(HNMO) - Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải yêu cầu, cấp ủy, chính quyền các cấp thành phố phải coi phòng cháy, chữa cháy là nhiệm vụ quan trọng nhất.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận hội nghị. |
Xử lý vi phạm về phòng cháy, chữa cháy còn theo phong trào
Kết luận hội nghị giao ban, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết, tham dự hội nghị trực tuyến lần này có 3.426 đại biểu ở các đầu cầu. Những nội dung đưa ra bàn thảo tại hội nghị là những lĩnh vực còn tồn tại nhiều bức xúc, liên quan đến đời sống nhân dân. Hội nghị nhằm thúc đẩy việc khắc phục khó khăn, hạn chế tồn tại trên các lĩnh vực này, đồng thời thúc đẩy các dự án trọng điểm để thực hiện được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, các mục tiêu, chỉ tiêu mà thành phố đề ra liên quan đến các lĩnh vực, như cấp nước sạch, đều rất cao, đòi hỏi các cấp, các ngành thành phố phải nỗ lực rất lớn.
Đánh giá cao 17 ý kiến phát biểu tại hội nghị, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm, nắm chắc tình hình..., Bí thư Thành ủy khẳng định tiếp thu đầy đủ các ý kiến và sẽ có văn bản giao nhiệm vụ cho các cơ quan thực hiện.
Trao đổi, chỉ đạo các nội dung liên quan tại hội nghị, trước hết về công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, đây là nội dung rất quan trọng. Thành ủy đã ban hành công văn chỉ đạo; UBND thành phố đã ban hành kế hoạch ứng phó với sự cố thiên tai, những vấn đề tiềm ẩn về thiên tai..., trong đó xác định 10 nguy cơ, từ đó đề ra giải pháp đề phòng, cũng như phổ biến nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân. Bí thư Thành ủy cũng đánh giá cao việc HĐND thành phố đã tổ chức giám sát 3 kỳ liên tục về công tác phòng cháy, chữa cháy. Sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của thành phố về phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn đã tạo ra sự lan tỏa trong xã hội, đem lại những chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động của lãnh đạo các địa phương, chủ đầu tư và người dân.
Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy có thời gian bị buông lỏng. Hiện nay, nguy cơ xảy ra cháy, nổ vẫn rất cao, trong đó, hơn 18,6% số cơ sở có nguy cơ cháy, nổ; còn 24% nhà ống kết hợp kinh doanh mặt tiền bị bịt kín... Theo Bí thư Thành ủy, nguyên nhân của những hạn chế trong công tác phòng cháy, chữa cháy có nhiều, nhưng nguyên nhân rất quan trọng đó là trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền.
“Mỗi khi xảy ra cháy, phải xác định rõ nguyên nhân trước tiên là trách nhiệm của công tác quản lý. Chợ bị cháy thì phải xem xét công tác quản lý nhà nước hạn chế ở chỗ nào, chứ không phải đổ lỗi cho người dân” - đồng chí Hoàng Trung Hải nói.
Bí thư Thành ủy cho rằng, trong ba năm gần đây, mỗi năm xảy ra hơn 800 vụ cháy, chưa có chiều hướng giảm là rất đáng lo ngại. Vấn đề trọng tâm cần khắc phục là, trong bối cảnh như vậy, nhiều hộ gia đình, cơ quan, đơn vị chưa có phương án phòng cháy, chữa cháy; khi xảy ra cháy, nhiều người chưa biết đi đâu, làm gì. Việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị, hộ gia đình cũng chưa tốt. Việc xử lý vi phạm về phòng cháy, chữa cháy cũng còn theo phong trào, “ào ào” một thời gian rồi lại lắng xuống. Công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý còn hạn chế, chế tài xử lý vi phạm cũng chưa nghiêm. Chuyển biến về nhận thức, ý thức về việc bảo đảm an toàn cháy, nổ còn chậm.
Phải coi phòng cháy, chữa cháy là nhiệm vụ quan trọng nhất
Chỉ đạo các nhiệm vụ khắc phục bất cập, tăng cường phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thời gian tới, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp thành phố phải tiếp tục tăng cường kiểm tra, coi đây là nhiệm vụ quan trọng nhất. Mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi đồng chí lãnh đạo, cán bộ, đảng viên phải xác định đây là nhiệm vụ của mình; tuyên truyền thường xuyên, phổ biến sâu rộng việc thực hiện các quy định bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy; phân công rõ trách nhiệm từng cấp, từng người; thực hiện tốt hơn nữa phương châm “4 tại chỗ”, không để cơ sở có tư tưởng dựa dẫm vào lực lượng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy.
