Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phần II:Về những toà cung điện đã được xây dựng trên đỉnh Núi Nùng ở giữa Hoàng thành Thăng Long

TUYETMINH| 12/07/2005 09:16

Toà Thành cổ Hà Nội do triều đại nhà Nguyễn hoàn thành việc xây dựng (theo kiểu thức Vauban) vào năm 1805, lúc đầu, dùng làm trung tâm đầu não của Bắc Thành (tương đương các tỉnh ở Bắc Bộ), về sau, dùng làm trung tâm đầu não của tỉnh Hà Nội (gồm 4 phủ, do vua Nguyễn Minh Mệnh lập từ năm 1831).

Phần II:Về những toà cung điện đã được xây dựng trên đỉnh Núi Nùng (núi Long Đỗ) ở giữa Hoàng thành Thăng Long (“Thành cổ Hà Nội”)

Toà Thành cổ Hà Nội do triều đại nhà Nguyễn hoàn thành việc xây dựng (theo kiểu thức Vauban) vào năm 1805, lúc đầu, dùng làm trung tâm đầu não của Bắc Thành (tương đương các tỉnh ở Bắc Bộ), về sau, dùng làm trung tâm đầu não của tỉnh Hà Nội (gồm 4 phủ, do vua Nguyễn Minh Mệnh lập từ năm 1831). Thành cổ Hà Nội xây co lại một chút, trên nền Hoàng thành Thăng Long ở các thời trước đấy.

Cả Hoàng thành Thăng Long (khởi dựng bởi vua Lý Thái Tổ, năm 1010) lẫn Thành cổ Hà Nội đều dựa vào và ở quanh một tiêu điểm có chung, và có tên gọi phổ thông là “Núi Nùng” (Nùng, nghĩa là: tươi tốt - phồn thịnh).

Đây vốn là một cao điểm, nổi bật trên doi đất bồi ở ven một dòng sông cổ bây giờ, gọi là sông Tô Lịch. Dòng sông huyết mạch này của đất Hà Nội thời cổ đại và trung cổ, từ buổi còn chưa có tên (hay đúng hơn: chưa ai biết khi ấy tên là gì) thì đã có cao điểm bên sông này rồi. Bấy giờ là thời gian đầu Công nguyên. Chỉ có một điểm tụ cư nguyên sơ, được một số nhà nghiên cứu hiện đại gọi bằng thuật ngữ “làng - Hà Nội - gốc”. Còn ký ức dân gian thì gọi đấy là “hương Long Đỗ” (nghĩa là: “làng Rốn Rồng”).

Lý Thái Tổ định đô Thăng Long đầu tiên vào năm 1010. Hoàng thành Thăng Long do nhà vua khởi dựng, chọn Núi Nùng (Long Đỗ) làm tiêu điểm. Các triều đại tiếp sau, từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIX, không thay đổi tình hình này. Chính vì thế mà suốt trong thiên niên kỷ II sau Công nguyên, tất cả các toà cung điện quan trọng nhất của tất cả các vương triều đều được xây dựng ở đây: trên Núi Nùng (Long Đỗ). Lần lượt theo thời gian trước sau, (toà chính điện ở thời gian sau, xây đúng vào chỗ để thay thế toà chính điện trước) có thể kể ra ba công trình xây dựng quan trọng nhất, mang các tên được sử cũ ghi chép là: Càn Nguyên, Thiên An, và Kính Thiên.

- Chính điện Càn Nguyên trên Núi Nùng (Long Đỗ): được xây dựng đầu tiên trên núi Nùng. Càn Nguyên có nghĩa là “Khởi nguồn của muôn vật”.
Đây là toà chính điện được vua Lý Thái Tổ cho xây dựng ngay vào năm đầu định đô Thăng Long: 1010.
Nó nằm trong một quần thể kiến trúc cung đình gồm 8 điện và 4 cung, cũng được xây dựng vào năm ấy. Việc xây dựng bắt đầu được chép vào sử là từ mùa thu tháng 7 (âm lịch), và được hoàn tất vào tháng chạp (âm lịch) cuối năm, khi sử cũ chép rằng một đơn nguyên trong quần thể kiến trúc ấy, là cung Thuý Hoa (nơi ở của các cung nữ), được làm lễ khánh thành.

Với vị trí trung tâm này, nó là một toà chính điện nằm chính giữa các điện và cung khác, là trung tâm của cấu trúc và sự khởi đầu của muôn vật.

Toà chính điện Càn Nguyên ở trên Núi Nùng (Long Đỗ) có vị trí, chức năng, và ý nghĩa quan trọng là thế, nhưng lại chỉ có tuổi thọ bằng và trùng với đời trị vì của vua Lý Thái Tổ là 19 năm! Nó đã bị phá huỷ hoàn toàn vào tháng 2 (âm lịch) năm 1028, trong và nhân sự biến “Loạn Tam Vương” (ba người có vương tước, tranh giành ngôi báu với thái tử kế vị) ngay sau khi vua Lý Thái Tổ băng hà.
- Thiên An là toà chính điện thứ hai được xây dựng trên Núi Nùng (Long Đỗ), để thay thế toà chính điện Càn Nguyên, từ tháng 6 (âm lịch) năm 1029.

