh tòa nhà. Khi hè tới, những rãnh nước sẽ giúp cho bên trong Sukh Niwas mát mẻ dưới cái nắng Tây Ấn oi ả.

Cả Jai Mandir và Sukh Niwas đều nhìn ra hồ Maota. Hồ được tạo bởi nước mưa chảy xuống từ những đỉnh đồi xung quanh và cung cấp nước, điều hòa nhiệt độ cho pháo đài Amer. Cứ khoảng 7h tối, bên bờ hồ Maota lại có show trình diễn âm thanh, ánh sáng mà du khách không nên bỏ lỡ.

Khu quảng trường trước thứ tư của pháo đài là nơi đặt hậu cung của các vị Maharaja. Ngôi nhà của hoàng thái hậu và các cung tần được gọi là Zenani Deorhi. Người xưa đã khéo léo xây một dãy nhà chung cư ba tầng, mỗi căn hộ được dành cho một vị cung tần. Các Maharaja đi vào phòng người nào, người khác sẽ không biết. Chưa hết, ở tầng trệt Zenani Deorhi còn có một đường hầm bí mật dẫn lên pháo đài Jaigarh ở đỉnh đồi Cheel ka Teela. Cho dù pháo đài Amer có bị bao vây thì các vị Maharaja và gia quyến có thể chạy thoát nhờ đường hầm.

Ngoài ra, pháo đài Amer còn được bảo vệ bởi một bức tường thành chạy qua những ngọn đồi thuộc dãy Aravalli. Đây là bức trường thành dài thứ ba thế giới chỉ sau trường thành Kumbhalgarh (ở đầu phía tây của dãy Aravalli, Ấn Độ) và Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc. Từ độ cao 500m so với mặt được biển của trường thành Amer, du khách sẽ có cái nhìn toàn cảnh về pháo đài Amer và thành phố cùng tên. Từ pháo đài Amer đến trường thành mất khoảng 20 - 25 phút, vì thế, du khách hãy sắp xếp thời gian để đến nơi đúng lúc mặt trời mọc và chứng kiến khung cảnh ngoạn mục nơi đây.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Pháo đài Amer: Dấu tích của một thời huy hoàng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.