(HNM) - Ngày 19-8, tiếp tục phiên họp thứ 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc chỉnh lý Dự thảo Luật Tiếp công dân do Thanh tra Chính phủ chủ trì soạn thảo và sửa đổi.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đánh giá, dự thảo luật được đầu tư công phu. Tuy nhiên, còn một số câu hỏi thực tiễn đặt ra chưa có lời giải đáp. Theo Chủ tịch QH, dự thảo luật phải làm rõ, sau quy trình tiếp dân, thu nhận các kiến nghị thì cơ chế giải quyết ra sao và quy trách nhiệm cụ thể cho đơn vị nào. Vì thực tế cho thấy, công tác phân loại, xử lý đơn thư chưa tốt, nhiều khiếu nại, tố cáo bị chuyển vòng vèo, dẫn đến nhiều vụ tồn đọng, thậm chí dẫn đến khiếu kiện vượt cấp.
Khẳng định người dân có quyền hỏi và cơ quan Nhà nước phải có nghĩa vụ trả lời về kết quả giải quyết vụ việc càng sớm càng tốt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của QH Nguyễn Kim Khoa đề nghị nên nghiên cứu trụ sở, văn phòng tiếp nhận đơn thư của người dân có thể áp dụng "cơ chế một cửa". Tức là đây sẽ trở thành nơi tiếp nhận đơn và cũng là nơi trả kết quả. Có như vậy mới tránh được đơn thư chuyển không đúng địa chỉ, thiếu sự giám sát, phối hợp giữa cơ quan thụ lý và giải quyết.
Về quy định người đứng đầu tiếp công dân theo định kỳ và nơi tiếp dân, UBTVQH cho rằng cần linh hoạt để tạo thuận lợi cho người dân. Điều quan trọng là kết quả giải quyết, không căn cứ vào nơi tiếp dân là nơi nhận đơn hay trụ sở chính quyền địa phương. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu lấy dẫn chứng các cuộc tiếp công dân của Bí thư Thành ủy Hà Nội và Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh để lắng nghe tâm tư, bức xúc của người dân thường được tổ chức tại chính nơi có đơn thư. Cách làm này vừa được nhân dân đồng thuận cao, vừa thu được nhiều ý kiến từ cơ sở và hướng giải quyết rất khả thi…
* Cùng ngày, UBTVQH đã cho ý kiến về Dự thảo Luật Việc làm và Dự thảo Luật Thi đua Khen thưởng (sửa đổi).
Đa số ý kiến đại biểu đồng ý với quan điểm, định hướng chính sách trong Dự thảo Luật Việc làm. Tuy nhiên, dự thảo luật vẫn còn những quy định chung chung, cần tiếp tục cụ thể để nâng cao tính khả thi của các chính sách, đặc biệt là về chính sách hỗ trợ tạo việc làm; tổ chức và hoạt động dịch vụ việc làm; bảo hiểm thất nghiệp...
Với Dự thảo Luật Thi đua Khen thưởng (sửa đổi), UBTVQH nhận định, đã bổ sung tiêu chuẩn của các danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cơ sở", "Huân chương Lao động", "Huân chương Bảo vệ Tổ quốc" các hạng, "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" theo đề xuất của các đại biểu QH trước đó; đồng thời, quy định cụ thể hơn việc khen thưởng theo công trạng và thành tích để bảo đảm việc khen thưởng chính xác. Riêng đối với yêu cầu giảm bớt hình thức khen thưởng cấp Nhà nước, ban soạn thảo cho rằng chưa nên chỉnh sửa trong thời điểm này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.