Theo dõi Báo Hànộimới trên

PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam: Quan trọng là tinh thần thượng tôn pháp luật

Khánh Linh| 29/05/2023 06:17

(HNMCT) - Từ lâu, đời sống sôi động nơi vỉa hè thể hiện nét văn hóa bình dân thú vị của người Hà Nội. Tuy nhiên, trải qua thời gian, văn hóa vỉa hè cũng có sự biến đổi, hay có, dở cũng không ít. Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam về giải pháp căn cơ nhằm điều chỉnh văn hóa vỉa hè sao cho phù hợp với đà phát triển của một Thủ đô văn minh, hiện đại.

- Khi nhắc đến Hà Nội, người ta thường hay nhắc đến cụm từ “văn hóa vỉa hè”. Theo ông, cụm từ ấy hình thành từ khi nào?

- Vỉa hè Hà Nội bắt đầu xuất hiện từ thời Pháp thuộc khi Công sứ Bonnal cho làm con đường quan trọng từ khu nhượng địa Đồn Thủy (nay là phố Phạm Ngũ Lão) vào thành để chở vũ khí, lương thực cho binh lính Pháp. Con đường bắt đầu từ Đồn Thủy qua Hàng Khảm (nay là Tràng Tiền và Hàng Khay), Tràng Thi và đến Cửa Nam rồi vào thành được làm xong vào cuối năm 1885. Đường rộng hơn 10m, đôi bên có vỉa hè lát gạch và trồng phượng. Đây được coi là vỉa hè đầu tiên của Hà Nội. Để thiết lập trật tự vỉa hè, Thống sứ Bắc Kỳ đã đưa ra nhiều quy định để người dân tuân thủ, như quy định về chiều rộng vỉa hè ở khu vực “36 phố phường” - hẹp nhất cũng phải rộng 3m; quy định chủ nhà mặt phố, người thuê phải có trách nhiệm dọn vệ sinh hè phố trước cửa nhà, khơi thông rãnh thoát nước, nếu không thực hiện thì sẽ bị phạt theo các điều của Bộ luật Hình sự nước Pháp... Sau năm 1954, do nước sạch thiếu trầm trọng, nước từ đường ống chính không chảy nổi vào các vòi trong nhà nên dân hàng phố đua nhau đào bể trên vỉa hè và lấy nước từ đường ống chính. Vỉa hè thành chỗ rửa rau, vo gạo, giặt giũ quần áo, tắm táp vào mùa hè, luộc bánh chưng vào dịp Tết. Thời bao cấp, gánh hàng rong, quán nước vỉa hè bắt đầu trở nên phổ biến và trở thành một nét đặc trưng của Hà Nội. Thời gian qua đi, vỉa hè giờ đã nhiều công năng hơn ngày xưa. Từ thời mở cửa đến nay, các cửa hàng bung ra buôn bán đủ thứ mặt hàng, dịch vụ thiết yếu..., đặc biệt đây cũng là nơi chứa hồn cốt của văn hóa ẩm thực đường phố Hà Nội.

Văn hóa chính là tập hợp những thói quen, tập quán chắt lọc qua thời gian, không gian thành những chuẩn mực mang bản sắc riêng của mỗi cộng đồng. Và theo tôi, văn hóa vỉa hè cũng vậy, nó là tập hợp tất cả những thói quen, tập quán, nếp sinh hoạt diễn ra trên vỉa hè.

- Cụ thể thì những gì đã làm nên đặc trưng “văn hóa vỉa hè Hà Nội”, thưa ông?

- Vì là nơi tập trung các hoạt động như bán hàng ăn uống, đồ lưu niệm, nhu yếu phẩm, và là không gian sinh hoạt, nơi người dân tắm gội, giặt giũ, rửa rau, vo gạo, nấu nướng, luộc bánh chưng ngày Tết, phơi quần áo..., lại là nơi gặp gỡ, giao lưu của đủ các tầng lớp xã hội với các kiểu thể hiện văn hóa, ứng xử, các hình thức kiếm sống... nên vỉa hè không chỉ là không gian vật chất có chức năng dành cho người đi bộ, mà còn là một thực thể văn hóa.

