(HNMO) – Chiều 12/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật công chứng sửa đổi. Tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi dự án luật này, những nội dung được các đại biểu quan tâm là tiêu chuẩn công chứng viên, việc mở rộng phạm vi công chứng.
Chủ trương mở rộng phạm vi công chứng và xã hội hóa hoạt động công chứng được nhiều đại biểu ủng hộ, bởi nó góp phần giảm áp lực cho các cơ quan Nhà nước.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến còn băn khoăn, yêu cầu dự luật cần bổ sung những quy định bảo đảm sự quản lý chặt chẽ của nhà nước đối với lĩnh vực này và việc thực hiện phải có lộ trình. Đặc biệt, một số đại biểu đề nghị không nên xóa bỏ các phòng công chứng nhà nước vì quyền lợi của người dân. Bất cứ sự mở rộng nào ra cho tư nhân chỉ là để đa dạng dịch vụ cho người dân tự chọn. Dự luật nên sửa đổi theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ công chứng, đảm bảo các dịch vụ này được cung cấp bởi Nhà nước ở mọi khu vực, nhất là những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Các đại biểu cũng cho rằng, công chứng viên là đối tượng trung tâm của dự luật và để dịch vụ công chứng đáp ứng yêu cầu cuộc sống, lực lượng này cần phải thật sự chuyên nghiệp cả về kỹ năng và đạo đức nghề; phải được nâng cao chất lượng qua đào tạo nghề, tập sự, đảm bảo công chứng viên có đủ các kỹ năng và trình độ hành nghề. Đặc biệt, dự luật cần bổ sung hành vi bị cấm đối với công chứng viên dịch và trách nhiệm pháp lý do người dịch gây ra, nếu không sẽ tạo kẽ hở trong trường hợp người dịch cố tình dịch sai.
Một số các đại biểu cũng đề nghị cần xem lại Điều 14 dự thảo Luật quy định công chứng viên chỉ được hành nghề đến 65 tuổi, không phân biệt nam, nữ bởi chưa rõ cơ sở. Đồng thời, để đảm bảo chặt chẽ, dự luật cần bổ sung cả độ tuổi tối thiểu được hành nghề công chứng viên.
Cũng trong chiều nay, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.