(HNM) - Với 75,83% thí sinh (TS) đã đăng ký đến dự thi, đợt 1 kỳ thi ĐH, CĐ năm 2010 là đợt thi có tỷ lệ TS dự thi cao nhất. Năm nay cũng là năm số lượng hồ sơ đăng ký dự thi giảm so với nhiều năm trước. Những
Khi đăng ký thi đại học, cao đẳng, nhiều học sinh chưa định hướng rõ khả năng của mình. Ảnh: Bá hoạt |
Không mặn mà với việc học
Năm 2010, khi tỷ lệ tốt nghiệp THPT cao (92,57%), tăng tới 25,87% so với năm 2007 - năm ngành GD-ĐT bắt đầu thực hiện "Hai không", đã có người đặt câu hỏi liệu chất lượng giáo dục có thực sự được nâng lên như đã thể hiện qua những con số? Những gì được phản ánh tại kỳ thi ĐH, CĐ vừa qua càng cho thấy mối băn khoăn ấy là có cơ sở. Đề thi được đánh giá có tính phân hóa để phân loại trình độ nên đã khiến các TS khá vất vả, không ít em xin ra sớm hoặc ngủ vùi chờ hết giờ vì không làm được bài. Theo đánh giá của một số cán bộ quản lý giáo dục, có nhiều HS đăng ký thi 2 trường ĐH, nhưng thực chất chỉ là a dua theo bạn bè hoặc chịu sự "định hướng" của bố mẹ. Nếu có một chọn lựa phù hợp hơn với khả năng, các em sẽ không đi thi ĐH để nhận một phiếu báo điểm chỉ đạt một con số cho 3 bài thi.
Cách đây 2 năm, Bộ GD-ĐT đã đề ra 3 phương án cho số TS trượt tốt nghiệp THPT (học lại để dự thi tốt nghiệp, học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên, học TCCN) song chưa hiệu quả. Lý do chính là bởi những cô, cậu học trò này đều không mấy mặn mà với việc học, trừ một số ít không may mắn khi thi. Thực tế, có HS học tới lớp 12 mà không giải nổi bài toán lớp 10, không nhớ nổi một tác phẩm văn học. Ban giám hiệu một trường THPT vùng ngoại thành mới hợp nhất Hà Nội đến nay vẫn chưa hết lo lắng khi nhận ra trong số 600 HS mới tuyển vào lớp 10 mà không có em nào đạt điểm thi môn toán trên 5, số bài thi ngữ văn có điểm trên 5 chỉ chiếm 7%.
Cũng không để ý tới trường nghề
Chẳng phải ngẫu nhiên mà vấn đề phân luồng HS sau trung học, nhất là ở cấp THCS được nhiều đại biểu quan tâm và chất vấn tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XII. Riêng năm học 2007-2008, tỷ lệ HS tốt nghiệp THCS trên cả nước vào học THPT, bổ túc THPT là khoảng gần 80%, học trong các cơ sở dạy nghề chỉ chiếm 2,5% và TCCN chiếm 1,8%, còn lại 17,5% (tương ứng khoảng 275.000 HS) không tiếp tục học tập. Tỷ lệ theo học nghề và TCCN ở năm học 2006-2007 cũng chỉ chiếm 3,1% và 1,4%.
Ở cấp THPT, theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) Hoàng Ngọc Vinh, khoảng vài ba năm trở lại đây, mỗi năm có khoảng gần 400 nghìn HS chưa tốt nghiệp, bỏ học và cả HS đã tốt nghiệp nhưng không tiếp tục học. Năm 2009, theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, trong gần 10.000 HS chưa tốt nghiệp THPT, chỉ có 2.200 HS vào học TCCN. Đây là một lãng phí lớn về cả kinh phí, thời gian của cả HS và xã hội, mà nguyên nhân là do công tác phân luồng chưa hiệu quả.
Minh chứng cho điều này còn thể hiện rõ ở phổ điểm bài thi của hầu hết địa phương trong nhiều năm trở lại đây đều có hình parabon lệch sang bên trái (số HS có điểm dưới trung bình chiếm quá nửa). Ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, còn tới 28% số bài thi bị điểm dưới trung bình, riêng môn ngoại ngữ là 47%. Tỷ lệ bài thi bị điểm dưới trung bình của hệ giáo dục thường xuyên cũng lên tới 56%, trong đó các môn ngữ văn, vật lý, địa lý đều hơn 60%.
Rõ ràng là, đã có một số lượng không nhỏ HS đang ngồi nhầm chỗ. Thay vì ngồi 3 năm trong trường THPT trong khi khả năng, trình độ học tập hạn chế, các em cần được định hướng để theo học các trường nghề.
Khuyến khích HS chưa tốt nghiệp THPT học TCCN
Để phát triển hệ thống các trường TCCN, đẩy mạnh việc phân luồng HS sau cấp trung học, vài năm nay, Bộ GD-ĐT đã có chính sách khuyến khích HS chưa tốt nghiệp THPT vào học TCCN. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh TCCN của cả nước hằng năm luôn tăng khoảng 10%. Năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh gần 400.000 HS, riêng Hà Nội có 32 trường TCCN với chỉ tiêu hơn 20.000 HS. Năm học 2010-2011, Hà Nội cũng dành hơn 2.000 chỉ tiêu học TCCN cho HS tốt nghiệp THCS. Phương thức tuyển sinh của các trường TCCN là xét tuyển (trừ những ngành đào tạo năng khiếu), tổ chức nhiều đợt tuyển trong một năm học, song chủ yếu là từ nay cho tới tháng 9. HS chưa tốt nghiệp THPT khi được xét tuyển vào học TCCN sẽ được xét công nhận, chuyển đổi kết quả học tập, rèn luyện từ kết quả chung cả năm ở lớp 12 và được miễn trừ không phải học lại, thi lại các môn văn hóa theo yêu cầu của ngành đào tạo TCCN mà HS đang theo học với điều kiện có điểm trung bình môn đạt từ 5,0 trở lên. Sau khi tốt nghiệp TCCN, nếu đủ điều kiện HS có thể học liên thông lên CĐ, ĐH.
Khi các giải pháp để giải quyết tình trạng "ngồi nhầm lớp" chưa hiệu quả, khó thể nói chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT đã đạt mục tiêu thực chất và phân luồng sau trung học vẫn vì thế mà tắc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.