(HNM) - Dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, từ đó tác động đến thu ngân sách nhà nước do ngành Thuế quản lý. Trong 7 tháng năm 2020, thu thuế trên địa bàn cả nước chỉ bằng 53,1% dự toán pháp lệnh. Nhiệm vụ thu ngân sách càng trở nên nặng nề khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Vì vậy, từ nay đến cuối năm, ngành Thuế triển khai nhiều giải pháp nhằm phấn đấu thu ngân sách ở mức cao nhất.
Thu ngân sách đạt mức thấp
Theo số liệu của Tổng cục Thuế, thu ngân sách nhà nước 7 tháng năm 2020 do cơ quan thuế quản lý ước đạt 666.080 tỷ đồng, bằng 53,1% so với dự toán pháp lệnh, bằng 91,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Thuế Nguyễn Đức Huy đánh giá, kết quả thu ngân sách nhà nước do cơ quan thuế quản lý 7 tháng năm 2020 đạt thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm trước. Chẳng hạn, số thu 7 tháng năm 2019 đạt 57% dự toán cả năm, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước; năm 2018 tỷ lệ tương ứng là 56,7%, tăng 16,2%...
“Đặc biệt, diễn biến thu qua các tháng giảm dần và giảm mạnh từ tháng 4. Tiến độ thu tập trung tại một số khoản có nguồn phát sinh từ năm 2019 nhưng theo quy định doanh nghiệp kê khai, nộp thuế trong những tháng đầu năm 2020”, ông Nguyễn Đức Huy thông tin.
Một trong những nguyên nhân chính khiến số thu của ngành Thuế sụt giảm là nền kinh tế chịu tác động lớn của dịch Covid-19. Hoạt động sản xuất, kinh doanh đình trệ, sức mua của thị trường giảm sút. Từ tháng 5-2020, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, nền kinh tế đã từng bước phục hồi nhưng còn rất chậm.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thu nội địa giảm 10,6%, thu về dầu thô giảm 32,6% so với cùng kỳ năm 2019. Chỉ có 6/12 khoản thu nội địa bảo đảm tiến độ dự toán (đạt trên 58%), nhưng chủ yếu là khoản thu nhỏ hoặc tiền sử dụng đất. 6 khoản thu còn lại không bảo đảm tiến độ dự toán và giảm mạnh. Trong đó, thu từ doanh nghiệp nhà nước giảm 21%, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 12,6%, thu từ kinh tế ngoài quốc doanh giảm 20,5%... so với 7 tháng năm 2019.
Dưới góc độ một chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong nhìn nhận, dịch bệnh tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nên dĩ nhiên thu ngân sách bị ảnh hưởng. Song đáng ngại là thu ngân sách những tháng cuối năm cũng vẫn còn rất nhiều khó khăn và là nhiệm vụ nặng nề với ngành Thuế. “Trong khi doanh nghiệp chưa thể phục hồi thì từ cuối tháng 7-2020 lại xuất hiện những ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng. Mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương có phản ứng tức thời, nhưng rõ ràng diễn biến này sẽ tác động đến hoạt động của doanh nghiệp và nền kinh tế”, ông Nguyễn Minh Phong phân tích.
Rà soát nguồn thu còn dư địa
Chia sẻ về nhiệm vụ thu ngân sách những tháng tới, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, Tổng cục tiếp tục theo dõi tiến độ thu, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng khu vực; đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến từng ngành, lĩnh vực để tập trung hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, giúp người nộp thuế ổn định sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước.
“Bên cạnh việc “nuôi dưỡng” nguồn thu, chúng tôi tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm 100% tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh đều được quản lý và kê khai thuế. Đặc biệt, các cơ quan thuế sẽ rà soát những nguồn thu còn dư địa, còn tiềm năng để khai thác tăng thu, bù đắp số hụt thu ngân sách nhà nước do dịch Covid-19”, ông Đặng Ngọc Minh thông tin.
Ở góc độ địa phương, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn cho biết, Cục đưa ra nhiều giải pháp như: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh; tăng cường giám sát, đôn đốc thu từ thương mại điện tử, viễn thông, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng dự án hoặc chuyển nhượng bất động sản; tập trung chống thất thu thuế đối với các cá nhân kinh doanh trực tuyến, có thu nhập từ hoạt động nội dung số… Đồng thời, Cục tiếp tục đẩy mạnh thu hồi nợ đọng thuế, nghĩa vụ tài chính từ đất để bù đắp cho các khoản hụt thu.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đề xuất, giải pháp của ngành Thuế lúc này là tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; tuyên truyền những doanh nghiệp vẫn hoạt động tốt thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cũng nhìn nhận, nhiệm vụ của ngành Thuế rất nặng nề. Tuy nhiên, toàn ngành sẽ phấn đấu thực hiện thu ngân sách nhà nước cao nhất có thể, hoàn thành dự toán được giao.
“Để đạt được mục tiêu này, các cơ quan thuế phải nắm chắc đối tượng nộp thuế, nắm chắc nguồn thu, thực hiện thu đúng, thu đủ theo quy định của pháp luật; tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các biện pháp khai thác triệt để các nguồn thu để bù vào phần thiếu hụt đi đôi với triển khai hiệu quả Đề án mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn nguồn thu ngân sách nhà nước”, Thứ trưởng Trần Xuân Hà nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.