Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phan Kế Toại - Một nhân sĩ yêu nước

VANCHIEN| 07/09/2008 08:44

(HNM) - Trong căn phòng nhỏ ở 72 phố Thợ Nhuộm bộn bề tranh, màu, toan... họa sĩ Phan Kế An cho tôi xem những kỷ vật về người cha thân yêu của mình - nhân sĩ yêu nước Phan Kế Toại. Và tôi thật bất ngờ khi được biết cụ đã từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó trọng trách Ủy viên Hội đồng Quốc phòng tối cao đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (VNDCCH) năm 1948.

Cụ Phan Kế Toại (đeo kính, ngồi hàng bên phải) tại một kỳ họp của Chính phủ.

Nhân sĩ yêu nước

Phan Kế Toại vốn học chữ Nho từ nhỏ, lại được tiếp thu văn minh châu Âu tại Pari từ năm 1911. Con đường quan lại đã được cha ông, Phan Kế Tiến định hướng khi cho sang học trường Hành chính thuộc địa - đào tạo quan lại thuộc địa của Pháp. Tại Pari, Phan Kế Toại đã may mắn được gặp Nguyễn Tất Thành. Và ý tưởng học để giúp dân, cứu nước đã được hình thành từ rất sớm trong những tháng ngày ở trời tây.

Con đường quan lộ hanh thông, làm tri huyện, tri phủ, thương tá, bố chánh rồi tuần phủ, Tổng đốc của tỉnh Hà Tĩnh, Tuyên Quang, Kiến An, Hà Đông, Quảng Yên, Nam Định, Lạng Sơn, Phúc Yên, Bắc Ninh, Thái Bình. Ở đâu, cụ cũng trọng chữ “Liêm chính”, “An dân”, lấy đạo nghĩa nhân làm gốc. Làm quan Khâm sai đại thần của chính phủ Trần Trọng Kim trong buổi giao thời của lịch sử, cụ cũng nhưluật sư Phan Anh, bác sĩ Trần Văn Lai, những trí thức Tây học có lòng yêu nước, thương nòi nhưng vẫn ngộ nhận sức mạnh của cường quốc Nhật Bản “đồng chủng, đồng văn”, có thể giúp ta đánh Pháp và đi theo chủ thuyết dựa vào Nhật để cứu nước. Nhưng cũng may mắn và kỳ diệu thay, chính lòng yêu nước chân chính đã đưa họ đến với cách mạng. Chỉ vài tháng tiếp xúc với phát xít Nhật, cụ đã hiểu ngay thực chất của thuyết Đại đông Á. Vì thế, Cụ không ngăn cản mà còn ngầm ủng hộ con trai là Phan Thế An và nhóm bạn bè của anh đang học Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương hoạt động cho Việt Minh - giấu súng, đạn trên trần nhà mình ở Đường Lâm. Cụ còn cáo ốm, ngồi lỳ Bắc Bộ phủ, không chịu đi hiểu dụ dân chúng nhổ lúa trồng đay, thu thóc cho Nhật. Những cuộc gặp gỡ của đại diện Việt Minh - ông Lê Trọng Nghĩa (lúc đó là cán bộ Xứ ủy) với Trần Trọng Kim ngay tại Phủ Khâm sai đã gieo vào tâm trí cụ nhận thức mới mẻ về sức mạnh của dân tộc, của Việt minh trong thời cuộc thế giới. Sau những cuộc tiếp xúc trên, cụ đã từng nói với Trần Trọng Kim “Thế và lực của Việt Minh rất mạnh” để cụ Trần Trọng Kim suy nghĩ giải pháp bắt tay với Việt Minh đánh Nhật - Pháp.

Ngày 15-8-1945, Nhật hoàng đầu hàng đồng minh không điều kiện thì ngày 16-8-1945, đồng chí Nguyễn Khang, Thường vụ Xứ ủy và Lê Trọng Nghĩa vào Phủ Khâm sai gặp cụ Phan Kế Toại với những đề nghị thiện chí để hợp tác với nhau. Mặc dù chưa đi đến kết quả như ta mong đợi, nhưng cuộc gặp gỡ đã khiến cụ đi đến quyết định dứt khoát: Ủng hộ Việt Minh trong khả năng của mình. Sau nhiều lần đệ đơn xin từ chức, ngày 17-8-1945, triều đình Huế mới có quyết định cho cụ từ chức, cử bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ lên thay - cũng đúng là thời điểm quan trọng khi nhân dân đã vùng lên, sôi sục như trào dâng thác cuốn không gì ngăn cản được. Tiếng hô “Ủng hộ Việt Minh” của dòng người rầm rập từ quảng trường Nhà hát Lớn kéo qua vườn hoa Diên Hồng dội vào Phủ Khâm sai. Rời khỏi Phủ Khâm sai, cụ về tư gia ở Hàng Bột. Đêm ấy, đêm không ngủ của người Hà Nội và tận mắt chứng kiến sự sụp đổ của chế đội cũ mà cụ cũng đã tiên đoán trước từ mùa hè năm 1945. Cụ gói bao tâm tư của người nhân sĩ... trở về quê hương.

