Bất động sản

Phải hoàn thành hạ tầng kỹ thuật - xã hội trước khi bán nhà

Mai Hữu 29/08/2023 19:06

Thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) tại hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách chiều 29-8, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai đề nghị bổ sung quy định chủ đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phải hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trước khi bán nhà.

phamthithanhmai.jpg
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai thảo luận về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Về hình thức sử dụng đất đầu tư dự án nhà ở thương mại, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai tán thành quy định tại dự thảo luật do Chính phủ trình. Quy định đã thể chế hóa chủ trương tại Nghị quyết 18-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; việc tháo gỡ, cho phép một số loại đất khác được làm dự án nhà ở thương mại trong trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất và đáp ứng các điều kiện về quy hoạch, vốn, năng lực, kinh nghiệm sẽ thúc đẩy và giải phóng nguồn lực từ đất đai, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

“Tuy vậy, tôi thống nhất với ý kiến của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cần quy định nội dung này tại Luật Đất đai (sửa đổi) để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục các điểm xung đột, chồng chéo trong thực tiễn. Thực tế hiện nay trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước có dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị, khi thực hiện giải phóng mặt bằng vướng mắc “đất công” nằm xen kẹt dự án nên ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai dự án. Tại dự thảo Luật, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, quy định cụ thể hướng xử lý trong trường hợp này” đại biểu nói.

Chia sẻ thực tiễn có nhiều dự án nhà ở thương mại được đầu tư xây dựng 20 năm nay, người dân đã ở lấp đầy, nhưng thiếu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, như trường học, bệnh viện, bãi đỗ xe..., gây khó khăn cho người dân và quản lý của chính quyền địa phương, đại biểu đề nghị, ngoài nội dung quy định trách nhiệm này của chủ đầu tư, cần bổ sung quy định bảo đảm việc triển khai đồng bộ, đúng tiến độ theo quyết định của cấp có thẩm quyền, hoàn thành trước khi bán nhà cho người dân.

dbct3.jpg
Quang cảnh phiên họp.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai cũng đề nghị bỏ nội dung “Trường hợp tái định cư theo hình thức mua, thuê mua nhà ở xã hội thì người được tái định cư được ưu tiên bố trí nhà ở xã hội không phải qua hình thức bốc thăm”, vì thực tế, trong các tòa nhà chung cư, sẽ có những vị trí được nhiều người lựa chọn và vị trí nhiều người không muốn chọn, nên nếu không có hình thức bốc thăm sẽ không giải quyết được vấn đề này, dễ phát sinh tiêu cực.

Đối với thời hạn sử dụng nhà chung cư, đại biểu cho rằng, với tính chất đô thị lớn, để phát huy hiệu quả sử dụng đất, việc phát triển xây dựng các khu đô thị, nhà ở chung cư theo chiến lược phát triển đô thị là tất yếu. Việc đa dạng các loại hình chung cư, phù hợp với thu nhập và xu thế phát triển cần cân nhắc quy định về thời hạn sử dụng chung cư tương ứng quy chuẩn, chất lượng để khi các nhà chung cư với hàng trăm, hàng ngàn căn hộ xuống cấp (thật sự rất khó thỏa thuận) thì có căn cứ để Nhà nước thu hồi đất.

Đối với vấn đề cải tạo chung cư cũ trong dự thảo Luật, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai tán thành nội dung quy định đối với các toà xây dựng trước năm 1994 thì tiếp tục áp dụng hệ số K bồi thường căn hộ; đối với chung cư xây dựng sau năm 1994 thì các chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm đóng góp kinh phí xây dựng lại và được nộp kinh phí này theo tiến độ dự án hoặc sau khi bàn giao căn hộ theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt. Nếu không đóng góp kinh phí xây dựng lại nhà chung cư thì được bồi thường quyền sử dụng đất, giá trị nhà ở (còn lại) nếu có theo quy định của Chính phủ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phải hoàn thành hạ tầng kỹ thuật - xã hội trước khi bán nhà

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.