(HNM) - Bốn bệnh viện đầu ngành đang trong tình trạng quá tải là Bạch Mai, Việt - Đức, Nhi trung ương và K trung ương đã đặt bút ký cam kết với Bộ Y tế thực hiện "Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh".
Đây có thể xem là một bước cụ thể hóa quyết tâm đổi mới nhận thức của đội ngũ thầy thuốc: "Từ ban ơn cho người bệnh sang phục vụ". Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: Cần loại bỏ khỏi ngành những nhân viên y tế thiếu văn hóa, thiếu y đức, đó là "con sâu làm rầu nồi canh", làm xói mòn niềm tin của người bệnh đối với cán bộ y tế...
Sau hàng loạt giải pháp quyết liệt nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, việc ngành y tế quyết tâm thay đổi thái độ phục vụ người bệnh đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Bởi lẽ, y đức đã trở thành vấn đề "nóng" và như lãnh đạo ngành y tế thừa nhận: "Còn một bộ phận cán bộ y tế chưa tuân thủ đúng các quy trình chuyên môn, có thái độ không đúng đắn, thiếu văn hóa, thiếu y đức, thậm chí có hành vi tiêu cực..." . Theo một con số thống kê, trong 6 tháng đầu năm nay, thông qua "đường dây nóng", Bộ Y tế đã nhắc nhở, rút kinh nghiệm 2.092 trường hợp, xử lý kỷ luật 62 trường hợp... Rõ ràng việc loại bỏ những "con sâu" đang "làm rầu nồi canh" là hết sức cần thiết.
Nếu không có nhận thức đúng, không thể có hành vi đúng. Để thay đổi tư duy, nhận thức của gần nửa triệu nhân viên ngành y tế không đơn giản. Rất nhiều vấn đề đã được bàn thảo nhằm "đổi mới phong cách" như việc thay đổi trang phục của nhân viên bệnh viện; các quy định, chế tài cụ thể đối với những hành vi vi phạm y đức hay đề nghị lãnh đạo Bộ Y tế tăng cường kiểm tra, giám sát... Tất cả đều cần thiết! Nhưng quan trọng hơn, mỗi nhân viên y tế phải tự ý thức được việc thay đổi thái độ phục vụ người bệnh là trách nhiệm, là nghĩa vụ để tự nguyện cam kết với chính lương tâm của mình. Còn như cam kết lấy lệ, chạy theo phong trào..., chắc chắn không mang lại hiệu quả thực tế. Và đương nhiên, thay đổi tư duy, nhận thức là một quá trình, không phải là câu chuyện ngày một, ngày hai...
Vẫn biết mục tiêu đầu tiên và lớn nhất của ngành y là cứu người, nhưng nếu không có sự giáo dục chu đáo từ các nhà trường, cũng như một môi trường làm việc lành mạnh sẽ không thể hình thành nhân cách cũng như đạo đức nghề nghiệp để mỗi lương y đều "như từ mẫu". Chuyện "con sâu làm rầu nồi canh" của ngành y tế có một phần nguyên nhân từ việc chưa quan tâm đúng mức đến giáo dục y đức. Một vấn đề nữa, dù bệnh nhân là "khách hàng đặc biệt", nhưng rất khó hạn chế tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu cũng như những bức xúc từ phía người bệnh, người nhà bệnh nhân và bác sĩ, nếu tình trạng quá tải ở các bệnh viện vẫn tiếp tục gia tăng.
Muộn nhất đến năm 2016 sẽ hoàn thành việc ký cam kết với tất cả cán bộ, nhân viên ngành y. Dư luận đánh giá, việc "Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh" là một bước chuyển lớn sẽ làm thay đổi bộ mặt ngành y tế nước nhà. Có một câu hỏi đặt ra: Nỗ lực của ngành y tế có mang lại hiệu quả như mong muốn, nếu bệnh nhân và người nhà bệnh nhân không có thái độ ứng xử văn hóa phù hợp?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.