Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải có chế tài tịch thu tài sản cố tình không kê khai

Đà Đông| 10/11/2012 06:11

(HNM) - Ngày 9-11, Quốc hội (QH) dành cả ngày thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi - một dự luật nhận được sự quan tâm đặc biệt của các ĐBQH và đông đảo nhân dân.


Nhận định, tham nhũng đang thách thức sự lãnh đạo của Đảng, sự tồn tại của chế độ và làm mất lòng tin của nhân dân, tại phiên thảo luận, các ý kiến đều thống nhất việc sửa đổi Luật PCTN là vô cùng cấp thiết, tạo bước ngoặt hoàn chỉnh về khuôn khổ pháp lý, nhằm triệt phá tận gốc tham nhũng - thứ giặc nội xâm nguy hiểm. Ủng hộ đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo TƯ về PCTN trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng ban, các ý kiến đều cho rằng, đây là việc làm cần thiết nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Hội nghị TƯ 5 (khóa XI). Để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, hợp lòng dân, các ý kiến đề nghị Ban soạn thảo nên nghiên cứu thiết kế một điều luật riêng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo TƯ về PCTN, riêng về cơ cấu tổ chức ban này do Đảng quy định. Như vậy mới thể hiện công tác PCTN là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn dân và phải tuân theo pháp luật, bảo đảm tính kế thừa liên tục trong công tác này. ĐB Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa) chỉ rõ, việc thành lập Ban Chỉ đạo PCTN của Đảng theo tinh thần Nghị quyết TƯ 5 không cản trở việc kiện toàn bộ máy nhà nước về công tác này. Ban Chỉ đạo PCTN của Đảng do đồng chí Tổng Bí thư đứng đầu không phải là cơ quan có thể làm thay được cho nhà nước mà cơ quan đó chỉ giúp việc cho Ban Chấp hành TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo về đường lối, chiến lược PCTN của đất nước ta. Để bảo đảm khách quan, hiệu quả, cần thành lập Ủy ban PCTN của QH để giám sát việc thực hiện pháp luật PCTN của Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC và Kiểm toán Nhà nước.

Vấn đề công khai, kê khai tài sản đã được đề cập trong hầu hết các ý kiến thảo luận. Các ĐB Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng), Nguyễn Viết Nhiên (đoàn Hải Phòng), Nguyễn Văn Hiến (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị, tất cả cán bộ, công chức đều phải thực hiện kê khai và mở rộng tới cả con cái (đã thành niên) của các cán bộ, công chức. Đặc biệt, nhiều ĐB đề nghị phải có chế tài thu hồi đối với những tài sản mà cán bộ, công chức cố tình che giấu không kê khai hoặc không giải trình. ĐB Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng) nhấn mạnh, vướng mắc chủ yếu mang tính cốt lõi hiện nay là quy định của luật về kê khai tài sản chưa nghiêm, chưa có chế tài, dẫn đến việc kê khai còn mang tính hình thức. Vì vậy, cần thiết phải thiết kế một điều luật riêng, đặc biệt phải có chế tài tịch thu những tài sản cố tình che giấu không kê khai. Đối với những trường hợp có sự nghi ngờ về tính trung thực của bản kê khai tài sản thì cơ quan có thẩm quyền yêu cầu kê khai lại, sau khi kê khai mà vẫn còn nghi ngờ thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành xác minh tiếp và làm rõ những vấn đề nghi vấn.

Đề nghị bổ sung tội cố ý làm trái vào các hành vi tham nhũng, ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng), Nguyễn Viết Nhiên (đoàn Hải Phòng), Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) cho rằng, 12 hành vi tham nhũng như dự thảo quy định là chưa đủ, chưa bao quát hết các hành vi tham nhũng đang ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có sự liên minh trong nước, ngoài nước, liên kết vùng, địa phương và có biểu hiện lợi ích nhóm. Vì vậy, dự thảo cần đề cập thêm hành vi của tập thể câu kết với nhau để tham nhũng và hành vi tiếp tay, bao che, môi giới tham nhũng...

Những nội dung liên quan tới trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng tại đơn vị, công khai kê khai tài sản tới đâu, tăng mức xử phạt đối với hành vi tham nhũng, cơ chế bảo vệ báo chí và công dân trong đấu tranh PCTN… cũng được các ĐBQH quan tâm thảo luận.

Quan tâm đến những vấn đề bức xúc dân sinh

Theo kế hoạch, từ ngày 12-11, kỳ họp thứ tư, QH khóa XIII bước vào phiên chất vấn. PV Hànộimới đã ghi lại một số tâm tư, nguyện vọng của các ĐBQH trước phiên họp.


ĐBQH, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (đoàn Hà Nội): Sẽ chất vấn về trách nhiệm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm

Tôi muốn chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến về trách nhiệm của ngành trong việc quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm yếu kém thời gian qua mà ngành đã không kiểm soát được. Tôi cũng sẽ đề cập về tình trạng quá tải bệnh viện đang là bức xúc lớn của xã hội hiện nay. Qua trả lời chất vấn, Bộ Y tế phải đưa ra được lộ trình cũng như phương án cụ thể để giải quyết các vấn đề bức xúc của ngành hiện nay.


ĐBQH Nguyễn Thanh Tùng (đoàn Thái Nguyên): Quan tâm lộ trình xóa độc quyền kinh doanh điện

Tôi muốn Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn về trách nhiệm của ngành trong việc thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp để giải quyết công ăn việc làm, tăng sức mua giải quyết hàng tồn kho; trách nhiệm quản lý của ngành về giá các mặt hàng thiết yếu như giá điện, giá xăng. Tôi mong muốn Bộ trưởng sẽ đưa ra được các giải pháp tích cực, kịp thời của ngành để giải quyết tình trạng độc quyền của ngành điện, xăng dầu đã gây nhiều hệ lụy trong thời gian vừa qua. Đặc biệt là đưa ra được lộ trình sớm xóa độc quyền trong ngành điện chứ đến năm 2022 mới hoàn tất là quá lâu, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.


ĐBQH Phạm Trường Dân (đoàn Quảng Nam): Cần làm rõ vấn đề nợ xấu

Trước QH, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cần khẳng định rõ có bao nhiêu nợ xấu hiện nay không có khả năng thu hồi được, bao nhiêu nợ xấu có thể thu hồi được và xử lý những vướng mắc trong thu hồi như thế nào? Vừa qua, một số tiêu cực ở một số ngân hàng đã thể hiện rõ, cử tri rất lo lắng liệu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có kiểm soát được vấn đề này không và có tiên liệu trước những trường hợp xấu nhất xảy ra để có giải pháp chống đỡ. Những vấn đề liên quan tới nhập khẩu vàng, chọn thương hiệu vàng SJC làm thương hiệu vàng quốc gia cũng là nội dung được nhiều cử tri quan tâm và mong được làm rõ.


Ngọc Trâm ghi

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phải có chế tài tịch thu tài sản cố tình không kê khai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.