Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phần nổi của tảng băng chìm

Tư Đô| 24/07/2014 06:12

(HNM) - Hoạt động của tội phạm buôn lậu đang diễn biến phức tạp, không những không giảm mà còn gia tăng cả về quy mô và tính chất, với nhiều thủ đoạn, phương thức mới.



Chỉ một lực lượng sẽ không ngăn chặn hiệu quả, tuy nhiên, việc phối hợp giữa các ngành chức năng vẫn còn những hạn chế. Việc xây dựng và ký kết quy chế phối hợp giữa CATP và Cục Hải quan được kỳ vọng là bước tiến nhằm đẩy lùi nạn buôn lậu.

Cục trưởng Cục Hải quan TP Hà Nội Nguyễn Văn Trường và Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CA TP Hà Nội ký kết quy chế phối hợp. Ảnh: Đức Tri


Biến ảo khôn lường

Thông thường, mùa hè được coi là mùa giảm nhiệt của các hoạt động buôn bán hàng lậu. Nhưng nay không còn như thế. Hoạt động buôn bán hàng lậu của gian thương và tội phạm ngày càng "biến ảo" và diễn biến phức tạp. Ngày 15-7, lực lượng Quản lý thị trường TP Hà Nội bắt giữ vụ vận chuyển số lượng lớn áo khoác do nước ngoài sản xuất, đã qua sử dụng (bị cấm nhập khẩu), khi kiểm tra xe ô tô tải BKS 30Z-2255. Kiểm đếm, cơ quan chức năng phát hiện trên xe có 14 bao tải, bên trong chứa 760 chiếc áo rét các loại... Vụ việc cho thấy, mùa buôn bán thu đông đã được gian thương chuẩn bị sớm. Tương tự, ngày 11-7, tại địa bàn huyện Phú Xuyên, CSGT - CATP Hà Nội bắt giữ một xe khách chở theo 14 bao tải chứa 400kg pháo lậu. Số pháo này được cho là để chuẩn bị bán lẻ trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Cùng với việc xé lẻ, thay đổi mùa vụ nhập và buôn các loại hàng hóa thông thường, tội phạm và gian thương cũng gia tăng việc nhập khẩu, buôn bán một số loại hàng hóa "đặc chủng" thuộc loại hàng cấm. Như vụ việc ngày 15-7, cơ quan Hải quan phát hiện lô hàng nhập 5 bộ máy phá sóng có tác dụng vô hiệu hóa sóng phát ra từ súng bắn tốc độ của lực lượng CSGT, thuộc danh mục hàng hóa cấm xuất nhập khẩu (ban hành kèm theo Nghị định số 187/2013/NÐ-CP ngày 20-11-2013 của Chính phủ). Cùng ngày 15-7, CA tỉnh Quảng Trị phát hiện vụ mua bán, vận chuyển trái phép hơn 800kg thuốc nổ trên địa bàn huyện Hướng Hóa. Những loại hàng hóa như trên khi xâm nhập thị trường không chỉ gây hại cho nền kinh tế mà còn đe dọa ANTT.

Theo đánh giá của Bộ CA, trên một số tuyến biên giới trên bộ, trên biển, hàng hóa nhập lậu tiếp tục gây sức ép rất lớn lên lực lượng chức năng. Nhiều đường dây buôn lậu có quy mô cực lớn, số tài sản trị giá cả nghìn tỷ đồng. CATP Hà Nội cho biết thêm, 6 tháng đầu năm 2014, tội phạm buôn lậu, buôn bán hàng cấm trên và qua địa bàn gia tăng, thủ đoạn chủ yếu là lợi dụng chính sách phân luồng ưu tiên với hàng hóa nhập khẩu trong thông quan, lợi dụng sơ hở trong quản lý tạm nhập tái xuất. Trên tuyến đường hàng không, các đối tượng tội phạm lợi dụng việc vận chuyển hàng hóa qua đường chuyển phát nhanh, giấu hàng hóa trong hành lý để vận chuyển những hàng hóa cấm như ma túy, tiền chất ma túy, ngà voi, đá quý, sừng tê giác. Chế độ miễn thuế khi nhập cảnh cũng bị lợi dụng để gian thương mang theo những hàng hóa nhỏ gọn, có giá trị cao, nguồn gốc không rõ ràng...

Thiếu sự phối hợp

Điều đáng nói là khi tình hình tội phạm nói chung đều có diễn biến phức tạp, gia tăng về quy mô và tính chất thì tội phạm buôn lậu, buôn bán hàng cấm, tội phạm vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại ít được quan tâm. Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng cũng chưa được đề cập một cách nghiêm túc, xây dựng cơ chế một cách có trách nhiệm. Dường như, đó là lý do khiến cho việc phát hiện, bắt giữ các vụ buôn lậu chỉ mang tính đơn lẻ, vụ việc, không hình thành cao điểm ra quân với quy mô lớn, toàn diện, dẫn đến hiệu quả không cao mà nhiều người gọi là "bắt cóc bỏ đĩa". Số vụ việc được phát hiện, triệt phá chỉ như "phần nổi của tảng băng chìm".

Phó Giám đốc CATP Hà Nội, Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc cho biết: Hệ thống pháp luật, chế độ chính sách quản lý kinh tế của nước ta đang trong quá trình hoàn thiện nên còn nhiều sơ hở, bất cập, thiếu đồng bộ, tạo ra kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng phạm tội. Công tác phối kết hợp giữa các ngành, các cấp có lúc còn thiếu đồng bộ, chặt chẽ nên công tác phát hiện, điều tra, khám phá đối với các loại tội phạm này chưa đạt hiệu quả cao...

Trong bối cảnh đó, CATP Hà Nội và Cục Hải quan thành phố đã liên kết trên mặt trận phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại. Tại Cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài - tuyến đầu trên mặt trận chống buôn lậu ở Hà Nội, thời gian qua, cơ quan Hải quan và CATP đã phát hiện, bắt giữ hàng loạt vụ buôn lậu với những thủ đoạn tinh vi như: vụ lô hàng 167kg ngà voi chứa trong 4 va ly hành lý nhập cảnh vào Việt Nam tháng 9-2013; vụ vận chuyển 3,6kg côcain được ngụy trang, cất giấu kỹ trong những chiếc tất chân của Camacho Sillo Emmanuel (quốc tịch Philippines) bay từ Brasil đến Hà Nội... Gần đây, sự phối hợp giữa CATP và Cục Hải quan đã được cụ thể hóa bằng việc ký kết quy chế phối hợp. Hai lực lượng này sẽ có nhiều hình thức trao đổi thông tin, tài liệu, phối hợp xây dựng các văn bản chung để chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chung. Khi có vấn đề, tình hình liên quan đến công tác quản lý nhà nước về Hải quan, công tác bảo đảm ANCT, TTATXH cần có sự phối hợp thì hai lực lượng sẽ cùng bàn bạc, thống nhất, giải quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phần nổi của tảng băng chìm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.