(HNMO) - Ngày 24-10, tại Hà Nội, Bộ Công Thương làm việc với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và 31 doanh nghiệp đầu mối nhằm đánh giá tổng nguồn xăng, dầu tối thiểu 9 tháng năm 2022; phân giao tổng nguồn xăng, dầu tối thiểu quý IV-2022.
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), tổng nguồn xăng, dầu tối thiểu năm 2022 được Bộ Công Thương giao cho 36 thương nhân đầu mối là 20.722.039m3. Bộ Công Thương đã giao sản lượng nhập khẩu xăng, dầu tăng thêm trong quý II-2022 để bù đắp sản lượng thiếu hụt trong nước là 2,4 triệu m3.
Theo báo cáo tổng hợp từ các thương nhân đầu mối, tổng nguồn xăng, dầu trong 9 tháng năm 2022 đạt khoảng 17.238.335m3/tấn.
Đối với mặt hàng chủ đạo là xăng và diesel, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đạt 99,6% chỉ tiêu được giao đối với xăng, 95,9% đối với diesel; Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP đạt 100,3% đối với xăng, 83,4% đối với diesel; Công ty TNHH một thành viên Dầu khí thành phố Hồ Chí Minh đạt 93,2% đối với xăng, 167,0% đối với diesel…
Tuy nhiên, vẫn còn một số thương nhân không thực hiện tổng nguồn tối thiểu được giao là Công ty TNHH Sản xuất - thương mại Hưng Phát; Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH một thành viên; Công ty cổ phần Nhiên liệu Phúc Lâm (mặt hàng diesel); Công ty TNHH Xăng dầu Giang Nam; Công ty TNHH Trung Linh Phát (mặt hàng xăng); Công ty cổ phần Phúc Lộc Ninh.
Để bảo đảm nguồn cung xăng, dầu trong quý IV-2022, Bộ Công Thương dự kiến phân giao tổng nguồn xăng tối thiểu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh là 2.248.066m3 (bình quân 749.355m3/tháng); tổng nguồn diesel tối thiểu là 3.133.149m3 (bình quân 1.044.383m3/tháng); dầu mazut là 110.497 tấn (bình quân 36.832 tấn/tháng); dầu hỏa 8.287m3 (bình quân 2.762m3/tháng). Tổng cộng, lượng xăng, dầu tối thiểu là 5,5 triệu m3/tấn...
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nêu, chi phí đưa xăng, dầu từ nhà máy về cảng và premium trong nước, đáng lẽ phải được áp dụng từ ngày 11-7, nhưng đến 11-10 mới được áp dụng, chậm đến 3 tháng. Do đó, trong quý III-2022, các doanh nghiệp lấy hàng trong nước thiếu tới 600 đồng/lít xăng.
Cùng với đó là chi phí nhập khẩu dù đã được điều chỉnh nhưng vừa qua lại biến động, tăng cao, nên doanh nghiệp lỗ trong quý III-2022 hơn 2 nghìn tỷ đồng.
Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam kiến nghị, Bộ Công Thương có giải pháp triệt tiêu chênh lệch giữa chi phí tạo nguồn nhập khẩu với trong nước theo cách thức lấy Quỹ bình ổn để bù trực tiếp; thống nhất với Bộ Tài chính rà soát các chi phí 3 tháng/lần thay vì 6 tháng/lần.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, xăng, dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện và là vật tư chiến lược. Do vậy, các doanh nghiệp, cơ quan chức năng phải nỗ lực bảo đảm nguồn cung trong mọi tình huống.
Sau khi ghi nhận kiến nghị của doanh nghiệp, Bộ trưởng cũng đề nghị, các doanh nghiệp sản xuất áp dụng quy định để kế hoạch sản xuất và kế hoạch phân phối ăn khớp. Các doanh nghiệp đầu mối khẩn trương lên kế hoạch sản xuất, nhập khẩu, hợp đồng mua bán cụ thể, chi tiết cho từng tuần, từng tháng, quý và cả năm theo kế hoạch phân giao của Bộ…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.