(HNM) - Trước mỗi mùa mưa bão, việc xử lý bãi chứa, trung chuyển cát, sỏi ven sông nói chung, bãi chứa, trung chuyển hoạt động trái phép nói riêng lại càng “nóng” hơn. Mặc dù các cấp, ngành của thành phố đã triển khai nhiều biện pháp nhằm quản lý, đưa hoạt động này vào nền nếp, đúng pháp luật, nhưng tình trạng vi phạm vẫn diễn ra, tiềm ẩn nguy cơ đối với hệ thống đê điều, hành lang thoát lũ.
Hiện nay, dọc các bãi ven sông ở 17 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố có khoảng 200 bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng. Theo quy định, các bến, bãi này khi hoạt động phải bảo đảm các điều kiện như: Không bơm, hút trực tiếp cát từ dưới lòng sông lên bãi; không được phép hoạt động trong mùa mưa lũ (từ ngày 15-6 đến 15-10 hằng năm); chiều cao tập kết vật liệu (chiều cao chất tải) không vượt quá 3m so với cao trình mặt bãi tự nhiên. Đặc biệt, vào mùa lũ hằng năm phải di chuyển toàn bộ vật tư, vật liệu, máy móc, thiết bị ra khỏi khu vực bãi sông để bảo đảm an toàn…
Quy định là vậy, nhưng thực tế cho thấy, nhiều bến bãi trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông vẫn hoạt động, trong đó có cả bến bãi hoạt động không phép, sai phép, sử dụng đất sai mục đích… Thậm chí, một số bến bãi xảy ra tình trạng đổ đất thải san lấp mặt bằng, lấn chiếm lòng sông, đóng cọc cừ thép, đắp bờ quây sát mép bờ sông, gây cản trở trực tiếp đến dòng chảy, thoát lũ…
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng chủ yếu do sự thiếu kiên quyết trong ngăn chặn, xử lý vi phạm của chính quyền cấp cơ sở. Đáng nói, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, nơi để xảy ra vi phạm vẫn chưa được thực hiện nghiêm, dẫn đến tình trạng chính quyền buông lỏng công tác quản lý, thậm chí "làm ngơ" cho vi phạm tồn tại.
Để khắc phục thực trạng này, chính quyền địa phương phải tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trong công tác quản lý đất đai, đê điều trên tinh thần "5 rõ" (rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả).
Cũng để bảo đảm an toàn đê điều, quản lý và khai thác sử dụng đất bãi sông hiệu quả, đúng quy định pháp luật, vấn đề đặt ra trong thời gian tới là tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, ngăn chặn, xử lý vi phạm. Trong đó, các quận, huyện, thị xã cần tập trung kiểm tra, rà soát các bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng đang hoạt động ở các bãi ven sông, đình chỉ, giải tỏa ngay đối với các trường hợp không có giấy phép theo quy định của pháp luật. Đồng thời, các vi phạm mới phát sinh phải được kịp thời phát hiện, xử lý ngay từ đầu.
Đối với các bến thủy nội địa hoạt động kinh doanh, tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra; thu hồi giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động đối với các tổ chức, cá nhân có bến bãi không phù hợp quy hoạch. Tại các điểm “nóng” cần tổ chức lập chốt canh gác, trạm cân tải trọng xe lưu động ở những tuyến đê tập trung nhiều xe quá tải trọng vận chuyển vật liệu xây dựng lưu thông. Việc khẩn trương hoàn thiện quy hoạch bến bãi cũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để chủ thể vi phạm không còn cớ vin vào bao biện cho sai phạm.
Cùng với đó là tăng cường tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác cát, tập kết vật liệu xây dựng tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai, tài nguyên khoáng sản, bảo đảm an toàn đê điều, thoát lũ…
Có thể thấy, hoạt động tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng ở ven sông, khai thác cát trái phép tại khu vực bãi sông, lòng sông nếu không được kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm sẽ dẫn đến những tác động xấu cho môi trường, làm biến đổi dòng chảy, sạt lở bờ, bãi sông, công trình đê điều. Vì vậy, các cấp, ngành, đặc biệt là các quận, huyện, thị xã phải kiên quyết hơn trong xử lý những trường hợp vi phạm nhằm tạo sức răn đe, tránh tái phạm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.