(HNM) - Thông tin về tai nạn giao thông liên tục đăng tải trĩu nặng các trang báo. Theo số liệu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, 6 tháng đầu năm, số vụ tai nạn giao thông và số người bị thương giảm, nhưng số người chết lại tăng...
Có đặt lên bàn nghị sự hay không thì cũng phải thừa nhận rằng những "căn bệnh" gây nên thảm họa giao thông đều không mới. Lãnh đạo ngành GTVT đã thẳng thắn thừa nhận nguyên nhân từ việc buông lỏng trong công tác quản lý nhà nước về vận tải cũng như những hạn chế về hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải… Và có nơi, có chỗ có dấu hiệu của những hành vi đỡ đầu, dung túng, bao che vi phạm về điều kiện kinh doanh vận tải cũng như các quy định an toàn giao thông trong hoạt động vận tải…
Bắt đúng "bệnh", Bộ GTVT đã bàn và đưa ra nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu TNGT như: Xây dựng các quy định và chế tài an toàn giao thông, quy định trách nhiệm cụ thể quản lý phương tiện và người lái trước khi ký lệnh cho xe xuất bến, xây dựng những dải phân cách giữa ngăn chặn tình trạng xe quay đầu, siết chặt các khâu đào tạo, sát hạch lái xe chuyên nghiệp hay việc xây dựng phần mềm quản lý nhân thân lái xe, lập quy trình quản lý nghiêm ngặt phương tiện, người lái xe trong đêm... Thế nhưng TNGT nghiêm trọng vẫn tăng. Vì sao như vậy?
Những giải pháp đưa ra đều không sai nhưng đúng như lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia thừa nhận: Các biện pháp bảo đảm ATGT chưa hiệu quả. Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã nói: "Chúng ta không thể thờ ơ trước những gì đang diễn ra". Điều này rất đáng để suy nghĩ. Chính sự thờ ơ của các cơ quan quản lý, của các địa phương và cả sự thiếu trách nhiệm của những "công bộc nhân dân" trong phần việc của mình đã tạo điều kiện cho "căn bệnh" giao thông đường bộ phát tác, gây hậu quả nghiêm trọng cho toàn xã hội và gieo đau thương mất mát cho không ít gia đình.
Đã đến lúc cần làm rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông, quy rõ trách nhiệm của người đứng đầu, đề cao trách nhiệm cá nhân trong thực thi công vụ… Nói một cách mạnh mẽ hơn là phải xử lý nghiêm trưởng ban an toàn giao thông các địa phương liên tục để xảy ra tai nạn nghiêm trọng, đồng thời xử lý đến nơi đến chốn những lái xe và chủ quản lý phương tiện có vi phạm, không để tồn tại vùng cấm trong quản lý và thực hiện các điều kiện kinh doanh vận tải… Tóm lại, nếu không quy rõ trách nhiệm, không xử lý kiên quyết thì không thể đẩy lùi "căn bệnh" của giao thông đường bộ; những mất mát, đau thương vẫn tiếp tục ập xuống mỗi gia đình và xã hội sẽ phải tiếp tục gánh chịu những hệ lụy không thể đo đếm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.