Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phá sản ngân hàng: Chưa thể một sớm một chiều

Hương Thủy (thực hiện)| 28/11/2017 16:03

(HNMO) - Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng, phá sản ngân hàng chưa thể xảy ra một sớm một chiều bởi cần nhiều bước chuẩn bị để sẵn sàng cho việc này.


Quốc hội Khóa XIV vừa chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD). Dự thảo luật tập trung vào năm phương án để cơ cấu lại các TCTD được kiểm soát đặc biệt, gồm các phương án: Phục hồi; sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp; giải thể; chuyển giao bắt buộc và phá sản. Thông tin cho phép phá sản ngân hàng đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Chúng tôi đã phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng xung quanh vấn đề này.

-Thưa ông, Quốc hội vừa thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD, trong đó cho phép ngân hàng được kiểm soát đặc biệt phá sản, ông đón nhận thông tin này như thế nào?

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng.


- Trước hết, trong Luật Phá sản đã có hẳn một chương riêng về phá sản các TCTD nhưng chưa bao giờ chúng ta thực hiện. Vì vậy, Quốc hội thông qua Luật này chỉ là xác định lại quy định đã có nhưng mới là bây giờ Quốc hội quyết tâm thực hiện quy định đó, tức không chỉ trên văn bản giấy trắng mực đen mà phải đưa vào trên thực tế.

Ngành ngân hàng đã trưởng thành trong những năm qua và bây giờ là lúc đã có thể thực hiện việc phá sản nếu có ngân hàng quá yếu kém. Tuy nhiên, tại thời điểm này, theo tôi, phá sản ngân hàng chưa thể xảy ra một sớm một chiều bởi còn cần nhiều bước chuẩn bị sẵn sàng cho việc này.

-Vậy, cần chuẩn bị những gì, thưa ông?


-Thứ nhất, cần để các ngân hàng tự cơ cấu lại theo đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, phải để ngân hàng có thời gian họ tự điều chỉnh, cơ cấu lại và đi vào quỹ đạo lành mạnh.

Thứ hai, cả hệ thống có lẽ chưa chuẩn bị đủ để thực hiện phá sản, vì phá sản không chỉ đơn thuần là đưa ra tòa và tuyên bố phá sản mà phải có nhiều cơ quan chức năng, từ tòa án, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Tài chính, cơ quan thanh tra, giám sát vào cuộc, cuối cùng là thanh lý tài sản qua quản tài viên. Cho đến thời điểm này chúng ta chưa có quản tài viên nào. Chưa kể phải có quy định cụ thể, con người, năng lực tiếp quản ngân hàng sau khi tòa tuyên bố ngân hàng phá sản, vấn đề thanh lý tài sản như thế nào, vấn đề chi trả… Tóm lại là cần thời gian để chuẩn bị các khâu từ quy định, kỹ thuật, năng lực, con người đến tâm lý người dân để sẵn sàng tiếp nhận việc ngân hàng phá sản.

-Theo ông, cần bao nhiêu lâu để chuẩn bị?

-Có lẽ ít nhất là hai năm.

-Lợi ích lớn nhất khi cho phép ngân hàng phá sản là gì, thưa ông?


-Khi cho phép ngân hàng phá sản, lợi ích lớn nhất là đi vào quỹ đạo kinh tế thị trường. Đó là, một thành phần của thị trường nếu không hoạt động hiệu quả thì chính thị trường sẽ loại bỏ. Nếu đi vào kinh tế thị trường mà các ngân hàng, doanh nghiệp vẫn được Nhà nước bảo hộ thì không thể đi vào kinh tế thị trường một cách thực thụ. Vì thế, đã đi vào kinh tế thị trường thì phải chấp nhận vấn đề anh nào khỏe thì tồn tại, anh nào yếu có thể bị loại bỏ. Với ngân hàng cũng vậy, nếu anh yếu thì thị trường sẽ loại bỏ anh.