Thiên An có nghĩa là sự yên ổn từ trời.
Vậy là, đúng vào chỗ của chính điện Càn Nguyên khi trước, nhưng có nhắm lại phương hướng, và đặc biệt mở rộng quy mô, từ tháng 6 (âm lịch) năm1029,ở đầu đời trị vì của vua Lý Thái Tông, đó là chính điện Thiên An.

Suốt đời trị vì của vua Lý Thái Tông (1029- 1053) cũng như suốt thời kỳ lịch sử của triều đại nhà Lý sau đấy (1054 – 1225), ở trên Núi Nùng (Long Đỗ), Thiên An tiếp tục và thay Càn Nguyên khi trước, giữ vai trò thường xuyên và chủ yếu của một toà chính điện: là nơi vua “coi chầu” (“thiết Đại triều”) bàn định việc quốc gia cùng các quan đại thần.

Sang đến đời vua Lý Nhân Tông, thì: “Mùa hạ, tháng 4, mồng 8, (năm 1072) vua xem lễ tắm Phật (rồi) bắt đầu ngự điện Thiên An, coi chầu”; hoặc: “Mùa xuân (năm 1077) mở hội Nhân Vương (theo nghi thức Phật giáo) ở điện Thiên An”; “Tháng tám, ngày mồng một (năm 1123) vua ngự điện Thiên An, ban áo mùa thu cho các quan”…

Vào cuối đời vua Lý Nhân Tông, đầu đời vua Lý Thần Tông, điện Thiên An được xây dựng cao trên Núi Nùng (Long Đỗ), vẫn giữ vai trò của một toà chính điện. Đó là nơi nhà Trần thường tổ chức những trận đấu voi hào hùng, và trọng thể, duyệt đội quân cấm vệ, còn vua thì ngự cao trên điện Thiên An mà xem

Chính điện Thiên An mấy phen chung số phận bị đốt phá trong những cơn binh hoả . Nhưng chắc chắn là vào hồi đầu thế kỷ XV, khi quân Minh chiếm đóng hơn 20 năm (1407 – 1428) vùng Kinh đô nước Việt mà họ gọi bằng cái tên Đông Quan (cửa cổng phía Đông) này, thì đây chính là lúc mà chính điện Thiên An – cũng như nhiều kiến trúc cung đình khác - bị huỷ diệt. Vì từ đây, không thấy sử sách nhắc đến tên Thiên An với tư cách là một toà chính điện ở trên Núi Nùng (Long Đỗ) nữa. Mà, thay vào đây, là: chính điện Kính Thiên.

- Kính Thiên nghĩa là “thờ trời”. Tên gọi này, bắt đầu được dùng để – như các tên Càn Nguyên, Thiên An – mệnh danh cho toà chính điện xây dựng trên Núi Nùng (Long Đỗ), là vào và từ năm1428. Tháng tư năm 1428 (âm lịch) vua Lê Thái Tổ mới “từ điện tranh ở Bồ Đề (bên kia sông) vào đóng ở (trong) thành” – như lời sử cũ chép – và rất bận nhiều việc khẩn cấp, cho nên đến tháng chạp cuối năm, mới bắt tay xây dựng toà chính điện giữa Hoàng thành của mình và đặt tên là Kính Thiên được.

Ở tất cả các tấm bản đồ cổ hồi thế kỷ XVII – XVIII, vẽ lại tấm bản đồ thời Hồng Đức (thế kỷ XV), thì đều thấy vẽ hình và ghi rõ 3 chữ “điện Kính Thiên”, ở vị trí mà ngày nay, đang thấy còn di tích Núi Nùng, giữa “Thành cổ Hà Nội”.

Toà chính điện Kính Thiên này, đến và vào năm 1465, tháng 3 (âm lịch), lại thấy được ghi vào chính sử thời Lê, bằng 4 chữ “Xây điện Kính Thiên”. Sau 37 năm sử dụng (từ năm 1428). Và đến năm 1467, tháng 8, ngày Rằm (âm lịch), thì dựng lan can bằng đá ở điện Kính Thiên. Kết quả của việc “dựng lan can bằng đá” này, chính là 4 tượng rồng đá, bò trườn từ đỉnh Núi Nùng (Long Đỗ) – chỗ xây dựng điện Kính Thiên – xuống sân rồng (“Long Trì”) ở trước mặt, dưới thấp (thời Lê, đổi gọi Long Trì - thềm rồng, thành Đan Trì - thềm đỏ), chia 9 bậc thềm (cửu trùng) lên xuống, thành 3 khoang – khoang giữa là bậc thềm chính, có 2 rồng đá tạc theo phong cách “hiện thực” đánh đai (“lan can”) hai bên – mà ngày nay vẫn còn thấy.
Kiến trúc “lan can bằng đá” này, được ghi vào chính sử ngay ở thời Lê, kèm ngay (nằm trong cấu trúc) câu chữ “ở điện Kính Thiên “ của chính sử.

