Đoàn công tác liên ngành gồm các cán bộ thanh tra từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Công an vừa phát hiện vi phạm bản quyền phần mềm giá trị hàng tỷ đồng tại ba công ty sản xuất là Công ty cổ phần VS Industry Việt Nam, Công ty cổ phần xi măng Fico - Tây Ninh và Công ty cổ phần đầu tư Thái Bình (Thai Binh Shoes).
Theo biên bản thanh tra của đoàn công tác có xác nhận của các đối tượng bị điều tra, đoàn công tác đã phát hiện ra một loạt các phần mềm bị vi phạm bản quyền của Microsoft cũng như các phần mềm không hợp lệ khác của Lạc Việt, Autodesk, Adobe...
Cán bộ đoàn liên ngành đang tiến hành kiểm tra |
Cụ thể, công ty Cổ phần VS Industry Việt Nam, là công ty cổ phần niêm yết, có trụ sở tại Bắc Ninh chuyên sản xuấtphụ tùng, máy móc nhựa đúc, các bộ phận cho máy in lase, máy in phun, máy fax và điện thoại không dây, Thiết kế, sản xuất và kinh doanh khuôn ép nhựa và các dịch vụ bảo trì để xuất khẩu cho các công ty nổi tiếng như Canon, LG và Panasonic ( Nguồn : website của công ty). Trong quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra đã phát hiện công ty sử dụng các phần mềm lậu có trị giá khoảng 75.000 USD.
Công ty cổ phần xi măng FICO-Tây Ninh là nhà sản xuất các sản phẩm xi măng bao gồm gạch, ngói lợp mái, gạch men, thiết bị vệ sinh, gạch nung v.v xuất khẩu đi các nước như Hoa Kỳ, Pháp, Nga, Australia, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan và Nhật Bản ( Nguồn : Website của công ty). Qua điều tra chi nhánh của công ty tại TP.HCM, đoàn thanh tra đã phát hiện các phần mềm lậu được sử dụng có tổng trị giá khoảng 45.000 USD.
Công ty cổ phần đầu tư Thái Bình (Thái Bình Shoes) là công ty sản xuất giày dép tại tỉnh Bình Dương, chuyên sản xuất sản phầm cho các thương hiệu như Reebok, Skechers, Quik-silver để xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Châu Âu, Mỹ La tinh và Nhật Bản. Trong quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra đã phát hiện công ty sử dụng các phần mềm lậu có trị giá khoảng 60.000 USD.
Trước đó, các thanh tra của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao thuộc Bộ Công An đã báo cáo về việc phát hiện ra các phần mềm vi phạm bản quyền trị giá 10 tỷ đồng đang được sử dụng tại sáu công ty nước ngoài tại Hà Nội vào tháng 10/2013. Đây là một cuộc khám xét trên quy mô lớn các công ty nước ngoài có tiềm lực tài chính vững mạnh đang hoạt động tại nhiều lĩnh vực như kinh doanh giày dép, dược phẩm, phụ kiện may mặc, hàng điện tử…
Các nỗ lực xử lý vi phạm bản quyền được thực hiện nghiêm ngặt kể từ khi Chính phủ công bố mục tiêu cắt giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm xuống còn 70% trong 05 năm tới. Thống kê từ Liên minh phần mềm doanh nghiệp BSA đã chỉ ra với tỷ lệ vi phạm bản quyền hiện nay là 81%, giảm 11% so với tỷ lệ 92% năm 2004, Việt Nam được coi là một trong những quốc gia đấu tranh và giải quyết vấn đề này hiệu quả nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.