Kiến nghị phương tiện đường thủy phía thượng lưu chỉ được hoạt động cách cầu phao 1,5km (HNM) - Mới bước vào mùa lũ, nhưng chỉ trong 9 ngày, từ 22 đến 31-7, cầu phao bắc qua sông Đuống đã hai lần bị phương tiện thủy mất điều khiển đâm vào...
Cầu phao Đuống đã được duy trì ổn định. Ảnh: Đức Thuật
- Ông có thể cho biết nguyên nhân dẫn đến việc các phương tiện thủy liên tục đâm vào cầu phao Đuống gây hư hại nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến giao thông trong khu vực?
- Hai vụ tàu chở hàng đâm vào cầu phao sông Đuống là do các chủ phương tiện hoạt động trên phía thượng lưu cầu chưa tuân thủ nghiêm túc quy định là không hoạt động từ 5h đến 22h hằng ngày. Vào mùa lũ, lưu tốc dòng nước tại khu vực cầu Đuống lớn, trong khi bến và các phương tiện chở nặng hoạt động ở phía thượng lưu quá gần cầu phao (chỉ cách khoảng 150m). Khi phương tiện mất lái, cộng với sức nước đẩy mạnh thì không kịp xử lý, khống chế dẫn đến va chạm với cầu.
- Sau hai lần va chạm nói trên, cầu phao có bị ảnh hưởng nhiều không và chất lượng cầu có bảo đảm sau này?
- Các vụ va chạm, đặc biệt là vụ việc xảy ra vào ngày 31-7 đã gây hư hỏng nặng cầu phao. Giao thông tại khu vực cũng bị đình trệ. Cầu phao được lắp đặt từ các đốt, ghép với nhau bằng hệ thống khóa, khi bị tàu đâm vào với lực va chạm mạnh thì không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến vị trí bị đâm mà con gián tiếp ảnh hưởng đến các vị trí khác. Cụ thể, nhiều khóa sẽ bị vặn xoắn, gãy; đốt phao bị móp méo, thủng, độ chính xác giảm đi, khi lắp ghép gặp nhiều khó khăn. Để đánh giá, khẳng định chính xác hư hại sẽ phải kiểm tra kỹ lưỡng. Những đốt hư hỏng sẽ được sửa chữa, có đốt phải sửa chữa lớn, nhưng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ và quá trình sử dụng sau này.
- Đoàn công binh H49 đã có biện pháp gì để ngăn chặn các vụ việc tương tự có thể xảy ra? Theo ông, đâu là giải pháp nhằm xử lý tận gốc vấn đề?
- Đoàn H49 đã phối hợp với lực lượng chức năng như Cảnh sát giao thông đường thủy, Thanh tra giao thông đường thủy, Đoạn Quản lý đường sông số 6 tăng cường nhắc nhở, kiểm tra chủ phương tiện hoạt động ở khu vực thượng lưu cầu. Đơn vị đã tổ chức cảnh giới từ xa, huấn luyện giải pháp khẩn cấp. Biện pháp cắt cầu chỉ là giải pháp tình thế, bị động. Trong hai vụ va chạm vừa qua, khi phát hiện tàu trôi tự do, cũng chỉ đủ thời gian giải phóng phương tiện lên khỏi cầu phao để tránh thiệt hại về người, tài sản của nhân dân. Để xử lý tận gốc vấn đề, đề nghị các cơ quan chức năng, UBND thành phố ra quyết định dừng hoạt động các phương tiện thủy phía thượng lưu cầu tối thiểu trong phạm vi từ 1,5km trở lên trong thời gian từ 5h đến 22h hằng ngày. Ngoài ra cũng đề nghị lực lượng cứu hộ ở phía thượng lưu cầu Đuống có phương tiện ứng trực, phát hiện kịp thời, hỗ trợ lai dắt phương tiện thủy bị mất lái, trôi tự do. Được biết, khoảng một tháng nữa mới sửa chữa xong cầu Đuống và với điều kiện hiện tại, chúng tôi sẽ phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm giao thông theo chỉ thị của cấp trên.
- Các chủ phương tiện thủy gây ra va chạm, làm hỏng khí tài quân sự sẽ bị xử lý thế nào, thưa ông?
- Hiện nay, các cơ quan chức năng đã lập hồ sơ ban đầu để giải quyết. Chủ phương tiện chắc chắn phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả. Tùy thuộc vào hậu quả gây ra, các cơ quan chức năng sẽ đề xuất hình thức xử lý cụ thể. Về phía Đoàn H49, chúng tôi kiến nghị xử lý nghiêm trước pháp luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.