Thứ hai, Chính phủ không phải làm bà đỡ cho những ngân hàng quá yếu kém nữa. Hiện nay Chính phủ đang làm bà đỡ cho 3 ngân hàng được mua với giá 0 đồng, chi phí là rất lớn.

Thứ ba, người dân thường không quan tâm đến ngân hàng nào yếu kém, ngân hàng nào mạnh bởi các ngân hàng đều được NHNN bảo trợ nên cứ ngân hàng nào trả lãi suất cao thì người dân đến gửi tiền, không lo đến vấn đề ngân hàng nào bị phá sản. Tuy nhiên, trong tương lai thì người dân sẽ phải lựa chọn, sẽ phải “chọn mặt gửi vàng” khi gửi tiết kiệm.

-Khi phá sản ngân hàng, quyền lợi người gửi tiền được bảo đảm như thế nào, đặc biệt khi mà mức bảo hiểm tiền gửi chỉ là 75 triệu đồng vẫn còn gây tranh cãi?

-Trước hết, người gửi tiền sẽ được Bảo hiểm tiền gửi bồi thường đến 75 triệu đồng. Tuy nhiên, đây không có nghĩa là họ chỉ được trả 75 triệu đồng mà sau khi Bảo hiểm tiền gửi trả, tài sản của ngân hàng bị phá sản được thanh lý thì số tiền còn lại đó sẽ tiếp tục được trả cho người gửi tiền.

Khi việc phá sản ngân hàng được thực hiện, người dân sẽ phải "chọn mặt gửi vàng" khi gửi tiết kiệm. (ảnh minh họa, nguồn: Internet)


-Cho phép phá sản ngân hàng, chắc chắn tâm lý người dân sẽ bị ảnh hưởng, lời khuyên của ông với người gửi tiền vào lúc này là gì?

-Có lẽ một số người sẽ cảm thấy lo lắng khi Quốc hội thông qua Luật này nhưng chúng ta phải hiểu vấn đề đó không phải là vấn đề mới mà đã được quy định trong pháp luật từ lâu rồi, chỉ có điều bây giờ Quốc hội sẽ quyết tâm trong xử lý các ngân hàng yếu kém, đó là vấn đề của tương lai. Vì vậy tại thời điểm này người dân cứ yên tâm, gửi tiền ở đâu vẫn cứ nên để đó, không nên chuyển từ ngân hàng này sang ngân hàng khác.

-Đánh giá của ông về nguy cơ phá sản của ngân hàng Việt Nam hiện nay?


- Sau khi một số ngân hàng quá yếu kém được mua lại, nhiều ngân hàng đã có sự điều chỉnh rất tốt trong thời gian qua. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số vấn đề mà các ngân hàng đang cố gắng xử lý. Với đề án cơ cấu lại TCTD gắn với xử lý nợ xấu, các ngân hàng đang ráo riết cải tổ, cơ cấu lại, điều chỉnh lại để có thể đứng vững trên thị trường. Tôi nghĩ lạc quan là, thời điểm này có lẽ mọi người chưa phải lo lắng về phá sản ngân hàng bởi các ngân hàng vẫn đang cố gắng để duy trì tồn tại, sự phát triển của mình.

Xin cảm ơn ông!

Tại phiên trả lời chất vấn vừa qua, trả lời chất vấn của đại biểu về quyền lợi người gửi tiền khi tái cơ cấu ngân hàng, đặc biệt khi cho phép ngân hàng quá yếu kém không thể tái cơ cấu phá sản, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, trong bất cứ trường hợp nào xử lý các phương án đối với các TCTD thì mục tiêu đầu tiên phải đảm bảo là an ninh kinh tế, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, cùng giữ được lòng tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Mục tiêu xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành là luôn phải đảm bảo an toàn, quyền và lợi ích của người gửi tiền.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phá sản ngân hàng: Chưa thể một sớm một chiều

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.