(HNMO) - Dư luận đang có những ý kiến cho rằng tuyến buýt nhanh BRT đầu tiên của Hà Nội có tổng mức đầu tư lên tới 55 triệu USD nhưng chỉ rút ngắn thời gian di chuyển từ 5-10 phút so với buýt thường là không hiệu quả, thậm chí lãng phí.
Để làm rõ vấn đề này, ngày 20-12, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội (Sở GT-VT Hà Nội).
Ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng việc so sánh con số 55 triệu USD với 5 hay 10 phút là không phù hợp. Tuyến BRT được bố trí trên tuyến Kim Mã - Yên Nghĩa là tuyến hành lang có mật độ giao thông rất cao. Do đó, thách thức đầu tiên đối với các cơ quan chức năng để loại hình này hoạt động được thông suốt là phải giảm thiểu được các xung đột giao thông thì mới tăng được tốc độ và giảm thời gian vận hành trên tuyến. Hiện giải pháp kỹ thuật đã được tổ chức theo hướng như vậy. Cụ thể là trên tuyến bố trí những làn đường ưu tiên, các nút giao thông được bố trí nút pha đèn phù hợp.
Các nút giao cắt và các điểm quay đầu cũng được xử lý phù hợp để giảm thiểu xung đột. Cùng với đó là sự hỗ trợ của các lực lượng chức năng như Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông để tạo ưu thế cho BRT vận hành. Nhờ các yếu tố tổng hòa nói trên, kể cả trong những điều kiện xảy ra rủi ro thì tốc độ của xe buýt BRT vẫn cao hơn và thời gian vận hành trên tuyến của BRT vẫn ngắn hơn so với xe buýt thường. Trong quá trình vận hành, không loại trừ có thể phát sinh các tình huống phức tạp, song vấn đề đặt ra là chúng ta ứng phó với những tình huống đó ra làm sao trên cơ sở thiết kế kỹ thuật và phương án đã có.
Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Hải, 55 triệu USD hay 5-10 phút đều phải được tính toán để mang lại hiệu quả đến mức nào cho xã hội và giải bài toán giao thông một trong những tuyến đường ùn tắc nhất của Thủ đô. Chúng ta phải đầu tư nguồn lực và giải pháp để giải quyết những chỗ đang có vấn đề. Phương tiện chúng ta đang tăng như thế, ùn tắc tăng như thế, nếu vấn đề này còn tồn tại thì sẽ không thể đo đếm hết những thiệt hại. Chúng tôi đang kỳ vọng sẽ nâng được tốc độ vận hành thêm nữa, nhưng muốn làm được điều đó phải giảm được áp lực giao thông trên trục đường này khi người dân sử dụng BRT nhiều hơn và sớm tích hợp được các pha đèn để nhận diện xe BRT giúp xe BRT qua nút được nhanh nhất. Đồng thời, cũng cần sự ủng hộ của người dân trong việc thay đổi thói quen đi lại.
Trước đó, tại cuộc trao đổi với báo chí về dự án xe buýt nhanh BRT đầu tiên do Sở GTVT Hà Nội tổ chức chiều 19-12, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, thời gian hoạt động của tuyến buýt BRT từ 5h sáng đến 22h tối. Trung bình mỗi giờ buýt nhanh sẽ vận chuyển được 1.800 hành khách, rút ngắn được thời gian đi lại tuyến Yên Nghĩa - Kim Mã là 5-10 phút so với buýt thường và đáp ứng được 15% nhu cầu đi lại trên tuyến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.