(HNM) - Đến đúng thời hạn Bộ VH,TT&DL quy định (31-5), toàn bộ 12 bia đá được tiếp nhận sai quy định trong quần thể di tích Đền Trần - Thái Bình đã được tháo dỡ, đưa ra khỏi khuôn viên di tích. Đây là minh chứng cho thấy, một khi có sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý chuyên ngành
- Thưa ông, di dời trọn vẹn 12 bia đá được tiếp nhận sai quy định trong quần thể di tích Đền Trần - Thái Bình không phải là việc dễ dàng. Ông có thể chia sẻ bài học kinh nghiệm trong việc này?
- Bài học đầu tiên là chúng ta phải kiên quyết, nhất quán về quan điểm xử lý. Thêm nữa, cần có sự phối hợp chặt chẽ, vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo ngành và chính quyền. Ngay khi nhận được thông tin phản ánh Ban Quản lý (BQL) di tích Đền Trần tại huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình cho phép đặt 12 bia đá trong quần thể di tích khi chưa lập hồ sơ khoa học, chưa được cơ quan chức năng thẩm định về nội dung, quy cách, hình dáng, thẩm mỹ và chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép, Bộ VH,TT&DL đã thành lập đoàn thanh tra. Kết quả kiểm tra cho thấy rõ toàn bộ sai phạm và Thanh tra Bộ đã tham mưu để lãnh đạo Bộ ra văn bản yêu cầu UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo tháo dỡ 12 bia vi phạm trước ngày 15-5. Ngày 14-5, địa phương báo cáo đã tháo dỡ 6 bia vi phạm mới dựng tháng 4-2015, xin giữ lại 6 bia lắp dựng từ năm 2014. Chúng tôi không đồng ý bởi một khi đã là vi phạm thì cần kiên quyết khắc phục, xử lý đến nơi đến chốn. Vì vậy, Bộ đã tiếp tục ra văn bản yêu cầu UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo Sở VH,TT&DL tỉnh, BQL di tích Đền Trần tiếp tục tháo dỡ, di dời 6 bia còn lại trước ngày 31-5. Đến nay, toàn bộ 12 bia đá vi phạm đã được tháo dỡ, đưa ra khỏi khuôn viên di tích.
- Thanh tra Bộ đã tiến hành giám sát, kiểm tra việc thực hiện di dời như thế nào? Những ai đã là "cánh tay nối dài" của Thanh tra Bộ góp phần mang lại hiệu quả cho vụ việc này, thưa ông?
- Có thể nói, sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà quản lý và các cơ quan truyền thông đã cho thấy sự hiệu quả rất rõ trong việc giải quyết vụ việc này. Về chuyên môn, Thanh tra Bộ đã giao Thanh tra Sở VH-TT&DL tỉnh Thái Bình thực hiện việc giám sát, kiểm tra tại chỗ, thường xuyên có sự trao đổi, báo cáo về Bộ. Sở VH-TT&DL tỉnh Thái Bình, Phòng Di sản văn hóa cũng đã thực thi nghiêm túc trách nhiệm của mình sau khi Bộ có ý kiến chỉ đạo. Nhưng quan trọng nhất, là sự vào cuộc rất trách nhiệm của UBND tỉnh Thái Bình. Bởi nếu đơn vị chây ỳ, cứ kêu khó rồi để đấy, chúng ta sẽ phải cưỡng chế. Bộ không có lực lượng để cưỡng chế, nên rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương trong công tác phối hợp.
- Ông có bất ngờ khi Bộ VH,TT&DL mặc dù đã xây dựng chương trình di dời "hiện vật lạ" ra khỏi các di tích và yêu cầu các nơi không được tiếp nhận hiện vật công đức khi chưa được cấp thẩm quyền cho phép nhưng sai phạm vẫn xảy ra ở một di tích đặc biệt cấp quốc gia như Đền Trần - Thái Bình?
- Thực ra, chúng tôi không bất ngờ, bởi hiện nay công tác quản lý di tích chưa có mô hình quản lý thống nhất trong toàn quốc, kể cả ở các di tích đặc biệt cấp quốc gia. Việc thành lập và quản lý BQL di tích hầu hết đã được phân cấp cho địa phương. Ở nhiều nơi, thành phần BQL di tích gồm những người đã nghỉ hưu, người sở tại, chưa có hiểu biết đầy đủ về Luật Di sản và các quy định pháp luật về bảo tồn di sản, như người ta nói là "chưa thuộc bài". Họ còn dễ dãi trong việc tiếp nhận đồ cung tiến, không ý thức là hành vi đó có thể vi phạm pháp luật.
- Để xảy ra chuyện không đáng có này, theo ông, trách nhiệm nằm ở khâu nào? Đâu là nguyên nhân trực tiếp, gián tiếp? Hiện tại, chúng ta đã có quy trình cụ thể cho các địa phương tiếp nhận hiện vật do cá nhân, tập thể cung tiến vào di tích hay chưa?
- Nguyên nhân đầu tiên, như tôi đã nói, chính là sự dễ dãi của BQL di tích, chủ yếu do hạn chế về nhận thức. Nguyên nhân thứ hai là chính quyền địa phương chưa kiên quyết xử lý hành vi sai phạm ngay từ đầu. Tuy không có bảng kê trình tự tiếp nhận hiện vật phải theo các bước nào, nhưng về cơ bản đã được quy định rõ ràng trong Luật Di sản, Nghị định số 98/2010/NĐ-CP, Chỉ thị số 73/CT-BVHTTDL, Nghị định số 70/2012/NĐ-CP, Thông tư số 18/2012/TT-BVHTTDL. Khi đã làm công tác quản lý di tích thì cần phải nghiên cứu kỹ các quy định liên quan đến công tác quản lý cũng như chức trách, nhiệm vụ của mình.
- Chúng ta có phân định rõ trách nhiệm và có chế tài cụ thể nào đối với hành vi vi phạm vừa qua, thưa ông?
- Bộ VH,TT&DL đã yêu cầu UBND tỉnh Thái Bình họp các ban ngành chức năng, đưa ra hướng xử lý sai phạm nhưng hiện chúng tôi chưa nhận được báo cáo về việc này. Tuy vậy, suy cho cùng thì trách nhiệm cuối cùng vẫn thuộc về BQL di tích.
- Điều dư luận quan tâm là, sau vụ việc này các nhà quản lý sẽ đề ra những biện pháp gì để ngăn chặn sự tái diễn các vụ việc tương tự. Thanh tra Bộ sẽ có những kiến nghị và chỉ đạo thế nào về vấn đề này, thưa ông?
- Luật quy định nghiêm cấm các hành vi làm sai lệch di tích. Về công tác trùng tu, sửa chữa thì cũng đã có các văn bản pháp luật cụ thể, như đã nêu trên. Nghĩa là chúng ta đã có đầy đủ hệ thống văn bản pháp quy về quản lý di tích. Chỉ có điều, thông qua vụ việc này, các BQL di tích địa phương, ngành VH,TT& DL địa phương cần phải rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, quản lý.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.