(HNM) - Trong cuộc tọa đàm
Phát triển du lịch mang lại hiệu quả lớn về kinh tế - xã hội song cần giữ được giá trị tự nhiên của các vườn quốc gia, khu bảo tồn. Ảnh: Vũ Ngọc Dũng |
Thách thức bảo tồn nguyên vẹn
Diện tích đất rừng đặc dụng hiện nay ở nước ta vào khoảng 2.265 triệu héc ta, với 31 vườn quốc gia, 68 khu bảo tồn thiên nhiên, 45 khu bảo vệ cảnh quan, 20 khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học. Đây là nguồn tài nguyên quý giá để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái. Gắn với Nghị quyết số 08-NQ/TƯ của Bộ Chính trị ngày 16-1-2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, việc khai thác khu bảo tồn thiên nhiên để phát triển du lịch là phần việc quan trọng của nhiều địa phương.
Theo GS.TS Nguyễn Hoàng Trí, Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam, việc phát triển du lịch tại các khu bảo tồn thiên nhiên là hình thức phát triển kinh tế gắn với bảo tồn tốt nhất, đặc biệt là du lịch sinh thái - loại hình dựa vào hiện trạng tự nhiên, văn hóa để thu hút du khách. Ông Nguyễn Hoàng Trí cho rằng, phát triển du lịch sẽ đem lại nguồn vốn để đầu tư trở lại, phục vụ cho công tác bảo tồn.
Theo kết quả điều tra của Tiến sĩ Phạm Hồng Long - Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, số lượng khách đến với Vườn quốc gia Cúc Phương, Vườn quốc gia Xuân Thủy, Vườn quốc gia Ba Vì, Vườn quốc gia Bạch Mã có mức tăng trưởng khá trong những năm gần đây, tạo doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm cho địa phương. Hầu hết các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên đang tự tổ chức hoặc liên kết đầu tư phát triển du lịch. Ban quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên thể hiện rõ ý thức lấy nguồn thu từ hoạt động du lịch để phục vụ cho công tác bảo tồn.
Thời gian qua, hàng loạt dự án phát triển hạ tầng du lịch được triển khai tại nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, như đã thấy ở Phú Quốc, Bà Nà, Cát Bà… Hiện nay, nhiều dự án phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng được đề xuất triển khai ở trong hoặc xung quanh Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, Vườn quốc gia Bạch Mã, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng… Tuy nhiên, trong số nói trên, một số dự án do các tổ chức, cá nhân đầu tư đang làm dấy lên sự phản ứng bởi nỗi lo ngại trong cộng đồng về nguy cơ phá vỡ nguyên trạng của các khu bảo tồn, hủy hoại tài nguyên thiên nhiên của đất nước.
Tiến sĩ Lê Hoàng Lan (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam) phân tích: Khi khai thác phát triển du lịch tại các khu bảo tồn thiên nhiên, rất khó tránh tạo tác động đến môi trường sinh thái, sự đa dạng sinh học. Vấn đề là tác động ở mức độ nào thì không gây ra hậu quả nghiêm trọng? Nhiều dự án phát triển du lịch tại các khu bảo tồn thiên nhiên chưa được đánh giá đầy đủ về tác động môi trường, nên không thể dự báo về những rủi ro, hệ lụy có thể xảy ra trước khi tiến hành. Điều này khiến cho việc khắc phục hậu quả (nếu có) gặp khó khăn. Khó khăn còn do các quy định pháp luật hiện hành mới chỉ nêu được hai vấn đề liên quan đến khắc phục hậu quả, là nếu dự án thực hiện tại khu bảo tồn thiên nhiên mà gây thiệt hại thì các bên liên quan phải bồi thường bằng tiền hoặc trồng rừng thay thế. Thực tế, hai hình thức này không thể giúp lấy lại tính đa dạng sinh học đã bị phá vỡ.
Giảm thiểu tác động tiêu cực
Luật sư Trương Trọng Nghĩa - đại biểu Quốc hội cho rằng, việc bảo tồn thiên nhiên đem lại nhiều lợi ích quan trọng, liên quan đến bảo vệ chủ quyền, giữ ổn định xã hội, bảo vệ cộng đồng dân cư, bảo tồn di sản văn hóa... Công tác này không mâu thuẫn với sự phát triển du lịch mà trái lại, còn là điều kiện để phát triển du lịch. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch tại các khu bảo tồn thiên nhiên cần được kiểm soát chặt chẽ, và chỉ nên thực hiện các dự án du lịch sinh thái để tránh tạo ra tác động không đáng có đối với tài nguyên.
Đồng tình với ý kiến trên, GS.TS Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng, cho rằng việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên là để phục vụ người dân, vì thế, phát triển du lịch là xu hướng hợp lý. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác tài nguyên để phát triển du lịch, các cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư phải đặt lợi ích bảo tồn lên trên lợi ích kinh tế, tính toán hợp lý từng giai đoạn khai thác, sức chịu tải của từng khu bảo tồn thiên nhiên một cách có trách nhiệm nhằm hướng đến sự phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia về chính sách công, phân tích: Hiện nay, hệ thống văn bản pháp quy liên quan tới việc khai thác, quản lý tài nguyên thiên nhiên vẫn còn có sự chồng chéo, thậm chí là mâu thuẫn. Có những việc cụ thể, nếu căn cứ vào quy định được nêu trong Luật Bảo vệ và Phát triển rừng thì bị cấm, nhưng căn cứ theo Nghị định số 117/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24-12-2010 về tổ chức quản lý hệ thống rừng đặc dụng thì lại được phép. Việc phân cấp, phân quyền và hợp tác liên bộ, liên ngành trong việc hoạch định chính sách, ra quyết định đầu tư và giám sát việc phát triển du lịch trong các khu bảo tồn thiên nhiên còn thiếu thống nhất, dẫn đến sự xâm hại tài nguyên, gây bức xúc trong xã hội. Vì vậy, thời gian tới, hệ thống văn bản pháp luật về vấn đề này cần được điều chỉnh, bổ sung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.