Theo Bác Hồ, dốc lòng cho kháng chiến

Trước khi Đường Lâm bị giặc Pháp chiếm đóng, cụ Phan Kế Toại cùng gia đình tản cư lên Thanh Lũng (Sơn Tây). Với tầm nhìn xa, trông rộng và chủ trương thực hiện đoàn kết, phát huy sức mạnh của toàn dân cho cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ, Chủ tịch Hồ Chí Minhđã mời các nhân sĩ, trí thức yêu nước tham gia Mặt trận Liên Việt và bộ máy nhà nước. Năm 1948, nhận được thư tay của Hồ Chủ tịch, Cụ Phan Kế Toại vô cùng cảm kích, đã khăn gói lên đường đến Việt Bắc nhậm chức quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Ủy viên Hội đồng quốc phòng tối caonước VNDCCH. Đến nay, họa sĩ Phan Kế An vẫn lưu giữ được bản sao sắc lệnh số 206 ngày 19-8-1948 của Chủ tịch nước về việc thành lập Hội đồng quốc phòng tối cao do Bác Hồ làm Chủ tịch; ông Lê Văn Hiến làm Phó Chủ tịch; ông Phan Kế Toại - quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ông Phan Anh, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ông Tạ Quang Bửu, Thứ trưởng Bộ Quốc phònglàm ủy viên. Được vị Chủ tịch nước khơi đúng mạch nguồn, với lòng yêu nước, nhiệt huyết với công việc, cụ Phan Kế Toại đã dốc sức cùng Hội đồng quốc phòng nghiên cứu kế hoạch kháng chiến toàn diện để đệ trìnhChính phủ phê duyệt. Họa sĩ Phan Kế An cho biết, ngôi nhà ở Đường Lâm còn rất nhiều ảnh của cụ làm việc trong những năm ở rừng Việt Bắc. Đặc biệt, gia đình còn giữ được bút tíchcủa Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 10-2-1948, trong đó Người chứng nhận cụ Phan Kế Toại, giữ chức quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ và đề nghị: “Các cấp bộ kháng chiến hành chính và quân sự có nhiệm vụ bảo vệ và giúp đỡ cụ Toại về mọi phương diện”.

Trân trọngtài đứcvà tạo mọi điều kiện thuận lợi để cụ tận tụy giúp nước, năm 1952, Bác đã giao cho Ủy ban kháng chiến hành chínhtỉnh Tuyên Quang lo liệu nơi ởmới cho gia đình cụ ở xã Châu Sơn được an toàn, nhưng do hoàn cảnh lúc đó, cụ vẫn ở tại nhà cũ trên Yên Thượng. Năm 1955, trở về thủ đô Hà Nội thân yêu, cụ được giao làm ủy viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, làm việc cùng với các nhân sĩ trí thức Hà Nội như: Cụ Bùi Bằng Đoàn, bác sĩ Trần Văn Lai, bác sĩ Phạm Khắc Quảng... ngày 20-9-1955, cụ được giao trọng trách phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ suốt hai nhiệm kỳ 1955-1958 và 1958-1961.

Phó Thủ tướng Chính phủ Phan Kế Toại đã về với tổ tiên năm 1973, nhưng trong ngôi nhà cổ của dòng họ, con cháu vẫn như thấy hình bóng cụ qua những kỷ vật thân quen. Họa sĩ Phan Kế An lần giở cho tôi xem những giấy tờ đã ố vàng: Chứng minh thư số 104/CMT ngày 31-12-1951 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, ghi rõ cụ Phan Kế Toại là Bộ trưởng Bộ Nội vụ; những bức ảnh quý chụp cùng Bác Hồ và Hội đồng Chính phủ đang họp bàn tại Việt Bắc; một bài văn của cụ Phan thay mặt hội đồng môn tỉnh Sơn Tây tặng cử nhân Nguyễn Duy Thành, đốc học Sơn Tây năm 1886 mà bút tích còn lưu tại nhà thờ họ Nguyễn thôn Cổ Đô... Tất cả những hiện vật ấy đã và vẫn sống trong lòng dân. Dù cụ đã mất từ lâu nhưng người dân Đường Lâm (Sơn Tây) vẫn nhắc về cụ đầy trìu mến, tự hào với cái tên dung dị thường nhật: Cụ Toại.

Phạm Kim Thanh

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phan Kế Toại - Một nhân sĩ yêu nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.