Qua 4 năm thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, chúng ta có thể rút ra một số kinh nghiệm thiết thực là:
Trước hết, phải tạo được sự thống nhất cao về nhận thức tư tưởng và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về ý nghĩa, tầm quan trọng, tác dụng to lớn, nhiều mặt của cuộc vận động. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm, tính gương mẫu của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị là yếu tố vô cùng quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc huy động toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tham gia.
Sự vào cuộc tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị, nhất là các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị có ý nghĩa, tác dụng to lớn đối với quá trình thực hiện cuộc vận động. Đội ngũ cốt cán, trước hết là người đứng đầu cơ quan đảng, nhà nước, thủ trưởng mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần nêu cao trách nhiệm, tâm huyết với sự nghiệp chung, gương mẫu đi đầu trong công tác tuyên truyền, chỉ đạo và thực hiện cuộc vận động.
Phải làm cho cuộc vận động lan tỏa, thấm dần, bám rễ vững chắc trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, mỗi gia đình, mỗi người dân, trở thành lối sống đẹp, nếp sống đẹp, lẽ sống cao quý.
Thứ hai, phải xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung và hướng dẫn thực hiện cuộc vận động một cách khoa học, thiết thực, sát hợp với tình hình, với nhiệm vụ của ngành, địa phương, đơn vị trong từng giai đoạn và suốt cả nhiệm kỳ; quá trình thực hiện, cần tìm tòi và bổ sung các giải pháp, bước đi phù hợp. Gắn kết một cách khéo léo, nhuần nhuyễn việc thực hiện cuộc vận động với các phong trào thi đua yêu nước, với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị của các ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp. Sự lồng ghép này vừa nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, vừa tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí.
Thứ ba, phải xây dựng chuẩn mực đạo đức, lối sống phù hợp với từng loại hình công việc, từng loại đối tượng; các chuẩn mực này dễ nhớ, dễ thực hiện; tránh ôm đồm, chung chung, kiên quyết loại bỏ bệnh hình thức, phô trương. Phải coi việc thực hiện cuộc vận động trước hết là vì nhu cầu, quyền lợi tự thân của mỗi người, mỗi gia đình, cộng đồng, đoàn thể; không chỉ thuần túy về đạo đức, lối sống mà cao hơn, là phục vụ trực tiếp cho sản xuất, công tác học tập, rèn luyện, cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi người, mỗi đơn vị.
Cần phát huy dân chủ thực sự, cải tiến nội dung, hình thức, phương pháp lấy ý kiến của quần chúng góp ý cho cán bộ, đảng viên, tạo điều kiện để quần chúng góp ý nhiều hơn, thẳng thắn, trách nhiệm hơn cho tổ chức, cho cán bộ và đảng viên.
Thứ tư, trong chỉ đạo và thực hiện, cần xác định quan điểm: đây là cuộc vận động lâu dài, tiến hành trong nhiều năm, cho nhiều thế hệ. Do đó, tránh tâm lý nôn nóng, chủ quan, kỳ vọng quá nhiều, quá sớm vào kết quả cuộc vận động trong khi cần phải có một thời gian và nỗ lực cần thiết. Mặt khác, khắc phục tư tưởng cầm chừng, hoài nghi, bàng quan, chưa thực sự quan tâm tới cuộc vận động; cần điều chỉnh, bổ sung một số nội dung, giải pháp của công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
Hệ thống các văn bản hướng dẫn, đánh giá của Ban Chỉ đạo trung ương và của ban chỉ đạo các cấp cần ngắn gọn, thống nhất, kịp thời, sát đúng với tình hình. Tiếp tục huy động các ban, ngành của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị chủ động, tích cực tham gia cuộc vận động. Tổ chức đảng các cấp cần đưa việc thực hiện cuộc vận động vào nội dung sinh hoạt đảng hằng tháng, vào kiểm điểm cuối năm của tổ chức đảng và đảng viên. Các cơ quan nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội cũng cần quy định việc thực hiện cuộc vận động là một tiêu chí bắt buộc với công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên; coi đó là một trong những tiêu chuẩn bình xét thi đua, khen thưởng hằng tháng, hằng năm.
Thứ năm, về công tác chỉ đạo điểm: Trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện cuộc vận động, cần chọn đúng, trúng điểm chỉ đạo; tập trung xây dựng, phát huy vai trò, tác dụng của các đơn vị làm điểm; tăng cường kiểm tra, đôn đốc; đúc rút kinh nghiệm sâu sắc để nhân ra diện rộng. Quan tâm xây dựng các điển hình là cán bộ lãnh đạo, quản lý, những người thường xuyên tiếp xúc, phục vụ nhân dân, quản lý về tài chính, đất đai, công sản…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.