Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phân cấp, phân quyền mạnh gắn với kiểm tra, giám sát hợp đồng dầu khí

Mai Hữu| 15/06/2022 12:45

(HNMO) - Sáng 15-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).

Đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn Thái Bình) phát biểu.

Làm rõ các quy định đấu thầu, đầu tư dầu khí

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) cho rằng, dầu khí là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá và nếu xét về vai trò trong phát triển kinh tế, tài nguyên dầu khí đứng thứ hai, sau đất đai, những đóng góp của ngành dầu khí thời gian qua là rất đáng trân trọng.

Về định hướng sửa đổi dự thảo Luật này, đại biểu cho rằng, một trong những định hướng sửa đổi quan trọng là cần hình thành cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư nước ngoài. Đây là định hướng hoàn toàn đúng đắn nhưng cũng cần đề cao tính thận trọng bởi trên thực tế, dầu khí là nguồn tài nguyên không tái tạo và trong những năm qua, giá dầu khí luôn tăng cao. 

Đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn Thái Bình) cho rằng các chính sách ưu đãi đối với hoạt động dầu khí trong dự thảo Luật hiện nay chỉ dừng lại ở thiết kế mức ưu đãi hơn về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế suất thuế xuất khẩu. Thực tế, còn nhiều chính sách ưu đãi khác có thể nghiên cứu để xem xét nhằm đa dạng hóa các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư nước ngoài như cơ chế giảm trừ chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; hay giảm trừ thuế dựa trên chi phí… "Những chính sách này vừa tạo ra ưu đãi cho nhà đầu tư, đồng thời thúc đẩy các nhà đầu tư đầu tư vào một số những hoạt động mà nước chủ nhà mong muốn”, đại biểu nói.

Đại biểu Phạm Đức Ấn (Đoàn Hà Nội) phát biểu.

Đối với quy định tổ chức lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng dầu khí, đại biểu Phạm Đức Ấn (Đoàn Hà Nội) đề nghị sửa đổi, quy định Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có trách nhiệm lập kế hoạch, lựa chọn nhà thầu báo cáo Bộ Công Thương thẩm định trình Chính phủ phê duyệt. Đại biểu phân tích, trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu sẽ phải có đề xuất lựa chọn hình thức nào: Đấu thầu chào hàng cạnh tranh; đấu thầu rộng rãi; chỉ định thầu hoặc phương án đặc biệt.

“Quy định như vậy vừa bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với quy định của Luật Đấu thầu nhưng cũng không ảnh hưởng đến hoạt động đặc thù của lĩnh vực dầu khí”, đại biểu nói.

Về việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ dầu khí phục vụ hoạt động dầu khí, đại biểu Đào Hồng Vận (Đoàn Hưng Yên) đề nghị bổ sung quy định cụ thể về việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho hoạt động dầu khí. “Quy định này là cần thiết để bảo đảm tính khả thi trong quá trình lựa chọn nhà thầu”, đại biểu phân tích.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Thái Nguyên) thảo luận.

Tránh chồng chéo với các luật khác

Về áp dụng Luật Dầu khí và các luật liên quan, pháp luật nước ngoài, thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế, các đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Thái Nguyên), Cầm Thị Mẫn (Đoàn Thanh Hóa) cho biết, quy định tại dự thảo Luật chưa giải quyết được xung đột, chồng chéo trong quá trình áp dụng Luật dầu khí với các luật khác có liên quan như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước. Do vậy, đại biểu đề nghị cần xem xét, quy định rõ trong dự thảo Luật nguyên tắc áp dụng Luật dầu khí theo hướng hạn chế tối đa việc dẫn chiếu các quy định pháp luật tại luật khác để bảo đảm tính khả thi, rõ ràng và thống nhất trong quá trình thực hiện.

“Đồng thời, quy định rõ phải áp dụng pháp luật dầu khí để thực hiện các nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Dầu khí như hoạt động dầu khí, điều tra cơ bản về dầu khí và dự án dầu khí theo chuỗi đồng bộ. Việc điều chỉnh áp dụng các luật khác liên quan đến hoạt động trung, hạ nguồn cũng phải được quy định rõ ràng trong dự thảo luật để tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột với các luật dẫn đến việc không áp dụng được trên thực tế khi triển khai dự án dầu khí”, đại biểu Nguyễn Lâm Thành nói.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An.

Giải trình, tiếp thu vấn đề đại biểu quan tâm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, về phạm vi điều chỉnh của dự án luật, các hoạt động dầu khí trung và hạ nguồn bao gồm vận chuyển và xử lý, chế biến dầu khí hiện nay đang được điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật có liên quan như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai; trong quá trình triển khai cơ bản không gặp vướng mắc nên không cần quy định trong luật chuyên ngành. Về hợp đồng dầu khí, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo thiết kế theo tinh thần phân cấp, phân quyền mạnh gắn với kiểm tra, giám sát.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận phiên thảo luận.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết đã có 23 ý kiến phát biểu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phát biểu để hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phân cấp, phân quyền mạnh gắn với kiểm tra, giám sát hợp đồng dầu khí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.