Tuy nhiên, theo tôi, cái làm nên đặc trưng cho văn hóa vỉa hè Hà Nội phải là văn hóa tuân thủ luật pháp. Đó là ý thức tự giác giữ gìn vỉa hè sạch sẽ phong quang, giữ gìn không gian chung và dành không gian đủ rộng cho người đi bộ... Nếu buông lỏng quản lý thì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, như sự tranh giành diện tích vỉa hè, tình trạng “cha chung không ai khóc”, sự ồn ào nhốn nháo, bẩn thỉu, nhếch nhác...  

Việc tuân thủ pháp luật sẽ góp phần khắc phục tình trạng lộn xộn, nhếch nhác ở vỉa hè Hà Nội. Ảnh: Châu Anh

- Ông vừa nhắc đến sự biến đổi văn hóa vỉa hè, vậy theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng này?

- Có nhiều nguyên nhân nhưng theo tôi, nguyên nhân chủ yếu là do chúng ta chưa có quy định cụ thể, chi tiết dành cho vỉa hè. Thời gian trước đây, do những nguyên nhân khách quan như dân số chưa đông, chiến tranh, sau chiến tranh Đảng và Nhà nước còn phải tập trung lo xây dựng lại đất nước... nên vỉa hè đã bị buông lỏng quản lý. Sự buông lỏng quản lý đã khiến việc sử dụng vỉa hè trở nên hỗn loạn. Có những giai đoạn ai muốn làm gì thì làm, ai cũng là chủ, ai cũng có quyền sử dụng. Khi mọi thứ đang trong thế đã rồi, khi chính quyền hạ quyết tâm lập lại trật tự vỉa hè thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì nó liên quan đến tình cảm, trách nhiệm, sinh kế của những hộ gia đình sống bám trên vỉa hè...

- Hà Nội là một đô thị thoát thai từ nông thôn, ông có cho rằng văn hóa làng xã là một trong những lý do khiến không gian vỉa hè bộn bề nhiều vấn đề như ngày hôm nay?

- Tôi nghĩ là không. Hãy nhìn lại quá khứ, thời Pháp thuộc, có khi văn hóa làng xã còn mạnh hơn bây giờ nhưng không ai dám lấn chiếm vỉa hè bởi luật ngày đó rất nghiêm, cảnh sát đi tuần tra thường xuyên và áp dụng các hình thức phạt rất nặng. 

- Vậy theo ông, chúng ta cần những giải pháp gì để điều chỉnh văn hóa vỉa hè phù hợp với một đô thị đang trên đà hội nhập và phát triển như Hà Nội?

- Tôi nghĩ rằng cần phải xây dựng nền tảng luật pháp chặt chẽ, chi tiết đối với vỉa hè. Mọi loại hình văn hóa đều phải dựa trên ý thức thượng tôn pháp luật. Ví dụ như văn hóa đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, ban đầu chúng ta chưa hề có thói quen ấy, thậm chí khi đưa vấn đề này ra để bàn luận, nhiều người dân còn phản đối quyết liệt, nhưng khi đưa quy định này vào thực hiện với đủ chế tài, quy định thì dần dần nó trở thành một nét văn hóa được tất mọi người chấp nhận. Tương tự, việc đốt pháo vào những dịp cưới hỏi, lễ Tết cũng vậy.

Hiện tại, trong Luật Thủ đô cũng đã có những chương mục về quản lý vỉa hè. Điều 4 trong Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng có những quy định về việc giữ gìn không gian chung nơi vỉa hè. Chính phủ cũng đã ban hành các nghị định, thông tư liên quan đến vỉa hè, cùng với đó là các cuộc ra quân rầm rộ và quy mô để lập lại trật tự vỉa hè... Theo tôi, đó là một lợi thế rất lớn để điều chỉnh văn hóa vỉa hè phù hợp với nếp sống văn minh, hiện đại.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam: Quan trọng là tinh thần thượng tôn pháp luật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.