Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải cứu doanh nghiệp vừa và nhỏ!

Đặng Loan| 05/12/2014 07:34

(HNM) - Đó là kiến nghị của Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh tại buổi tiếp xúc của các đại biểu Quốc hội thành phố vào ngày 3-12. Hội nghị do Hiệp hội DN thành phố tổ chức để các đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh báo cáo kết quả kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII với các cử tri và lắng nghe những kiến nghị

DN khổ vì chính sách, phí

Ông Nguyễn Xuân Vũ, Chủ nhiệm CLB DN Tam nông TP Hồ Chí Minh cho biết DN rất khổ với các nghị định, thông tư ban hành rất sát với thời gian có hiệu lực khiến DN "trở tay không kịp". Chẳng hạn, Nghị định 209/2013/NĐ-CP quy định và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 18-12-2013 thì đến ngày 1-1-2014 đã có hiệu lực. Theo ông Vũ, 12 ngày là thời gian quá ngắn, trong khi đó đối với ngành thuế, nếu thực hiện không kịp, sai thì bị phạt. Chưa kể, nghị định hướng dẫn thi hành luật nhưng lại không rõ ràng. Chẳng hạn như Nghị định 209 liên quan đến thuế suất của những mặt hàng nông sản, quy định sản phẩm nông sản chưa qua chế biến chịu thuế giá trị gia tăng 0%, nhưng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh lại xếp sản phẩm mật ong rừng của công ty ông vào diện chịu thuế 5%.

Cần có các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Ảnh: Thảo Nguyên



Công ty CP tư vấn kiểm định Xây dựng Sài Gòn phàn nàn Nhà nước đã "ôm" quá nhiều việc trong khi có thể xã hội hóa. Chẳng hạn Nghị định 209 năm 2004 về quản lý chất lượng xây dựng công trình cho phép các DN tư vấn hoạt động trong lĩnh vực xây dựng được thực hiện công việc thẩm tra thiết kế dự toán thì Nghị định 15 năm 2013 thay thế Nghị định 209 lại quy định lại "rút" về cho Sở Xây dựng. Vì vậy, trong khi có rất nhiều đơn vị có đủ năng lực làm công việc này thì Sở Xây dựng chỉ chỉ định vài đơn vị thực hiện nên thời gian không đáp ứng được cho DN. Công ty này đề xuất khi sửa đổi luật thì Nhà nước nên xã hội hóa cho DN hoạt động trong lĩnh vực tư vấn đủ năng lực thực hiện như Nghị định 209 trước đây.

Công ty Dược phẩm Việt Hương phản ánh Luật Đất đai không quy định cụ thể thời gian giao đất, khiến cơ quan chức năng muốn "cho bao nhiêu thì cho, khi thì 20 năm khi thì 50 năm". Cụ thể, Công ty Việt Hương mua 5.600m2 đất nông nghiệp để đầu tư nhà xưởng. Khi thu hồi đất nông nghiệp chuyển sang đất sản xuất kinh doanh thì cơ quan chức năng chỉ cấp thời hạn sử dụng 20 năm. Vì thời gian sử dụng quá ngắn nên khi thế chấp thì ngân hàng không chấp nhận, chỉ cho vay khoản tiền bằng tiền… lệ phí trước bạ đã đóng trong khi công ty đã phải bỏ ra khoản tiền rất lớn để đầu tư.

Nhiều công ty cũng kiến nghị chi phí liên tục tăng khiến hoạt động của DN không hiệu quả, chẳng hạn như phải đóng rất nhiều phí trên đường vận chuyển trong khi chất lượng cầu đường không đạt. Đại diện Công ty CP sản xuất Nhựa Duy Tân dẫn thông tin thống kê từ các tổ chức nghiên cứu logistics cho thấy chi phí này ở Việt Nam chiếm tới khoảng 25% GDP trong khi các nước trong khu vực như Singapore chỉ khoảng 12%.

"Nút thắt" nợ xấu

"Chủ trương của Nhà nước rất rõ ràng như giảm lãi suất, mở rộng điều kiện cho vay để DN tiếp cận vốn… Thế nhưng nếu đại biểu Quốc hội đóng vai DN đi vay vốn, cầm hồ sơ lên ngân hàng thì mới thấy vướng rất nhiều thứ", ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Long Biên than thở. Theo ông Tuấn, vốn vẫn tiếp tục là khó khăn lớn nhất của DN hiện nay. Trước kia khi khó khăn DN bị vướng vào nợ xấu, hiện giờ đã thuận lợi hơn, đã có phương án sản xuất kinh doanh, muốn vay vốn để thực hiện nhưng đến ngân hàng vẫn không vay được vì bị ghi vào "sổ đen" khiến DN tiếp tục đi vào vòng luẩn quẩn. Nhà nước đã có chủ trương cho vay tín chấp, nhưng "nói dễ mà làm không dễ" vì đã có nợ xấu thì có tài sản thế chấp cũng không vay được thì tín chấp là không thể. Để tồn tại, một số DN phải mở một công ty mới "né" nợ xấu để có thể tiếp tục vay ngân hàng, thành ra "bình mới rượu cũ".

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Hòa, DN Việt Nam đang đối mặt với hai khó khăn lớn là tình hình kinh tế tuy có dấu hiệu hồi phục nhưng còn chậm và từ năm 2015 khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn thị trường thì các công ty với hầu hết là vừa và nhỏ của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với các công ty có vốn nước ngoài. Tuy vậy, các hỗ trợ của Nhà nước nếu không "khéo" thì sẽ vi phạm các quy định, các cam kết trong các Hiệp định thương mại đã ký kết. Vì vậy, mỗi DN Việt cũng phải cần vận động, cần ngồi lại với nhau để hình thành các liên kết để cùng tạo nên sức mạnh lớn hơn để cạnh tranh với đối thủ lớn hơn.

Đại biểu Quốc hội Đặng Thành Tâm cho biết, theo thống kê và báo cáo Quốc hội trong kỳ họp vừa qua thì có đến 68% các DN thua lỗ, chỉ 32% DN có lãi. Ông Tâm xác nhận kể cả các công ty của ông cũng đang khó khăn. Tuy nhiên theo ông Tâm, Chính phủ đã mở ra nhiều chính sách về vốn, lãi suất ngân hàng cho DN và đang có những tín hiệu tích cực. Chính sách cho DN cho vay tín chấp, dù có những vướng mắc nhưng vẫn có tín hiệu khả quan khi giải ngân từ ngân hàng trong quý III gấp đôi quý II. Ông Tâm cho biết, đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh vẫn đang tiếp tục kiến nghị mở rộng các điều kiện thông thoáng cho DN và khoanh nợ cho DN để "mở đường" cho DN làm ăn, bởi cứu DN thì cũng là cứu ngân hàng vì DN có làm ăn tốt mới có thể trả được nợ cho ngân hàng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phải cứu doanh nghiệp vừa và nhỏ!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.