Theo Bí thư Thành ủy, lực lượng tại chỗ hiện nay có số lượng đông (hơn 18.200 đội phòng cháy, chữa cháy ở cơ sở với 156.000 hội viên cùng hàng nghìn đội dân phòng...). Việc cần thiết là phải tăng cường tập huấn, huấn luyện, kết hợp với kiểm tra, đánh giá thường xuyên, cũng như trang bị thiết bị, bảo đảm các lực lượng này có năng lực chữa cháy thực chất, hiệu quả. Đồng chí Hoàng Trung Hải cũng lưu ý cần sớm thành lập các đội phòng cháy, chữa cháy tại 6 khu công nghiệp trên địa bàn thành phố.
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải chỉ đạo các cơ quan chức năng thành phố tăng cường công tác xử lý vi phạm về phòng cháy, chữa cháy; tăng cường áp dụng biện pháp cưỡng chế thực hiện. “Tất cả các vi phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy cơ quan chức năng đã nhắc nhở mà cơ sở không thực hiện là phải cưỡng chế, vì liên quan đến tính mạng người dân” - đồng chí Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, đồng thời lưu ý, tất cả nhà chung cư trước khi đưa người dân vào ở phải được kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn; các cơ quan có trách nhiệm như Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy phải ký vào biên bản nghiệm thu.
“Những nguy cơ mất an toàn như cháy, nổ rình rập chúng ta hằng giờ, hằng giây. Vì vậy, ngoài các biện pháp của các cơ quan chức năng, từng cơ sở sản xuất, cơ quan, đơn vị, từng hộ dân phải chủ động xây dựng phương án chữa cháy cho mình. Mỗi thành viên trong gia đình, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở sản xuất phải biết rằng, chìa khóa nhà mình để đâu, khi xảy ra cháy thì chạy thế nào, đường nào. Ở các khu vui chơi, giải trí, sinh hoạt cộng đồng, người tham gia phải được phổ biến phương án bảo vệ an toàn khi xảy ra sự cố...” - Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Ngoài ra, đồng chí Hoàng Trung Hải chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục rà soát công trình hồ chứa nước, các tuyến đê, nhất là các điểm xung yếu để có biện pháp chủ động phòng ngừa, khắc phục sự cố.
Đặt mục tiêu cao vì sức khoẻ người dân
Về công tác cấp nước sạch của thành phố, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết, lý do thành phố đặt ra chỉ tiêu cao đến năm 2020, 100% người dân thành phố được sử dụng nước sạch sinh hoạt là vì đây là điều kiện quan trọng nhằm bảo đảm sức khoẻ của người dân.
Đồng chí Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: “Đây là mục tiêu vì chất lượng sức khỏe của người Hà Nội, không chỉ vì thế hệ ngày nay mà còn vì con cháu chúng ta. Mục tiêu rất lớn nên phải quyết liệt, quyết tâm mới đạt được... Không những phấn đấu để người dân được dùng nước sạch mà còn phải phấn đấu để nâng chất lượng nước sạch lên theo tiêu chuẩn Châu Âu; đồng thời chuyển dần sang sử dụng nước mặt để vừa chống ô nhiễm môi trường, vừa giảm sụt lún”.
Bí thư Thành ủy yêu cầu các cấp, các ngành rà soát các dự án, giao ban thường xuyên để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy tiến độ xây dựng các mạng lưới cấp nước. Các cấp ủy, chính quyền phải phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư và người dân để cùng chung sức, đồng lòng tham gia có trách nhiệm cao vào công việc này.
Về tiến độ các dự án trọng điểm, đồng chí Hoàng Trung Hải cho rằng, cần phải đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư; tăng cường công tác giải phóng mặt bằng. Trong quá trình đó, các bên liên quan phải thường xuyên giao ban để tháo gỡ khó khăn, phối hợp hành động. Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, hầu như các dự án đều khó khăn, nên không có cách gì khác để thúc đẩy tiến độ là tập trung tháo gỡ từng khó khăn một. Giải pháp gì có thể tháo gỡ được khó khăn thì các ngành, các cấp dù có phải làm ngày, làm đêm cũng phải cố gắng thực hiện. Trong đó, các ngành, các cấp phải chú trọng làm tốt công tác truyền thông, tập trung tạo sự đồng thuận, trước hết là về sự cần thiết phải vận dụng hình thức đầu tư xây dựng-chuyển giao, vì ngân sách thành phố hiện nay chỉ đáp ứng được 20% kinh phí đầu tư công.
“Đề nghị Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo hình thành kế hoạch cụ thể để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy tiến độ các dự án; sau đó cần rà soát văn bản liên quan để triển khai phương án phân cấp mới. Tinh thần là rà soát thấy vướng mắc ở chỗ nào là phải tháo gỡ ngay” - đồng chí Hoàng Trung Hải chỉ đạo, đồng thời bày tỏ tin tưởng, với quyết tâm của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, sự vào cuộc trách nhiệm của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự ủng hộ của người dân, các lĩnh vực “nóng” được đem ra thảo luận tại hội nghị giao ban quý II-2018 sẽ có những chuyển biến tích cực trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.