(HNM) - Tránh tình trạng
Giá thuốc luôn là vấn đề “nóng” được xã hội quan tâm. Ảnh: Thanh Hải |
Qua 8 năm thực hiện, Bộ Y tế đánh giá, Luật Dược đã đáp ứng nhu cầu thực tiễn và tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về dược. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc nảy sinh do một số quy định không phù hợp với thực tiễn. Luật Dược chưa phân công cụ thể giữa các bộ, ngành trong quản lý giá, chỉ phân công trong văn bản hướng dẫn, lại không thật hợp lý và chưa bảo đảm tính minh bạch trong quản lý khiến việc thực hiện gặp nhiều khó khăn. Các chính sách quy định trong Luật Dược còn chung chung, chưa chuyên môn hóa, hiện đại hóa và tiêu chuẩn hóa nhằm tạo động lực cho việc phát triển công nghiệp dược. Do vậy, ngành dược vẫn chưa trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn như kỳ vọng; hệ thống phân phối, cung ứng thuốc còn thiếu tính chuyên nghiệp, dàn trải, tăng chi phí phân phối, gây khó khăn trong giám sát chất lượng thuốc.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, chính vì có hạn chế, nên mới có chuyện "loạn" giá thuốc trên thị trường. Thêm nữa, nhiều ý kiến cho rằng Bộ Y tế "vừa đá bóng, vừa thổi còi", quản lý một quá trình khép kín từ đầu đến cuối nên không bảo đảm minh bạch, khách quan và vượt khả năng của bộ. Vì thế, Bộ Y tế đã đề xuất trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược là giao cho Bộ Tài chính làm đầu mối quản lý nhà nước về giá thuốc với ba lý do: Phù hợp với thẩm quyền Nhà nước trong lĩnh vực giá tại Điều 8 của Luật Giá; Bộ Tài chính có chuyên môn sâu lĩnh vực tài chính, kinh nghiệm và nguồn lực triển khai thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực giá thuốc; kinh nghiệm quản lý giá thuốc các nước trong khu vực đều không giao cho Bộ Y tế (cơ quan chịu trách nhiệm cấp phép lưu hành thuốc), mà giao cho đơn vị có chức năng quản lý giá tiêu dùng. Thêm nữa, Bộ Y tế là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý thuốc từ khâu cấp phép sản xuất, nhập khẩu đến bán buôn, bán lẻ; cũng là cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng quy hoạch, phát triển ngành dược; nếu lại giao cho Bộ Y tế quản lý giá thuốc thì lại trở thành thiếu công khai, minh bạch trong quản lý.
Dưới góc nhìn của cơ quan quản lý tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng lại cho rằng, cơ quan chủ trì quản lý nhà nước về giá thuốc nên giao cho Bộ Y tế để bảo đảm không dàn trải, chồng chéo. Vì chỉ có Bộ Y tế mới có chuyên môn sâu về ngành dược.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, vấn đề quản lý giá thuốc bản thân ông cũng cân lên đặt xuống nhiều lần. Hiện nay, quản lý thuốc ở Việt Nam nói chung có nhiều vấn đề, người bệnh không biết tên, giá, cách dùng thuốc, bán thế nào mua như thế chứ không có mặc cả giá. Thời gian gần đây, Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ Y tế cũng quyết liệt vào cuộc, nên giá thuốc đã bắt đầu giảm, nhưng cần phải giảm hơn nữa. Bàn về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, cần phải thống nhất trong Chính phủ, khi luật đi vào cuộc sống thì không để giá thuốc tăng một cách khó kiểm soát. Kinh nghiệm thế giới họ có cơ chế liên ngành quản lý giá thuốc, nếu có đột biến, cần thay đổi hoạt chất, tăng giá thì phải đạt được sự đồng thuận của liên ngành. Nước ta cũng cần quy định rõ trách nhiệm trong điều 5 của Dự án luật cơ chế liên ngành giữa các bộ Y tế, Tài chính và Công thương. Trong luật không nhất thiết đưa cụ thể cơ quan nào chủ trì, nhưng cần quy định rõ từng bộ có trách nhiệm như thế nào? Trường hợp nào phải đưa ra hội đồng liên ngành bàn và có sự đồng thuận thì mới nâng được giá thuốc.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, việc hình thành về giá thuốc phụ thuộc hai yếu tố chính: Cơ cấu, thành phần của thuốc quy ra giá và cung - cầu hàng hóa cũng quy ra giá. Nhưng việc cung - cầu là yếu tố quan trọng, cần phải kiểm soát, quản lý được giá gốc thì mới kiểm soát được đầu vào; việc điều hòa cung - cầu phải là bộ chuyên ngành là Bộ Y tế, chứ Bộ Tài chính không thể làm được. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng đồng tình, nên có hội đồng liên ngành quản lý giá thuốc, nhưng không ghi rõ cụ thể trong luật là những ngành nào, mà chỉ ghi nguyên tắc, còn Thủ tướng Chính phủ sẽ phân công cụ thể.
Kết luận nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Y tế và Bộ Tài chính phối hợp bàn bạc, thảo luận, xây dựng lại Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược để xin ý kiến các thành viên Chính phủ một lần nữa; nên thành lập Hội đồng liên ngành quản lý giá thuốc, trong đó quy định trách nhiệm chính là của Bộ Y tế, nguyên tắc hình thành, thẩm định giá giao cho Bộ Tài chính.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.