Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải làm hết trách nhiệm!

Thế Phương| 13/08/2015 05:52

(HNM) - Ngày 11-8, tại hội trường UBND phường 13, quận Bình Thạnh đã diễn ra buổi xin lỗi của VKSND TP Hồ Chí Minh đối với ông Trương Bá Nhàn (SN 1962), người chịu tù oan về tội "giết người" và "cướp tài sản".

Một lời xin lỗi chính thức, một cái bắt tay của đại diện VKSND và số tiền bồi thường gần 300 triệu đồng đối với người bị tù oan là cần thiết, là việc phải làm. Thế nhưng, với 1.346 ngày bị giam oan và hơn 14 năm chờ đợi, buổi xin lỗi chỉ diễn ra chóng vánh đến mức người bị oan không kịp nói lên cảm xúc của mình... đã khiến những người tham dự không khỏi hụt hẫng.

Người xưa nói: Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại (một ngày ở trong tù bằng nghìn năm ở bên ngoài). Sau mỗi vụ án oan sai là những xót xa, day dứt, trăn trở với hàng loạt câu hỏi: Những mất mát, tổn thất về tinh thần, tình cảm có thể bồi đắp, hoàn trả bằng tiền? Những người thi hành công vụ để xảy ra oan sai theo các tội danh: Bắt giam giữ người trái pháp luật và truy cứu trách nhiệm người không có tội, sẽ bị xử lý trách nhiệm như thế nào? Làm thế nào để cải cách hoạt động tố tụng hình sự (TTHS), tránh oan sai và những hệ lụy xã hội?... Rất nhiều câu hỏi, đều không mới, từng "làm nóng" nhiều diễn đàn và đã được đưa ra bàn thảo tại nghị trường Quốc hội...

Qua vụ việc đối với ông Trương Bá Nhàn có thể thấy một số vấn đề rất đáng để suy nghĩ. Có thể nói, việc bồi thường oan sai vẫn chưa được các cơ quan có trách nhiệm quan tâm một cách đúng mức nên diễn ra hết sức chậm chạp. Sự chậm trễ này (không riêng vụ ông Trương Bá Nhàn) được giải thích với nhiều nguyên do như: Công tác bồi thường trong hoạt động TTHS đang tồn tại không ít bất cập. Ví dụ, theo quy định của pháp luật, việc thực hiện trách nhiệm bồi thường trong TTHS mỗi ngành đều có thẩm quyền riêng (về trách nhiệm giải quyết và quản lý nhà nước). Trong khi đó, yêu cầu của hoạt động giải quyết bồi thường nhà nước là phải áp dụng pháp luật thống nhất... Tuy nhiên, thực tế cũng có trường hợp do cơ quan có thẩm quyền đùn đẩy, né tránh trách nhiệm...

Một vấn đề nữa là việc tổ chức xin lỗi với những trường hợp oan sai, cụ thể là với ông Trương Bá Nhàn đã làm cho không ít người có cảm giác rằng: Cơ quan chức năng làm chưa hết trách nhiệm. Những vụ oan sai không phải là câu chuyện riêng của Việt Nam, sai thì phải sửa, phải bồi thường, phải xin lỗi... Công khai xin lỗi người bị tù oan là việc cần thiết để khẳng định các cơ quan có trách nhiệm đã thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, để người dân tin vào công lý... Do vậy, việc tổ chức xin lỗi không "đình đám" nhưng cần hết sức nghiêm túc (nên có quy định cụ thể) không nên và không thể làm một cách quá “đơn giản”.

Có thể nói, tiến trình dân chủ hóa hoạt động tố tụng hình sự ở nước ta đã có những bước tiến đáng kể, các trường hợp điều tra, truy tố, xét xử oan người vô tội hoặc làm sai quy định của pháp luật gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đã giảm rõ rệt (tỷ lệ vụ án oan sai đã giảm rất nhiều trong những năm gần đây)... Tuy nhiên để tinh thần "thượng tôn pháp luật" lan tỏa trong đời sống xã hội, để người dân tin vào công lý, vào các cơ quan bảo vệ pháp luật, rõ ràng còn nhiều việc phải làm và phải thực hiện chuẩn chỉ ngay từ những việc bình thường nhất. Nhất định không thể làm cho xong việc, không thể xin lỗi để rồi người bị oan tiếp tục hụt hẫng sau một thời gian dài "gõ cửa" tìm công lý cho chính mình.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phải làm hết trách nhiệm!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.