Chính là từ đây mà thấy thêm và cụ thể một công năng (chức năng) nữa của chính điện Kính Thiên – ngoài việc là nơi “coi chầu” - được triều đình nhà Lê (thế kỷ XV – XVIII) rất coi trọng, đặc biệt là ở thời trị vì của vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497). Vị hoàng đế nổi tiếng văn hiến thi thư này, ở các khoa thi Đình – xét duyệt và xếp hạng các tiến sĩ - vào các năm: 1466 (ngày 12 tháng Ba âm lịch), 1469 (ngày 26 tháng Hai nhuận), 1475 (ngày 11 tháng Năm âm lịch), 1481 (ngày 27 tháng Tư âm lịch), 1496 (ngày 19 tháng Ba âm lịch)…đều ngự giá đến điện Kính Thiên để từ đấy mà thân ra đề thi (thường là hỏi về “đạo trị nước”) để những hương cống đã qua được kỳ thi Hội, tụ tập ở sân Đan Trì, làm bài “văn sách” (“Đối Đình sách”) trả lời, mà lấy đỗ và xếp hạng Tiến sĩ.

Chính điện Kính Thiên trên Núi Nùng, trung tâm triều chính và triều nghi – cả là nơi sinh hoạt văn hoá - trọng đại của thời Lê (bao gồm cả “Lê sơ” – thế kỷ XV, “Mạc” – thế kỷ XVI, “Lê Trung Hưng” (“Hậu Lê”) – thế kỷ XVII – XVIII, “Tây Sơn” – cuối thế kỷ XVIII, vậy là có 4 thế kỷ tồn tại và vận hành, đúng với tư cách của một toà chính điện.

Buổi sinh hoạt quan trọng và trọng thể cuối cùng của và ở toà chính điện này, diễn ra vào ngày Rằm tháng Bảy (âm lịch) năm 1786. ấy là, ngay sau khi thủ lĩnh nghĩa quân Tây Sơn Nguyễn Huệ diệt tan thế lực của chúa Trịnh, làm chủ Thăng Long “đã vào triều yết (vua Lê Hiển Tông trong Hoàng cung), xin định ngày cử hành nghi lễ đại triều, dâng sổ sách binh và dân, để tỏ rõ ý nghĩa nhà vua nhất thống, và Nguyễn Huệ tôn phò. Vua (Lê Hiển Tông già, ốm) cố gượng dậy, ra ngự điện Kính Thiên nhận lễ, rồi ban hành chiếu thư về việc nhất thống, để báo cáo cho trong Kinh ngoài trấn biết. Lại phong (Nguyễn) Văn Huệ làm nguyên soái phù chính dực vận uy quốc công…” - đấy là lời sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”.

Có thể xem như đây là hình ảnh huy hoàng cuối cùng của toà chính điện Kính Thiên trên Núi Nùng (Long Đỗ).

Bởi vì sau đấy, sang đầu thế kỷ XIX, hoàng đế đầu triều Nguyễn là Gia Long đã di dời Kinh đô vào Phú Xuân (Huế). Hoàng thành Thăng Long thời nhà Lê, bị giáng cấp, cả về mặt vật thể lẫn tinh thần, để, trên nền cũ của nó, xây “co” lại, thành ra toà “Thành cổ Hà Nội”. Trong bối cảnh đó, chính điện Kính Thiên cũng bị phế bỏ, chuyển hoá (hoá thân) cả về hình thể lẫn nguyên vật liệu xây dựng, góp phần làm nên toà chính điện Thái Hoà, ở trong Đại Nội Huế.

Ở vị trí của chính điện Kính Thiên thời Lê trên Núi Nùng, triều đình nhà Nguyễn cho xây dựng một công trình kiến trúc của triều đại mình, cũng bảo lưu tên gọi Kính Thiên, nhưng không phải là chính điện, mà là hành cung, dành cho các vua nhà Nguyễn, mỗi khi “ngự giá Bắc tuần” (đi làm việc ở phía Bắc) thì ở tạm, trên hành trình (“hành cung”) của mình.

Hành cung Kính Thiên của triều Nguyễn, xuất hiện khiêm tốn, u hoài trên Núi Nùng (Long Đỗ) ở chính giữa “Thành cổ Hà Nội”. Nhưng ngay cả khi được so sánh với số phận toà thành xây theo kiểu Vauban này – bị người Pháp hoàn thành việc san phẳng vào năm 1897 – thì hành cung Kính Thiên cũng có kiếp sống còn ngắn ngủi hơn. Nó đã bị phá huỷ vào năm 1886, để thay vào đấy là “Sở chỉ huy pháo binh” của quân đội Pháp chiếm đóng, rồi sau đó, hoá thân thành “Nhà Con Rồng”, do Quân đội Nhân dân Việt Nam sử dụng, cho đến năm 2004 – như đang thấy bây giờ.

(Còn nữa)

HNMĐT

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phần II:Về những toà cung điện đã được xây dựng trên đỉnh Núi Nùng ở giữa Hoàng thành Thăng Long

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.